PTO- Toàn huyện Cẩm Khê có gần 3.400ha mặt nước, chiếm 14,4% tổng diện tích tự nhiên, trong đó có 2.000ha có khả năng nuôi trồng thủy sản. Ở đây có hệ thống đường giao thông thuận lợi cho việc vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm thủy sản. Với điều kiện thuận lợi đó, năm 2008, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã phê duyệt Dự án “Phát triển nuôi trồng thủy sản huyện Cẩm Khê” và giao cho Tỉnh đoàn thanh niên làm chủ đầu tư. Tuy nhiên đến nay, tiến độ dự án này vẫn rất chậm.
![]() |
Ông Thống cũng như bao hộ dân khác ở khu 1 Sơn Nga đều tỏ vẻ tiếc nuối về sự “trù phú” của Đồng Mèn trước đây sau khi dự án của T.Ư Đoàn đang đầu tư dang dở. |
Xã Sơn Nga là địa phương có diện tích mặt nước và tiềm năng nuôi trồng thủy sản khá lớn của huyện Cẩm Khê. Những năm trước, khi dự án phát triển nuôi trồng thủy sản chưa được triển khai, gần 100 ha mặt nước nơi đây là nguồn sống của hàng trăm hộ dân. Từ diện tích này, người dân vẫn canh tác lúa nước và phát triển nguồn lợi thủy sản tự do. Đặc biệt, nhờ được tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, từ năm 2007 trở về trước, tận dụng mặt nước, người dân phát triển mạnh mô hình trồng lúa kết hợp nuôi cá rất hiệu quả. Lúc cao điểm, trên địa bàn xã luôn có vài chục lồng cá với sản lượng thu hoạch mỗi năm từ 50 - 70 tấn cá. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như năm 2008 không có dự án phát triển nguồn lợi thủy sản của Trung ương Đoàn bắt đầu được triển khai ở đây, với mục tiêu làm cho sản lượng cá và thu nhập của người dân tăng nhanh gấp nhiều lần so với phương pháp thâm canh truyền thống!
Dự án phát triển nuôi trồng thủy sản ở Cẩm Khê được triển khai tại khu Đồng Mèn thuộc địa giới hành chính của 5 xã Sơn Nga, Phùng Xá, Tùng Khê, Cấp Dẫn và Xương Thịnh với tổng diện tích là 106ha, trong đó Sơn Nga là xã chiếm tới 70% diện tích. Dự kiến diện tích mặt nước ao nuôi là 77,2 ha được chia thành 93 ao nhỏ. Phương án sản xuất của dự án là nuôi tập trung thâm canh tôm càng xanh và cá nước ngọt theo phương pháp công nghiệp để tiêu thụ trên thị trường trong nước và tham gia chương trình xuất khẩu sản phẩm thủy sản.
Vụ chính 6 tháng từ tháng 4 đến tháng 9 nuôi tôm càng xanh. Vụ phụ từ tháng 10 đến tháng 3 nuôi luân canh các loại cá khác ở địa phương như trôi, trắm, chép, mè… Theo tính toán, ước tăng sản lượng thủy sản từ 70 tấn lên 200 tấn/năm, giá trị sản xuất sẽ đạt 240 triệu đồng/ha tôm càng xanh, như vậy sẽ cao hơn 8,9 lần trồng lúa. Về hiệu quả xã hội, dự án sẽ tạo công ăn việc làm thường xuyên cho trên 200 lao động với thu nhập ổn định, góp phần vào nâng cao đời sống cho nhân dân vùng nông nghiệp, đồng thời góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp và phát triển ngành nghề dịch vụ ở vùng nông thôn. Như vậy, có thể khẳng định, dự án phát triển nuôi trồng thủy sản ở Cẩm Khê do Tỉnh đoàn làm chủ đầu tư phù hợp với quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản của tỉnh, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân địa phương và có khả năng mang lại hiệu quả cao về mặt kinh tế cũng như xã hội, được người dân mong chờ.
Dự án trên giấy là vậy, nhưng khi đi vào triển khai thực hiện đã gặp không ít khó khăn khiến cho tiến độ của dự án triển khai rất chậm. Gần 5 năm, đến nay dự án mới thực hiện được 25% khối lượng công việc với một phần bờ bao được đắp lên đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân và cảnh quan môi trường của địa phương.
