Tạo sức lan tỏa cho hàng Việt
baophutho.vn Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...

Tạo sức lan tỏa cho hàng Việt

Người dân lựa chọn hàng hóa, mua sắm tại cửa hàng Ngọc Huế - điểm bán hàng Việt Nam thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh.

Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã góp phần quan trọng thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân theo hướng ưu tiên sử dụng hàng Việt, đưa tỉ trọng hàng Việt chiếm thị phần lớn trong hàng hóa trên địa bàn tỉnh, qua đó góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, kiềm chế lạm phát, bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội.

Hàng Việt chiếm lĩnh thị trường

Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã thực hiện theo đúng quan điểm của Đảng nhằm giúp người tiêu dùng nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam; xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam dựa trên tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc. Từ sự thay đổi nhận thức, trách nhiệm của người tiêu dùng đối với các mặt hàng trong nước, thị trường hàng Việt đã có những chuyển biến tích cực. Trên địa bàn tỉnh đến nay duy trì trên 80% hàng Việt Nam bày bán tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích. Trên cơ sở quy hoạch phát triển thương mại, tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, mở rộng kênh phân phối hàng Việt và độ bao phủ của hàng hóa, tăng hiện diện của hàng Việt Nam trên thị trường.

Đến nay, toàn tỉnh có 4 trung tâm thương mại lớn, 17 siêu thị và nhiều cửa hàng tiện ích, 197 chợ, từng bước hình thành mô hình các chuỗi liên kết sản xuất - phân phối - tiêu dùng nhằm tạo lập, phát triển thị trường. Trong bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, sự vững mạnh của hàng Việt và hệ thống phân phối hàng trong nước cũng đã được khẳng định. Trong khi thị trường xuất nhập khẩu, các đơn hàng bị ảnh hưởng thì thị trường trong tỉnh hàng hóa vẫn đảm bảo, không xuất hiện tình trạng mất cân đối cung cầu.

Đề án đã tác động đến cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh ý thức, trách nhiệm hơn trong sản xuất, tiêu dùng hàng Việt Nam. Các doanh nghiệp có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm của đơn vị; phát huy trách nhiệm, vai trò trong việc nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và xây dựng thương hiệu. Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ đổi mới máy móc thiết bị trong sản xuất; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thiết kế và in bao bì, tem điện tử, tham gia các hội chợ triển lãm, xây dựng website thương mại điện tử. Cùng với đó, công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi kinh doanh trái phép được đẩy mạnh, tạo sự chuyển biến trong công tác quản lý chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, bảo vệ người tiêu dùng, người sản xuất, kinh doanh hàng Việt.

Xác định để hàng Việt có đủ điều kiện chiếm lĩnh thị trường trong tỉnh nói riêng, trong nước nói chung và hướng tới xuất khẩu, Sở Công thương chú trọng triển khai các chương trình truyền thông, quảng bá sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt; thông tin diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu. Đồng thời phối hợp với UBND các huyện, thành, thị xây dựng các điểm bán hàng Việt cố định trong Chương trình “Tự hào hàng Việt Nam”. Đây là một trong những kênh quan trọng trong việc phân phối, đưa hàng Việt trực tiếp đến người tiêu dùng, phát triển thị trường trong nước với hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững.

Cửa hàng Ngọc Huế - điểm bán hàng Việt Nam ở thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh được bố trí theo kiểu cửa hàng tiện ích, đảm bảo các yêu cầu về thuận tiện, văn minh. Chị Lê Thị Huế- Chủ cửa hàng cho biết: Được Sở Công thương lựa chọn xây dựng điểm bán hàng Việt Nam, chúng tôi được hỗ trợ hệ thống biển hiệu, tư vấn nhiều kỹ năng liên quan đến việc thực thi những quy định của pháp luật đối với cơ sở kinh doanh. Để trở thành cầu nối giữa hàng Việt và người tiêu dùng hàng Việt tại địa phương, cửa hàng đã ưu tiên lựa chọn các sản phẩm của nhà sản xuất trong nước, trong tỉnh để phân phối, bán lẻ. Đến nay, tỉ lệ hàng Việt chiếm trên 90% trong cơ cấu hàng hóa của cửa hàng chúng tôi.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, hàng hóa trong nước đang phải chịu sức ép cạnh tranh với hàng hóa nhập ngoại, đặc biệt là khi các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam ký kết đã có hiệu lực, hàng hóa nước ngoài thâm nhập vào Việt Nam ngày càng nhiều, đòi hỏi phải có các giải pháp tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt.

Người tiêu dùng kiểm tra thông tin sản phẩm, quan tâm đến các mặt hàng trong nước sản xuất tại Siêu thị Big C Việt Trì.

Tiếp tục phát huy thế mạnh hàng Việt

Để đáp ứng trong giai đoạn mới, Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Không chỉ mang ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội sâu sắc, thực hiện Đề án còn là “cơ hội vàng” giúp các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, chiếm lĩnh thị trường, từng bước hội nhập.

Theo ông Đặng Việt Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương, để tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án trên địa bàn tỉnh nhằm giữ thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh với tỉ lệ trên 90% tại các kênh phân phối hiện đại; xây dựng được chuỗi phân phối các sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất hàng Việt Nam tại thị trường trong nước, Sở Công thương đã chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xây dựng các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm là tổ chức các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”. Tiếp tục chủ động phối hợp với Ban chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh, các ngành liên quan, các tổ chức, các hiệp hội... để tăng cường, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền về Đề án và Cuộc vận động; triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, xây dựng thương hiệu...

Triển khai Đề án phát triển thị trường trong nước giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh, khai thác tối đa tiềm năng sẵn có, phát triển hệ thống phân phối bền vững. Vì vậy, đối với doanh nghiệp, bên cạnh việc đầu tư cải tiến, đổi mới áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm, cần tiếp tục thực hiện mở rộng và nghiên cứu thị trường, tăng cường tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, thương hiệu của mình; tích cực liên kết với nhau trong tiêu thụ nguyên liệu, thành phẩm để kéo dài hơn chuỗi giá trị sản xuất.

Cùng với đó, công tác tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về thực hiện Đề án gắn với Cuộc vận động tiếp tục được đẩy mạnh. Về phát triển hàng hóa, các ngành, địa phương cần tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp tích cực đổi mới sản xuất, bám sát nhu cầu, thị hiếu của thị trường người Việt, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, độ an toàn của sản phẩm; xây dựng thương hiệu; nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả, đồng thời hỗ trợ phát triển một số mô hình tổ chức sản xuất điển hình. Vận động để các doanh nghiệp tổ chức các điểm bán hàng hóa thương hiệu Việt, bán hàng bình ổn thị trường phục vụ nhu cầu của nhân dân.

Tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các cấp, các ngành tạo cơ chế, chính sách phù hợp, hỗ trợ kịp thời để khuyến khích doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; hỗ trợ quảng bá, xúc tiến giới thiệu sản phẩm, xây dựng uy tín, thương hiệu hàng hóa gắn với cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần nâng cao chất lượng, tạo sự lan tỏa, mang lại lợi ích cho toàn xã hội. Cùng với đó, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để bảo vệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh lành mạnh và tăng cường niềm tin của người tiêu dùng.

Huy Công

Huy Công