Chậm rãi len lỏi qua từng con phố nhỏ của thị xã Phú Thọ từ Cao Du lên Cao Bang sang thôn Liêm xuống làng Mè… dấu ấn của người xưa “khai thiên lập địa”, “xây thành đắp lũy, mở làng lập ấp” vẫn còn khá rõ. Trải qua bao dâu bể thời cuộc, làng Phú Thọ giờ đã thành đô thị hiện đại, văn minh nhưng nơi phố thị khang trang, sầm uất vẫn còn lưu giữ: Sắn thôn Liêm/ Liềm cống Sấu/ Đấu Ngọc, Hà/ Ma Phú Thọ…
Đền Trù Mật vẫn còn giữ được nét cổ kính từ nghìn năm trước.
Theo những truyền tích và thư tịch cổ còn lưu giữ được, cư dân của làng Phú Thọ (nay là thị xã Phú Thọ) thời kỳ hoang sơ còn thưa thớt, cư trú tập trung ở các khu vực nhỏ gọi là động như: Động Tiên, động Cờ, động Cao, cây cối mọc um tùm, có nhiều đồi gò rậm rạp… mỗi mùa nước lớn, làng như một hòn đảo nhỏ nổi giữa biển nước.
Vào thời Hùng Vương thứ 18, người con trưởng của Bảo Quốc Công, Đại tướng Ma Khê đã đưa một bộ phận họ Ma từ núi Đọi (Cẩm Khê) sang cư trú và lập thành động riêng rồi hợp nhất với động Tiên, liên kết với động Cao, động Cờ thành động Phú An hay còn gọi là làng Mè xuất phát từ tên của một dòng họ Mè (Ma). Qua nhiều thế kỷ, người họ Ma tiếp nối nhau làm động trưởng rồi đến họ Kiều, họ Đinh. Trải qua bao cuộc biến thiên từ đời Đinh, Lê, Lý, Trần rồi Lê cho đến khi Thực dân Pháp đô hộ, những người con Phú Thọ vẫn bám làng, giữ ấp.
Lễ rước kiệu đình làng Cao Du.
Tiết trời giao mùa, gió nồm Nam thổi qua ngọn lau giữa bãi nổi sông Hồng lúc rầm rì, khi sào sạc như đang kể chuyện xưa cho hậu thế về xóm Mận, Đông, Sở, thôn Liêm, Phú Lợi, làng Cao Du… và đây là làng Mè hầu hết là những người làm nghề chài lưới từ dưới xuôi lên, gặp đất ven sông thấy cảnh trên bến, dưới thuyền thuận tiện mới cắm sào, neo thuyền và dừng chân tại đây lập thành xóm vạn chài. Đất lành chim đậu, dân các nơi về đây buôn bán ngày một đông, làng Cao Du dần trở thành nơi giao thương hàng hóa sầm uất. Thuyền bè từ các miền ngược tấp nập chở lâm thổ sản như tre, nứa, gỗ, lá cọ, măng, mộc nhĩ, nấm hương… trao đổi hàng hóa cho thương nhân Pháp. Làng Cao Du hay còn gọi là làng Mè giờ đã lên phố.
Trung tâm thương mại VinCom thị xã Phú Thọ.
Những địa danh như chợ Mè, bến Đá, giếng Thánh, khu Bách Hóa… từ xưa đến nay, vẫn là nơi giao thương, buôn bán tấp nập của người dân từ các địa phương lân cận đổ về nhộn nhịp… Dường như chợ Mè không bao giờ “ngủ”, những chuyến xe chở hàng ở mọi nơi đổ về chất đầy nông sản từ lúc nhá nhem đến khi mặt trời ló rạng. Cầu Hà Thạch nối đôi bờ sông Hồng, nhân lên niềm vui của bao đời người dân hai bên bờ khi giấc mơ xưa, nay đã thành sự thực. Khu công nghiệp Phú Hà, Cụm công nghiệp Thanh Minh đi vào hoạt động mang đến cho cư dân thị xã ven sông tác phong làm việc công nghiệp…
Dù chẳng còn những cây xà cừ trăm tuổi ở Vườn Ươm gốc xù xì nhô ra như cái bướu của con lạc đà đã gắn bó với các thế hệ học sinh 6X, 7X, mà thay vào đó là hệ thống siêu thị Vincom với cả trăm gian hàng đủ các loại sản phẩm từ thực phẩm tươi sống đến các mặt hàng gia dụng từ trung bình đến cao cấp, nhưng dường như cái “hồn quê” vẫn được lưu giữ ở góc chợ của các bà, các mẹ. Với những mẹt rau xanh, nong tằm hay nải chuối, quả bưởi hái trong vườn nhà, các bà, các mẹ mang ra chợ bán để đổi lấy cân thịt, gói đường, tập vở, quần áo mới cho trẻ tựu trường.
Nghề làm rau ở xã Hà Thạch vẫn được duy trì, góp phần phát triển kinh tế cận đô của thị xã.
Thị xã Phú Thọ vừa xa lạ vừa thân quen, cái mới đan xen cái cũ, cái hiện đại kế thừa truyền thống. Những dãy nhà liền kề mọc lên, thổi vào thị xã luồng gió tươi mới, năng động. Rạp chiếu bóng, khu bách hóa, vườn hoa một thời là niềm tự hào của người dân thị xã, giờ đây đang được xây mới, tu sửa lại cho xứng tầm với đô thị mới. Người dân hối hả vào ca, tan tầm nhưng không phá vỡ sự cổ kính của các tuyến đường nội thị đan xen nhau như ô bàn cờ.
Dấu tích của người xưa vẫn còn để lại đó là Đền Trù Mật, Đình Cao Du, Chùa Thắng Sơn… Cây đa lịch sử vẫn sừng sững hiên ngang giữa lòng đô thị đã chứng kiến bao đổi thay thăng trầm của người dân thị xã. Thị xã 120 năm từng ngày đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đã nỗ lực phát huy những giá trị văn hóa truyền thống và tinh thần Anh hùng cách mạng, tiếp tục khai thác tận dụng tiềm năng, huy động nội lực xây dựng thị xã ngày càng phát triển…
Thúy Hằng