Bộ kit xét nghiệm Covid-19- Sản phẩm được Công ty Việt Á “lại quả” đậm khiến nhiều cán bộ, lãnh đạo ngành y hám lợi vướng vòng lao lý.
Một ngày sau khi Hoa Công Hậu (60 tuổi) - nguyên Giám đốc Sở Y tế Tây Ninh bị khởi tố để điều tra hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, ngày 18/5, tại Đồng Tháp, Cơ quan Cảnh sát Điều tra cũng khởi tố vụ án với các đơn vị liên quan đến Công ty Việt Á để điều tra vì hành vi tương tự. Các vụ khởi tố, bắt tạm giam cán bộ, lãnh đạo thuộc ngành y tế liên tục xảy ra trong thời gian gần đây đã khiến dư luận bức xúc, đau xót, đặt ra nhiều nghi vấn trái chiều liên quan đến các quy định của pháp luật cũng như đạo đức công vụ của một bộ phận lãnh đạo, cán bộ…
Mới đây, tại phiên tòa xử vụ án “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại Công ty VN Pharma, với cáo buộc “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, khi được nói lời sau cùng, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường nói: “Cả đời tôi phấn đấu, rất ý thức, rèn luyện mình nhưng không may có chuyện này xảy ra, dẫn đến vòng lao lý. Đó là nỗi mất mát to lớn nhất không gì so sánh được”…
Không riêng gì ông Cường, sẽ còn nhiều người sẽ tiếp tục phải nói lời sau cùng tại các phiên tòa xét xử hành vi vi phạm của mình và đồng bọn. Bởi lẽ, chỉ riêng liên quan đến vụ kit test của Công ty Việt Á, đã có hơn 30 người bị khởi tố, trong đó có ba quan chức cấp vụ của Bộ Y tế và Bộ Khoa học Công nghệ, gần 10 giám đốc CDC bị bắt, đặc biệt là hai vị tướng của Học viện Quân y đã bị kỷ luật, hai vị cấp tá bị bắt. Mới nhất là ông Hoa Công Hậu - cựu Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tây Ninh cùng bảy người khác bị cáo buộc vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Hoa Công Hậu có hành vi nhận “hoa hồng” hay không còn phải chờ thông tin từ các cơ quan chức năng, nhưng trên thực tế, chuyện đấu thầu mua sắm thiết bị y tế thường gắn liền với “hoa hồng”. Thế nên, khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến Công ty Việt Á ở Đồng Tháp sẽ làm cho nhiều người lên cơn đau tim. Nhiều quan chức trong ngành y tế địa phương mất ăn mất ngủ. Tổng giá trị hợp đồng mua sắm của các đơn vị ở Đồng Tháp trong năm 2020 và 2021 là hơn 742 tỉ đồng, riêng đối với Công ty Việt Á, đã mua sắm 10 gói thầu với giá trị hợp đồng hơn 233 tỉ đồng. Việt Á chi hoa hồng gần 800 tỉ đồng, với 10 gói thầu ở Đồng Tháp, số tiền lại quả bất chính chắc chắn không hề nhỏ.
Ngày 11/5, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an tỉnh Hà Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự nhận hối lộ tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Giang, khởi tố bị can, Lệnh khám xét và Lệnh bắt bị can để tạm giam. (Ảnh: baochinhphu.vn)
Phát biểu tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV diễn ra hồi cuối năm 2021, đại biểu Nguyễn Công Long- Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp, nhìn nhận thực tế các cán bộ, lãnh đạo ngành y, trong đó có cả những giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, Anh hùng lao động, Thầy thuốc Nhân dân… vi phạm pháp luật, vướng vòng lao lý là “rất đáng lo ngại”, đồng thời bày tỏ đau xót khi pháp luật phải xử lý những người được gọi là “tinh hoa của đất nước”. Ông đặt vấn đề: “Phải chăng cơ chế quản lý chưa phù hợp là một trong những nguyên nhân dẫn đến sai phạm của cán bộ quản lý bệnh viện công thời gian qua?... Đã đến lúc phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng những hạn chế, yếu kém trong phương pháp quản lý, điều hành hệ thống y tế hiện nay để đề ra các giải pháp”.
Thực tế, hệ thống quản lý các bệnh viện công ở nước ta hiện còn tồn tại nhiều vấn đề, đặc biệt trong công tác tổ chức bệnh viện công và các quy định liên quan đến đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập. Đơn cử như quy định về chỉ định thầu theo Điều 22 Luật Đấu thầu 2013. Theo đó, một trong các trường hợp được chỉ định thầu là gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; gói thầu cần thực hiện để bảo đảm bí mật nhà nước; gói thầu cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách. Tuy nhiên, việc thực hiện chỉ định thầu với gói thầu này khi chiếu theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Luật Đấu thầu 2013 thì không phải chịu bất cứ điều kiện, ràng buộc nào như: Phải có quyết định đầu tư được phê duyệt, kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt, nhà phải có tên trong cơ sở dữ liệu về nhà thầu của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu… Đây chính là kẽ hở lớn tạo điều kiện thuận lợi để cho các đối tượng, điển hình là vụ việc Công ty CP công nghệ Việt Á “thổi giá” bộ xét nghiệm COVID-19 khi bán cho CDC và các cơ sở y tế khác tại các tỉnh, thành phố, qua đó thu về gần 4.000 tỉ đồng cho thấy các bên liên quan đã lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu xét nghiệm của các địa phương trên cả nước để trục lợi. Cụ thể, bộ xét nghiệm COVID-19 thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn nên Công ty Việt Á đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng. Sau đó, Phan Quốc Việt (Chủ tịch Công ty Việt Á) thông đồng với lãnh đạo một số đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách sử dụng các pháp nhân trong hệ thống, lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá... cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất…
Những “kẽ hở”, bất cập của quy định pháp luật phát sinh trong đời sống thực tiễn (nếu có) chắc chắn sẽ được nghiên cứu, điều chỉnh, hoàn thiện kịp thời.
Tiên trách kỷ, hậu trách nhân, vấn đề quan trọng ở đây là yếu tố con người. Đứng trước sự cám dỗ của vật chất, “kẽ hở” của pháp luật, phần lớn lãnh đạo, cán bộ vẫn vững vàng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, chỉ có một bộ phận cố lý làm trái, tha hoá, trục lợi cá nhân. Những vụ án liên quan đến ngành y vừa qua là những bài học đạo đức, y đức đau lòng. Đã và sẽ còn nhiều người phải trả giá vì để đồng tiền che khuất mọi điều tốt đẹp của y đức, đạo đức nghề nghiệp.
Thế nên “liều thuốc” đặc trị giúp lãnh đạo, cán bộ ngành y vi phạm pháp luật, đứng trước tòa nói lời sau cùng đau xót như cựu Thứ trưởng Bộ y tế Trương Quốc Cường chỉ có thể là lấp ngay “lỗ hổng” về đạo đức, thượng tôn pháp luật, thường xuyên nghiêm túc rèn luyện, tu dưỡng y đức, nêu cao tinh thần gương mẫu của người cán bộ, đảng viên. Cây ngay không sợ chết đứng. Giữ đúng phẩm chất liêm khiết, ngay thẳng thì không bao giờ lo ngại chuyện “chẳng may dẫn đến vòng lao lý” vì hành vi tham nhũng, trục lợi cá nhân bất chính…
Vũ Thanh