Kinh tế Việt Nam tăng tốc
Trong 4 đỉnh của "tứ giác mục tiêu": tăng trưởng cao, lạm phát thấp, thất nghiệp ít, cán cân thanh toán có số dư thì tăng trưởng kinh tế là "đỉnh" có tầm quan trọng hàng đầu.
![]() |
Du khách nước ngoài đến ngày càng nhiều (ảnh: Ngọc Hải) |
Nó không chỉ quyết định việc thực hiện mục tiêu chống nguy cơ tụt hậu xa hơn, sớm thoát khỏi tình trạng nước kém phát triển mà còn tạo tiền đề để thực hiện các mục tiêu về chống lạm phát, giảm thất nghiệp, cải thiện cán cân thanh toán.
Với ý nghĩa đó, tăng trưởng kinh tế năm 2005 đã đạt được nhiều sự vượt trội.
Tốc độ tăng GDP năm 2005 đạt 8,4%, tiếp tục đà tăng trưởng cao lên, năm sau cao hơn năm trước và đạt mức cao nhất so với bảy năm trước đó. Nhờ vậy mà bình quân một năm trong thời kỳ 2001- 2005 đã tăng 7,5%, vừa cao hơn tốc độ tăng 6,95%/năm của 5 năm trước, vừa đạt mục tiêu của kế hoạch 5 năm này. Đây cũng là tốc độ tăng thuộc loại cao nhất thế giới.
Tăng trưởng kinh tế đạt được ở cả 3 nhóm ngành.
Nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức hiếm thấy (rét đậm, rét hại, nắng hạn nặng, kéo dài trên diện rộng, mưa bão lũ chà đi xát lại, dịch cúm gia cầm tái phát, chi phí đầu vào tiếp tục tăng cao hơn giá bán đầu ra...) nhưng giá trị tăng thêm vẫn tăng 4%, cao hơn so với mục tiêu tăng 3,8%.
Xuất khẩu gạo đạt kỷ lục cả về số lượng lẫn kim ngạch; xuất khẩu một số nông sản đứng thứ hạng cao trên thế giới (đứng thứ nhất về hạt tiêu, đứng thứ hai về gạo, cà phê, hạt điều, đứng thứ tư về cao su.
Giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao, lên đến 17,2%, vừa vượt mục tiêu đề ra, vừa là năm thứ 15 liên tục tăng 2 chữ số - một tốc độ tăng cao, tăng liên tục, tăng trong thời gian dài mà các thời kỳ trước đây chưa bao giờ đạt được.
Tăng trưởng cao của công nghiệp đạt được ở cả 3 khu vực, trong đó khu vực ngoài quốc doanh tiếp tục tăng trưởng cao nhất và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng cao thứ hai.
Nhờ vậy, tỷ trọng của hai khu vực này cao lên và trở thành động lực tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp. Nhóm ngành dịch vụ tăng 8,5%, lần đầu tiên tính từ năm 1996 đã cao hơn so với tốc độ tăng trưởng chung.
Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản tiếp tục giảm, từ 24,5% năm 2000 xuống còn 20,9% năm 2005. Tỷ trọng nhóm ngành công nghiệp - xây dựng tiếp tục tăng, từ 36,7% năm 2000 lên 41% năm 2005, vượt mục tiêu đề ra cho năm 2005 và về đích trước 6 năm so với mục tiêu đề ra cho năm 2010. Tỷ trọng nhóm ngành dịch vụ đạt 38,1%, tuy chưa đạt mục tiêu nhưng đã chặn lại đà sút giảm tỷ trọng trong GDP của nhóm ngành này trong 9 năm trước đó.
GDP bình quân đầu người đạt trên 10 triệu đồng, tương đương với 638 USD tính theo tỷ giá hối đoái thực tế và tương đương với trên 2.700 USD tính theo tỷ giá sức mua tương đương, góp phần nâng thứ hạng trên thế giới về chỉ số phát triển con người (HDI).
Trao đổi với khách hàng nước ngoài
Đạt được nhiều sự vượt trội trên do tác động tích cực của nhiều yếu tố, cả ở đầu vào, cả ở đầu ra.