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh vùng dự án, ông Phạm Ngũ Hổ - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Nga cho biết: Trước đây, Đồng Mèn là nơi nuôi sống đa số người dân trong xã, trong đó tập trung là dân ở khu 1 – khu đặc biệt khó khăn của xã được hưởng chương trình 135 của Chính phủ. Với một xã nghèo như Sơn Nga, dự án được triển khai sẽ giúp bà con thoát nghèo và làm giàu trên mảnh đất mình sinh sống. Trao đổi với lãnh đạo đơn vị chủ đầu tư, ông Phạm Thanh Tùng – Bí thư Tỉnh đoàn cũng khẳng định: Dự án phát triển nuôi trồng thủy sản ở Cẩm Khê là một dự án Nhà nước và nhân dân cùng làm, mang tính an sinh xã hội sâu sắc với tổng kinh phí đầu tư gần 37 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 20 tỷ đồng để đầu tư các hạng mục bờ bao, kênh tưới tiêu, đường giao thông, trạm điện, hệ thống cống…và dự kiến xây dựng trong 3 năm.
![]() |
Thủy sản luôn được coi là thế mạnh của Cẩm Khê. |
Tuy nhiên qua tìm hiểu thực tế, đến thời điểm này đã là hơn 4 năm mà dự án mới “bò” được 1/4 chặng đường. Làm việc với chủ đầu tư, lãnh đạo địa phương hưởng dự án, được biết nguyên nhân sâu xa đó là công tác GPMB đang bị tắc. Ông Tùng cho chúng tôi xem bản ký cam kết giữa các hộ dân của xã Sơn Nga với chủ đầu tư về việc tự nguyện giao và hiến đất triển khai dự án nhưng thực tế, hiện nay có một số hộ dân phản ứng, không nhận tiền đền bù và đòi giá đền bù cao hơn quy định. Qua tìm hiểu, căn nguyên của mâu thuẫn này là do trong lúc đang triển khai dự án phát triển nuôi trồng thủy sản thì có một số dự án khác xuất hiện trên địa bàn huyện Cẩm Khê, trong đó có dự án đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đường 32C. Các dự án này đều có cơ chế đền bù giá cao hơn so với dự án thủy sản khiến người dân cho rằng như vậy là không công bằng! Một vấn đề đặt ra nữa đối với công tác GPMB đó là việc cấp nguồn đối ứng bị chậm (đến nay tỉnh mới cấp được 1,5 tỷ/4,5 tỷ đồng để chi trả đền bù).
Trong cuộc trò chuyện với Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Khê Vũ Văn Nhất, được biết sau khi nhận được chủ trương triển khai Dự án phát triển nuôi trồng thủy sản tại địa phương, Thường trực Huyện ủy đã chỉ đạo các xã thuộc vùng dự án vận động nhân dân tự nguyện hiến đất cùng với chủ đầu tư chung tay xây dựng dự án. Qua triển khai, dự án đã vấp phải một số khó khăn và với vai trò là đối tượng thụ hưởng, huyện, xã đã tham gia tháo gỡ những “nút thắt” thuộc trách nhiệm của mình. Bên cạnh đó, bằng sự nỗ lực của địa phương cũng như nhằm chia sẻ với chủ đầu tư, huyện và xã Sơn Nga đã chủ động đầu tư xây dựng đường giao thông chính vào vùng dự án từ nguồn vốn khác và sắp tới cũng sẽ tiến hành xây dựng trạm điện tại khu vực này. Như vậy với hai hạng mục quan trọng thuộc dự án đã được địa phương “gánh hộ” sẽ là cơ hội để chủ đầu tư có kế hoạch triển khai dự án hoàn thành đưa vào hoạt động năm 2013 đúng tiến độ.
Bí thư Tỉnh đoàn Phạm Thanh Tùng khẳng định quyết tâm: “Trong năm 2011, chủ đầu tư đã phải hoàn trả 3 tỷ đồng cho Nhà nước, khả năng năm nay cũng sẽ phải hoàn trả 2 tỷ đồng. Nhưng với sự chia sẻ của huyện Cẩm Khê, người dân Sơn Nga và đặc biệt là sự quan tâm của UBND tỉnh trong việc cấp nguồn đối ứng còn lại và sự tạo điều kiện của Trung ương Đoàn thì chúng tôi sẽ cố gắng bằng mọi giá để hoàn thành dự án”.
Kim Chi