Lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, nhằm phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm như: Bán hàng không niêm yết giá bán theo quy định, bán với giá cao, không thực hiện việc mở sổ, người bán hàng không có giấy tờ ủy quyền của chủ cơ sở… góp phần bình ổn thị trường.
PTĐT - Nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh với các hoạt động sản xuất kinh doanh trái pháp luật, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, nhất là trong thời điểm bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) diễn biến phức tạp. Qua đó kiên quyết xử lý các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua gom hàng hóa hoặc tăng giá bán các trang thiết bị y tế, gây lũng đoạn thị trường.
Sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ gia đình dần đi vào ổn định, các hoạt động mua bán, tiêu dùng của người dân mặc dù không sôi động như trước Tết song cơ bản được đáp ứng đầy đủ, hàng hóa phong phú, những mặt hàng thực phẩm thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày như: Thịt, cá, rau, củ quả cơ bản ổn định về giá. Tuy nhiên, từ ngày 30/1, do lo ngại về dịch bệnh nCoV, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã đi mua khẩu trang y tế, nước rửa tay, nước sát khuẩn, nước súc miệng… để chủ động phòng tránh nguy cơ lây nhiễm, tạo nên “cơn sốt” trong những ngày tiếp theo, cao điểm là các ngày 31/1, mùng 1, mùng 2/2. Lợi dụng thời điểm nhu cầu mua khẩu trang y tế, nước sát khuẩn của người dân tăng cao, ở một số địa phương trong tỉnh đã xuất hiện tình trạng bán hàng không theo giá niêm yết, thậm chí “găm hàng” đẩy giá bán lên cao nhằm trục lợi.
Trước tình trạng tăng giá bất hợp lý, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, ngành Công thương, UBND tỉnh, huy động 100% lực lượng, không kể ngày nghỉ, phối hợp với ngành Y tế, Công an và chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý địa bàn, rà soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết bị y tế phòng dịch; tổ chức ký cam kết không tàng trữ, đầu cơ, găm hàng, tạo sự khan hiếm nhằm mục đích nâng giá, ép giá. Đồng thời kiên quyết xử lý hành vi sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng. Trong 4 ngày cao điểm, từ 31/1 đến 3/2, lực lượng quản lý thị trường đã rà soát, giám sát 374 cơ sở kinh doanh mặt hàng khẩu trang, nước rửa tay, nước sát khuẩn, nước súc miệng... trên địa bàn tỉnh.
Thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát đã phát hiện và xử lý 11 cơ sở vi phạm việc không niêm yết giá hàng hóa tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật; không thực hiện việc mở sổ, không sử dụng phương tiện theo dõi hoạt động mua thuốc, bán thuốc theo quy định, bán hàng khẩu trang với giá cao, người bán hàng không có giấy tờ ủy quyền của chủ cơ sở… điển hình như nhà thuốc Thiện Cảnh ở phường Gia Cẩm, nhà thuốc Thanh Thúy ở phường Nông Trang (thành phố Việt Trì), quầy thuốc Mai Ninh ở xã Thanh Vân (huyện Thanh Ba)… với tổng số tiền thu nộp ngân sách 20 triệu đồng đi đôi với tổ chức ký cam kết không vi phạm về quản lý giá, nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm… đối với 286 cơ sở kinh doanh thuốc, vật tư, thiết bị y tế. Nhờ những biện pháp quyết liệt trên, đến nay thị trường trên toàn tỉnh đã đi vào ổn định, các mặt hàng vật tư y tế, nhất là khẩu trang không còn nóng, sốt như những ngày trước. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, tại một số hiệu thuốc, cửa hàng vật tư y tế vẫn còn tình trạng thông báo hết mặt hàng khẩu trang y tế.
Ông Nguyễn Quốc Trụ - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Thực hiện quan điểm chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh trong việc ngăn chặn các hành vi đầu cơ, găm hàng, đẩy giá, thu lợi bất chính và đảm bảo quyền lợi của người dân, Cục Quản lý thị trường tỉnh tiếp tục chỉ đạo các Đội quản lý thị trường bám sát địa bàn được phân công, tăng cường kiểm tra, giám sát việc lưu thông hàng hóa, nhất là những mặt hàng của ngành y tế như thuốc tân dược, dược phẩm, vật tư y tế; kiểm tra thường xuyên, đột xuất các nhà thuốc, quầy thuốc trên địa bàn tỉnh. Nếu phát hiện tổ chức, cá nhân có dấu hiệu lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh nCoV để sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng giả là hàng hóa dùng để phòng, chữa bệnh hoặc găm hàng khẩu trang, nước rửa tay để bán cao hơn giá niêm yết, hoặc không niêm yết giá thì sẽ xử lý theo đúng quy định pháp luật. Người dân khi mua các loại vật tư y tế phục vụ cho công tác phòng dịch nếu phát hiện thấy việc tăng giá bất thường cần báo ngay cho lực lượng quản lý thị trường để có biện pháp xử lý kịp thời. Thực tế đã có một số trường hợp qua nguồn tin cung cấp của nhân dân, kết hợp kiểm tra đột xuất phát hiện vi phạm quy định của Nhà nước đã bị lực lượng chức năng tước giấy phép hoạt động kinh doanh.
Mai Phương