“Hái” lộc nhung hươu
baophutho.vn Những năm gần đây, nghề nuôi hươu lấy nhung phát triển ở nhiều địa phương trong tỉnh. Nhờ nghề này nhiều hộ dân đã thoát nghèo, vươn lên thành các hộ giàu, khá. Giá trị dinh dưỡng và kinh tế của nhung hươu rất cao. Vì vậy, cách cắt nhung hươu đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận của người thu hoạch.

“Hái” lộc nhung hươu

Những năm gần đây, nghề nuôi hươu lấy nhung phát triển ở nhiều địa phương trong tỉnh. Nhờ nghề này nhiều hộ dân đã thoát nghèo, vươn lên thành các hộ giàu, khá. Giá trị dinh dưỡng và kinh tế của nhung hươu rất cao. Vì vậy, cách cắt nhung hươu đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận của người thu hoạch.

“Hái” lộc nhung hươu“Hái” lộc nhung hươu

Dẫn chúng tôi ra khu chuồng trại của gia đình, ông Nguyễn Ngọc Tuế, khu 11, xã Tu Vũ, huyện Thanh Thuỷ giới thiệu về những con hươu được nuôi lấy nhung. Mới đầu, gia đình nuôi 10 con, sau đó có vốn ông mở rộng dần. Sau bảy năm nuôi hươu lấy lộc, nay gia đình ông đã duy trì đàn hươu 40 con, tất cả con đực đều đang ở tuổi cho lộc hươu. Hươu nuôi đến khoảng năm thứ ba sẽ thu hoạch được lộc nhung. Và trung bình sau một năm đầu tư chăm sóc, con hươu đực trút khối sừng cứng trên đầu (gọi là đế), để mọc lên một cặp lộc nhung hồng tơ. Hươu đực có thể cho nhung trong khoảng 25 năm.

Mùa thu hoạch nhung hươu bắt đầu từ tết Nguyên đán và kéo dài rải rác đến tháng năm âm lịch. Trung bình mỗi cặp nhung hươu khoảng 700 gram, cá biệt có con hươu cho hơn 1kg nhung/năm. Hiện tại, nhung hươu được ông Tuế bán với giá 15 triệu đồng/kg. Với giá trị cao về dinh dưỡng và kinh tế, việc cắt nhung hươu phải được thực hiện rất cẩn thận, tỉ mỉ.

Là một người có kinh nghiệm bảy năm cắt nhung hươu, ông Tuế cho biết, một nhóm “hái” lộc nhung cần có ba đến bốn người, phải là người có sức khoẻ tốt và khéo léo. Trước khi “hái” lộc nhung, ông chuẩn bị lá diệp hạ châu (lá chó đẻ) hoặc cỏ lào giã nhuyễn để sau khi cắt nhung sẽ đắp vào vết cắt nhằm giúp cho phần nhung vừa bị cắt nhanh chóng ổn định, đảm bảo sức khỏe cho hươu. Đây được xem là vị thuốc để tái tạo những cặp nhung mới. Để đảm bảo cho nhung hươu không bị các vi sinh vật xâm nhập, gây viêm nhiễm tại vết thương, trước khi cắt nhung, ông Tuế tiệt trùng lưỡi cưa với rượu trắng có nồng độ cao.

“Hái” lộc nhung hươu

Dây thừng, chuồng sắt tự chế và cưa sắt nhỏ sắc bén là những dụng cụ không thể thiếu khi “hái” lộc nhung. Tiếp đến là lùa hươu vào chuồng tự chế, dùng dây cố định chân hươu. Để đảm bảo an toàn cho người và hươu, các động tác khống chế hươu phải được thực hiện nhanh, gọn và dứt khoát. Đây được xem là công đoạn khó nhất vì hươu là loại động vật rất nhanh, khỏe, lại có bộ guốc rất sắc. Khi hươu đã được cố định đầu và chân, ông bắt đầu dùng lưỡi cưa nhỏ sắc bén để cắt nhung. Khi cắt, cần để thừa 1cm ở chân nhung, để nhung tiếp tục mọc lên dễ dàng. Công việc cắt nhung hươu tưởng chừng đơn giản nhưng đòi hỏi người cắt phải có kinh nghiệm, sức khỏe, nhanh nhẹn và khéo tay mới làm được. Cắt xong sẽ dùng lá diệp hạ châu đã giã nhuyễn trước đó đắp lên chỗ cắt và dùng vải hoặc lá chuối đã rửa sạch để bọc nhung lại. Thao tác này nhằm giúp cho phần đế nhung còn lại không bị nhiễm trùng, đảm bảo sức khỏe cho hươu cũng như giúp nhung tái tạo tốt hơn. Việc bọc đế nhung hươu cũng được thực hiện hết sức cẩn thận, đúng kỹ thuật, tránh hươu làm rơi miếng bọc, nhưng cũng phải có một độ lỏng nhất định để vài tiếng sau khi cắt miếng bọc sẽ tự rơi ra - lúc đó vết cắt đã được cầm máu và khô lại.

Theo ông Tuế, một cặp nhung hươu đạt chuẩn là cặp nhung đã mọc được 43- 45 ngày, phân ra hai nhánh lớn nhỏ cân bằng và đối xứng. Màu sắc của nhung tươi mới, có sự hồng hào của máu, bên ngoài có lớp lông tơ mềm, cầm vào chắc tay. Những cặp nhung như vậy sẽ có giá trị dinh dưỡng rất cao.

Từ đầu năm đến nay, gia đình ông đã thu hoạch tám cặp nhung hươu. Trung bình mỗi năm ông thu hoạch được 20kg nhung, thu về khoảng 300 triệu đồng.

Từ ưu thế, giá trị vượt trội hơn hẳn so với nhiều loại con vật khác, nhiều năm qua, nghề nuôi hươu lấy lộc nhung đã giúp nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện có cuộc sống khá giả, đủ đầy hơn.

Quốc An

Quốc An