Triển vọng mới trên đồng đất cũ
baophutho.vn Nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, tạo động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất để thay thế những diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả. Qua đó, góp phần gia tăng giá trị canh tác, từng bước cải thiện, nâng cao thu nhập cho nông dân, mở ra triển vọng mới trên đồng đất cũ.

Triển vọng mới trên đồng đất cũ

Nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, tạo động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất để thay thế những diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả. Qua đó, góp phần gia tăng giá trị canh tác, từng bước cải thiện, nâng cao thu nhập cho nông dân, mở ra triển vọng mới trên đồng đất cũ.

Triển vọng mới trên đồng đất cũ

Kiểm tra hiệu quả giống lúa ST25 trên đồng đất xã Đoan Hạ, huyện Thanh Thủy sau khi dồn đổi tích tụ ruộng đất.

Nâng tầm nông sản

Về xã thuần nông Đoan Hạ, huyện Thanh Thủy những ngày cuối Thu - nơi trước đây nhiều diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang do địa hình không mấy thuận lợi, hiệu quả kinh tế thấp, chúng tôi chứng kiến sự đổi thay rõ nét. Tình trạng đất nông nghiệp hoang hoá đã giảm đáng kể, với sự hỗ trợ của các cấp, ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng giá trị, hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Năm 2017, xã đã thực hiện thành công Đề án dồn đổi ruộng đất trên diện tích 34ha vốn là vùng đất cấy các giống lúa thuần hiệu quả thấp để xây dựng vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao như DT120, J02 và áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất.

Đến năm 2020, nắm bắt được thông tin giống lúa đặc sản ST25 Sóc Trăng đã thuần hoá thành công trên vùng đất nông nghiệp miền Bắc, lãnh đạo xã đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ 34ha đất lúa hai vụ sang chuyên canh giống ST25. Kết quả, vụ đầu cho năng suất 55 tạ/ha. Vụ Hè Thu vừa qua là vụ mùa thắng lợi thứ tư trên đồng đất Đoan Hạ khi năng suất lúa ST25 đạt hơn 60 tạ/ha.

Đồng chí Phạm Xuân Thư - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp hiệu quả, hình thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung, xã đã rà soát, phân tích cụ thể về tình hình đất đai ở các khu để định hướng cho người dân trồng các loại cây phù hợp. Nhờ ứng dụng hiệu quả KHKT vào sản xuất, nên từ đầu năm đến nay, sản lượng lúa ST25 thu hoạch đạt 420 tấn, giá trị cao gấp 1,5-1,8 lần so với giống lúa thường. Sản phẩm đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó”.

Những ngày cuối tháng 10, nông dân ở xã Văn Lang, huyện Hạ Hòa nhộn nhịp, tấp nập thu hoạch bí xanh - sản phẩm nông nghiệp OCOP 3 sao đang là mô hình kinh tế mang lại thu nhập ổn định cho người dân nơi đây. Với lợi thế về diện tích cánh đồng phù sa màu mỡ, bằng phẳng, mươi năm trước, chính quyền và người dân trong xã đã mạnh dạn chuyển đổi trồng bí xanh trên đất lúa kém hiệu quả.

Thành công nối tiếp, cây bí xanh vụ Đông đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con trong xã. Quy mô sản xuất ngày càng tăng, vụ Đông năm nay, toàn xã ươm trồng 82ha bí đao, trong đó khoảng 30ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Ước tính, toàn xã sẽ thu hoạch được trên 3.000 tấn quả mang lại doanh thu khoảng 21 tỉ đồng.

Mô hình chuyển đổi từ trồng lúa sang bí đao xanh ở xã Văn Lang đã hình thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung, đảm bảo đầu ra ổn định. Sản phẩm bí xanh Văn Lang đã được công nhận thương hiệu sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với mã quả thon dài, xanh tươi, đặc ruột, đáp ứng được nhu cầu về nguyên liệu của thị trường gần xa.

Năm 2005, xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh được thụ hưởng dự án trồng thâm canh giống hồng không hạt trên 30ha đất đồi sau khai thác cây bạch đàn với khoảng 1.200 gốc. Từ những vườn cây ăn quả lâu năm kém năng suất, vườn tạp đã được người dân cải tạo để trồng và nhân rộng cây hồng không hạt, góp phần nâng cao thu nhập, mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp của địa phương. Tính đến nay, xã đã có khoảng 80ha cây ăn quả, trong đó riêng diện tích hồng không hạt là trên 50ha. Người dân trong xã nay có thể tự nhân giống hồng bằng phương pháp giâm hom rễ cho cây giống tốt, tỷ lệ sống cao.

Triển vọng mới trên đồng đất cũ

Hồng không hạt là mô hình chuyển đổi cây trồng thành công, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân ở xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh.

Những mô hình trên cho thấy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã đem lại hiệu quả tích cực trong sản xuất nông nghiệp. Cây trồng chuyển đổi phát huy hiệu quả trên đất trồng lúa, đất đồi vườn tạp cho hiệu quả kinh tế cao hơn giống cây trồng cũ; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương, nhu cầu thị trường, điều kiện nguồn nước, khí hậu. Từ đó, hình thành các vùng sản xuất tập trung (vùng trồng bưởi, chuối xuất khẩu, rau màu...) theo từng cây trồng gắn với tích tụ tập trung đất đai, liên kết sản xuất theo chuỗi mà không làm mất đi điều kiện cần thiết để trồng lúa trở lại. Kết quả, năm 2022, 10/13 huyện, thành, thị đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa với tổng diện tích trên 921ha, trong đó chuyển đổi trên 291ha đất trồng lúa sang trồng ngô, rau, cây thức ăn chăn nuôi, gai xanh, dược liệu...

