Phú Thọ hiện đứng thứ tư về diện tích, thứ ba về sản lượng chè trong số các tỉnh sản xuất chè của cả nước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và xung đột giữa Nga – Ukraina, ngành chè của tỉnh đang gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, tháng 4 và 5/2022, chè xuất khẩu đi Nga bị đình trệ hoàn toàn, thậm chí có cong-ten-nơ hàng đã đến cảng để xuất khẩu còn phải quay về. Tỉnh đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm từng bước gỡ khó cho các doanh nghiệp xuất khẩu chè đen.
Với những giải pháp đồng bộ, hy vọng sớm giải quyết lượng chè đen tồn kho của Công ty Chè Phú Đa
Hiện nay, diện tích chè toàn tỉnh là 15.400 ha, trong đó chè giống mới chiếm gần 80% diện tích. Năm 2022, tỉnh đạt 60.000 tấn chè thành phẩm, trong đó 70% là chè đen, 30% chè xanh và các loại chè khác. Trên địa bàn tỉnh hiện có 57 nhà máy chế biến chè, trong đó 21 doanh nghiệp đang áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO.
Công ty TNHH Chè Tân Bình (xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn) là doanh nghiệp sản xuất chế biến mặt hàng chè đen OTP và được xuất khẩu sang Nga và Trung Quốc, có công suất sản xuất 1.500 tấn chè/năm. Trong năm 2022, doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng bởi có thời điểm chè xuất khẩu đi Nga và Trung Quốc bị đình trệ do chiến tranh giữa Nga với Ukraine, và do Trung Quốc đóng biên vì dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, sau khi hoạt động vận chuyển được mở lại doanh nghiệp lại gặp phải cơ chế thanh toán sang Nga khó, giá bán thấp. Không chỉ khó khăn này, từ đầu năm đến nay, thời tiết khô hạn, ít mưa nên hầu như chè không phát triển, do vậy dẫn đến thiếu nguyên liệu chế biến. Hiện doanh nghiệp phải bố trí sản xuất cầm chừng, hai ngày mới chạy máy/lần. Tuy thiếu nguyên liệu sản xuất, nhưng Công ty vẫn gặp khó khăn thanh toán giá bán trong xuất khẩu, nên lượng chè tồn kho của Công ty TNHH Chè Tân Bình lên tới khoảng 500 tấn. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ trong hoạt động của doanh nghiệp.
Công ty Chè Phú Đa, huyện Thanh Sơn là doanh nghiệp có năng lực sản xuất và chế biến chè OTP hiện đại nhất tỉnh. Những năm qua, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, thị trường truyền thống bị thu hẹp, thêm vào đó chi phí vật tư đầu vào như phân bón, than và các chi khác cho sản xuất đều tăng trong khi giá chè đen xuất khẩu không tăng…dẫn tới doanh nghiệp liên tục phải sản xuất cầm chừng.
Ông Nguyễn Hồng Anh - Tổng Giám đốc Công ty Chè Phú Đa cho biết: Với năng lực sản xuất 4.700-4.800 tấn chè khô/năm, có thời điểm năm 2020-2021, Công ty tồn kho tới 6.000 tấn/năm. Để khắc phục lượng tồn kho, Công ty đã tiết giảm tối đa chi phí quản lý để kiểm soát giá thành, bình quân từ 1,8-2 tỷ đồng/năm; tập trung đầu tư giữ vườn chè để luôn chủ động về nguyên liệu và chất lượng. Cùng với đó, Công ty tìm kiếm các thị trường khó tính hơn như Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ và hiện nay đang tương tác khách hàng trong khối EU. Tuy nhiên, lượng tồn kho hiện nay của Công ty vẫn còn khoảng trên 4.000 tấn.
Phú Thọ là thủ phủ của Chè xanh- nguyên liệu để sản xuất ra thành phẩm là chè đen để xuất khẩu
Đây chỉ là hai trên tổng số nhiều doanh nghiệp chè trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè xuất khẩu. Trước những khó khăn này, để gỡ khó đầu ra cho cây chè, năm 2023, Phú Thọ xác định đưa chè và chuối xuất khẩu sang một số thị trường, trong đó mục tiêu lớn nhất là Bangladesh, do thị trường Bangladesh có 160 triệu dân, nhu cầu tiêu dùng rất lớn; tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Đồng chí Đặng Việt Phương- Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Ngày 24/4/2023, tỉnh Phú Thọ đăng cai hội nghị trực tuyến chuyên đề về xuất khẩu chè, theo đó thành phần tham dự dự kiến có khoảng 50 doanh nghiệp chè, hiệp hội chè, đại diện Sở Công Thương và cơ quan xúc tiến thương mại các tỉnh trong khu vực sẽ về Phú Thọ để dự hội nghị. Đặc biệt tham dự hội nghị có ông Nguyễn Mạnh Cường Đại sứ Việt Nam tại Băng-La-đét (dự trực tiếp); ông Tạ Văn Thông Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Indonesia (dự trực tuyến); Tham tán thương mại, Thương vụ các nước: Trung Quốc, Ấn Độ, Ả Rập Xê - út, Ma - Rốc (tham dự trực tuyến)”.
Công ty Chè Phú Đa, Công ty TNHH MTV Chè Phú Bền, Công ty TNHH Chè Tân Bình, Công ty TNHH Chè Yên Sơn, Công ty Chè Phú Thọ có tổ chức Đảng trực thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh. Trước những khó khăn mà các doanh nghiệp chè đang gặp, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trong khối nhất là trong suốt thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Sau khi dịch bệnh ổn định, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế đất nước, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh chỉ đạo cấp ủy cơ sở phối hợp với chủ doanh nghiệp chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, giải pháp của Đảng, Nhà nước về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; chú trọng đầu tư phát triển. Phát huy vai trò cầu nối, kịp thời tổng hợp phản ánh những khó khăn, vướng mắc, các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp đến lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành có liên quan để kịp thời giải quyết, tháo gỡ. Vận động các đơn vị tăng cường liên kết, hợp tác trong sản xuất - kinh doanh, chủ động tìm kiếm, đa dạng hóa các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và đẩy mạnh việc quảng bá, bán hàng trực tuyến thông qua gian hàng của Đảng bộ Khối được thiết lập trên Sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh và Nhóm zalo “Giới thiệu sản phẩm Khối doanh nghiệp tỉnh”. Chỉ đạo xây dựng gian hàng chất lượng cao của các đơn vị, doanh nghiệp trong Khối phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão, qua đó thu hút hàng chục lượt doanh nghiệp trong Khối tham gia ký kết tiêu thụ. Đồng thời, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng thường xuyên quan tâm thực hiện công tác vận động cán bộ, đảng viên, người lao động tích cực hưởng ứng tham gia các phong trào thi đua, đẩy mạnh tiếp thu và làm chủ các công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Anh Thơ