Đầu tháng 6 vừa qua, Bệnh viện đa khoa tỉnh ghi nhận một trường hợp bệnh nhân tử vong sau khi truyền dịch tại nhà. Sự việc này là hồi chuông cảnh báo trước tình trạng người dân lạm dụng truyền dịch tại nhà khi chưa có y lệnh của bác sĩ. Phóng viên Báo Phú Thọ đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ, Bác sĩ Hà Thị Bích Vân - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Tiến sĩ, Bác sĩ Hà Thị Bích Vân - Trưởng Khoa cấp cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh
PV: Xin bác sĩ cho biết truyền dịch là gì và người bệnh cần truyền dịch khi nào?
* TS,BS Hà Thị Bích Vân: Truyền dịch hay còn gọi là truyền tĩnh mạch là hình thức đưa vào cơ thể một lượng dung dịch (nước cất, dịch muối, đường, chất dinh dưỡng, điện giải, thuốc..).
Người bệnh cần truyền dịch khi các chỉ số trong máu như nước, muối, đường, chất điện giải của cơ thể bị giảm và phải bù để đảm bảo sự cân bằng. Khi ấy, người bệnh cần làm xét nghiệm máu để xác định bù cái gì và bù lượng bao nhiêu. Một số trường hợp đặc biệt phải truyền dịch trước khi có xét nghiệm như: Bệnh nhân mất nước, mất máu, ngộ độc, trước và sau phẫu thuật và một số chỉ định khác nhưng phải được thực hiện trong bệnh viện.
PV: Thực tế đã cho thấy ngay cả khi được truyền dịch đúng kỹ thuật, đúng chỉ định, người bệnh vẫn có thể gặp phải những tai biến. Vậy nguy cơ có thể xảy ra khi truyền dịch tại nhà là gì, thưa bác sĩ?
Bác sĩ khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh kiểm tra dịch truyền cho bệnh nhân
TS,BS Hà Thị Bích Vân: Những nguy hiểm có thể xảy ra khi tự ý truyền dịch tại nhà có thể nặng hoặc nhẹ tùy theo mức độ. Nhẹ thì sưng đau tại vị trí truyền, dịch không chảy, phồng nơi tiêm, khí lọt vào đường truyền... Nặng hơn có thể bị phù phổi cấp nếu truyền nhanh khối lượng dịch lớn hoặc truyền nhiều dịch ở bệnh nhân tăng huyết áp, suy tim, viêm phổi... hoặc gây tắc mạch phổi do khí trong dây truyền lọt vào trong lòng mạch. Ngoài ra, có thể gây nhiễm khuẩn huyết, viêm gan, HIV... nếu không đảm bảo vấn đề vô khuẩn. Trường hợp nguy hiểm hơn nữa là có thế bị phản vệ gây nổi ban, rét run, sốt, đau tức ngực, đau bụng, đi ngoài phân lỏng, khó thở, suy hô hấp, hôn mê... thận chí tử vong ngay.
- PV: Truyền dịch tại nhà hiện nay là một trong những dịch vụ của các phòng khám được cấp phép, bác sĩ có khuyến cáo gì với người dân khi lựa chọn truyền dịch tại nhà?
TS, BS Hà Thị Bích Vân: Để đảm bảo an toàn khi truyền dịch tại nhà, người dân cần tuân thủ các nguyên tắc sau: Tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo liều lượng dịch truyền chính xác; luôn có bác sĩ và điều dưỡng túc trực trong suốt quá trình truyền dịch để theo dõi tình trạng sức khỏe, kiểm tra lượng dịch truyền và tốc độ truyền dịch; kiểm tra đúng hạn sử dụng các loại dịch truyền, không sử dụng các loại dịch truyền đã mở nắp, dây truyền rách hay có bất thường; sát khuẩn sạch vùng da truyền; không tự ý pha thêm thuốc vào dịch truyền trừ khi có chỉ định của bác sĩ; bác sĩ và điều dưỡng phải nắm vững Thông tư 51/2017/TT-BYT về “Hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ” đồng thời có đầy đủ thuốc và vật tư xử lý phản vệ..
Người dân nên truyền dịch tại các cơ sở y tế để tránh các tai biến, các nguy hiểm có thể xảy ra đảm bảo an toàn tính mạng, không tự ý truyền dịch tại nhà.
- PV: Xin cảm ơn bác sĩ về những chia sẻ hữu ích vừa rồi!
Thùy Trang