Xuất hiện nhiều mô hình sau chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Trồng bí xanh xã Văn Lang, huyện Hạ Hòa cho lợi nhuận 250 triệu đồng/ha hay trồng rau tại huyện Lâm Thao cho lợi nhuận từ 85-90 triệu đồng/ha/năm... Cùng với đó còn xuất hiện các mô hình chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm như trồng bưởi ở xã Tứ Xã, trồng ổi ở xã Cao Xá, huyện Lâm Thao cho lợi nhuận từ 65-70 triệu đồng/ha... Nhiều địa phương cũng đã chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả cao như ở xã Phú Lộc, huyện Phù Ninh, một số xã: Xuân Huy, Tứ Xã, Cao Xá ở huyện Lâm Thao...

Tháo gỡ khó khăn

Hạ Hòa là địa phương đứng thứ hai toàn tỉnh sau huyện Lâm Thao về thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng năm 2023, với tổng diện tích trên 170ha. Theo đó, huyện thực hiện chuyển đổi trên 68ha chân đất cao hạn từ trồng lúa năng suất thấp sang trồng ngô, rau, cỏ voi; hơn 6,4ha trồng lúa chuyển sang trồng chuối, bưởi, ổi và trên 21ha chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản... Qua thực tế sản xuất, việc chuyển đổi một số diện tích lúa nước sang cây trồng cạn, trồng màu, nuôi trồng thủy sản có khả năng cải tạo đất tốt, hạn chế sâu bệnh, mang lại lợi nhuận cao hơn trồng lúa.

Tuy nhiên, theo đồng chí Văn Thanh Quân - Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hạ Hoà: “Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn. Các hộ có nhu cầu chuyển đổi nhưng chưa chủ động đăng ký với chính quyền địa phương để được hướng dẫn quy trình, thủ tục lập phương án. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác còn chậm do ruộng đất manh mún, quy mô sản xuất còn nhỏ; sự liên kết sản xuất theo chuỗi, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Hơn nữa, những năm gần đây, giá trị kinh tế cây bưởi thấp khiến một số hộ dân đã đăng ký, nhưng không chuyển đổi theo kế hoạch.

Một số xã vùng đồi như: Gia Điền, Hà Lương, Đại Phạm... có địa hình phức tạp, đa số đất sản xuất nông nghiệp nằm xen kẽ dưới các chân đồi, các thửa ruộng có diện tích nhỏ, có độ dốc lớn, nên khó thực hiện quy hoạch hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Cơ sở hạ tầng chủ yếu phục vụ cho sản xuất lúa nên việc chuyển đổi sang cây trồng khác chưa đáp ứng yêu cầu, hiệu quả thấp. Các địa phương cũng chưa hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi gắn với thời vụ, vùng chuyển đổi, cây trồng, khoa học - kỹ thuật, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”.

Triển vọng mới trên đồng đất cũ

Người dân xã Văn Lang, huyện Hạ Hòa thu hoạch bí xanh vụ Đông.

Những khó khăn mà huyện Hạ Hoà gặp phải trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng là trở ngại chung của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh gặp phải khi thực hiện quá trình này. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa còn nhỏ lẻ, manh mún cả về quy mô, lẫn hình thức, khó áp dụng cơ giới hóa cũng như các tiến bộ kỹ thuật đồng bộ nên năng suất, chất lượng nông sản còn thấp, hiệu quả kinh tế chưa rõ nét.

Nguyên nhân do diện tích đất lúa chuyển đổi chủ yếu ở những vị trí đất lúa xen kẹp, nhỏ lẻ trồng lúa không hiệu quả, nên khó hình thành được các vùng tập trung, quy mô lớn. Cơ cấu cây trồng chuyển đổi chủ yếu tập trung vào các cây trồng hàng năm truyền thống như ngô, rau nên tính cạnh tranh chưa cao. Diện tích chuyển sang trồng cây lâu năm có giá trị cao còn thấp chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Quy mô sản xuất nhỏ, chủ yếu ở dạng nông hộ, chưa hình thành được các tổ hợp tác sản xuất trong trồng trọt.

Trên địa bàn tỉnh hiện chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm do việc đầu tư vào nông nghiệp gặp nhiều rủi ro, thị trường tiêu thụ không ổn định, phần lớn người dân phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm khiến người dân e ngại trong quá trình chuyển đổi.

Năm 2023, toàn tỉnh dự kiến hoàn thành chuyển đổi trên 850ha đất lúa sang các loại cây trồng cây hàng năm như: Rau, ngô, thức ăn chăn nuôi, gai xanh, bưởi, chuối, hồng... Để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa hiệu quả, tăng thu nhập và ổn định đời sống người dân, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm bổ sung kinh phí từ ngân sách Trung ương hỗ trợ các địa phương đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là hệ thống thủy lợi nội đồng, giao thông nông thôn; cải tạo nâng cấp các hồ đập thuỷ lợi để chủ động phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Bộ cần tăng cường chỉ đạo các Viện nghiên cứu, các nhà khoa học tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu chọn tạo các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu; hỗ trợ các địa phương các thông tin khoa học kỹ thuật, thông tin thị trường, các phân tích, đánh giá, dự tính dự báo về các ngành hàng nông nghiệp; tạo điều kiện hơn nữa hỗ trợ tỉnh Phú Thọ được tiếp nhận các giống cây trồng mới, các tiến bộ kỹ thuật và biện pháp canh tác mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Giới thiệu cho tỉnh các doanh nghiệp có tiềm lực sản xuất, chế biến các sản phẩm nông sản đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân sau khi thực hiện chuyển đổi.

Hồng Nhung

Hồng Nhung