Ở đầu vào, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP đạt 38,7%, thuộc loại cao nhất từ trước tới nay, vượt mục tiêu đề ra và đóng góp lớn nhất (57,5%) vào tốc độ tăng trưởng chung (yếu tố lao động đóng góp 20%, yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp 22,5%).
Tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP của Việt Nam thuộc loại khá cao, có chăng chỉ thấp thua tỷ lệ trên 40% của Trung Quốc, cao hơn nhiều so tỷ lệ trong năm 2004 của các nước trong khu vực (Hàn Quốc 29,3%, Thái Lan 27,8%, Nhật Bản 24%, Malaysia 22,5%, Philippines 19,6%, Singapore 15,3%...).
Vốn đầu tư của khu vực ngoài quốc doanh tăng cao hơn tốc độ chung và đã chiếm gần một phần ba tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới và bổ sung có dấu hiệu khởi sắc, tạo thành "làn sóng mới" với trên 5,8 tỉ USD, cao nhất tính từ năm 1998 và số thực hiện đạt mức cao nhất từ trước tới nay.
Đến nay đã có đủ 64 tỉnh/thành phố có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với trên 60 tỉ USD vốn đăng ký và bổ sung, cùng khoảng 33 tỉ USD vốn thực hiện. Nguồn vốn ODA đến nay theo số cam kết đạt trên 30 tỉ USD và giải ngân trên 16 tỉ USD. Như vậy tính đến nay, tổng vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt khoảng gần 50 tỉ USD, xấp xỉ với GDP năm nay tính theo tỷ giá hối đoái thực tế.
Ở đầu ra, cả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đều đạt được nhiều sự vượt trội. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 20,5%, nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì vẫn còn tăng 11,4%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Cũng vì vậy, tỷ lệ tiêu dùng của dân cư thông qua việc mua bán trên thị trường đã tăng, chứng tỏ tính tự cấp tự túc giảm, tính sản xuất hàng hóa của nền kinh tế cao lên, phù hợp với sự chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường. Xuất khẩu đạt cao cả về quy mô, cả về tốc độ tăng trưởng.
Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu ước đạt 32,2 tỉ USD, cao nhất từ trước tới nay, gấp trên 15 lần năm 1991, bình quân một năm tăng 21,6% - một tốc độ tăng mà các thời kỳ trước đó chưa bao giờ đạt được. Kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người đạt 388 USD, gấp 12,5 lần năm 1991.
Tỷ lệ kim ngạch xuất, nhập khẩu so với GDP đạt trên 130%, thuộc loại cao trên thế giới, chứng tỏ độ mở cửa của nền kinh tế nước ta khá rộng. Tốc độ tăng xuất khẩu cao gấp hơn hai lần tốc tăng trưởng kinh tế.
Thị trường xuất, nhập khẩu đã được mở rộng ra hầu hết các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó những thị trường lớn đạt kim ngạch cao như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Australia, Singapore, EU... Nhờ xuất khẩu tăng cao hơn nhập khẩu nên tình trạng nhập siêu lớn trong những năm trước đã được chặn lại cả về kim ngạch tuyệt đối, cả về tỷ lệ nhập siêu.
Nhờ tăng trưởng kinh tế cao nên tổng thu ngân sách Nhà nước vừa vượt khá so với dự toán pháp lệnh, vừa tăng cao so với năm trước và là năm thứ 8 liên tục đạt đươc kết quả này. Các mục tiêu về tích lũy, tiêu dùng, các mục tiêu về xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường cũng đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.
Nếu tiềm năng được khai thác tốt hơn, chất lượng tăng trưởng được nâng cao hơn thì "tứ giác mục tiêu" năm 2006 của VN sẽ còn đẹp hơn năm 2005 - không những tiếp tục đạt tốc độ cao về kinh tế mà còn bảo đảm hài hòa hơn về sự phát triển xã hội và bảo vệ, cải thiện môi trường nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng và bảo đảm phát triển bền vững. Theo TPO