Nước lũ lớn chia cắt giao thông tại xã Lai Đồng, huyện Tân Sơn
PTĐT - Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn huyện Tân Sơn đã có mưa lớn kéo dài, gây ra thiệt hại về nhà ở, hoa màu cũng như các công trình giao thông công cộng.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Tân Sơn, tính đến thời điểm 10h sáng ngày 20/7, trên địa bàn huyện có 6 nhà dân đã bị ngập, 10 nhà có nguy cơ bị ngập, di dời tổng cộng 13 hộ dân và đang theo dõi 3 hộ có nguy cơ bị ngập tại các xã Xuân Đài, Tam Thanh, Kim Thượng. Cùng với đó 35,4 ha diện tích cây hoa màu đã bị ngập, trong đó cây lúa là 29,4 ha và ngô là 6 ha. Mưa lớn khiến sạt lở 150 m3 đất đá tại các vị trí đường: 316D qua khu Sặt - Vinh Tiền, vị trí Khu Mận Gạo đường từ UBND xã Vinh Tiền đi Kim Thượng, điểm Dốc Đỏ đi Xuân Sơn. Nước lũ ở các suối, cầu tràn dâng cao, chảy xiết nên hệ thống giao thông một số đường liên thôn, liên xã bị chia cắt.
Trước những diễn biến khó lường của tình hình mưa lũ, để công tác phòng, chống mưa lũ và khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra, Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Tân Sơn đã ban hành công điện chỉ đạo các xã, cơ quan đơn vị trên địa bàn thực hiện quyết liệt các biện pháp để ứng phó với mưa bão.
Hiện Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện và các xã đã bố trí lực lượng canh gác 24/24h tại các ngầm, tràn, nghiêm cấm người dân qua lại để đảm bảo an toàn, đồng thời tiếp tục theo dõi, kiểm tra và đôn đốc để có các biện pháp ứng phó kịp thời.
* Tại huyện Thanh Sơn mưa lũ đã gây ngập úng 26,5ha lúa, gồm 24,5ha lúa các khu Đông Thịnh, Đông Vượng, Đành, Gò Đa, Trung Thịnh - xã Yên Lãng và 2ha khu Trại - xã Hương Cần.
Đến nay, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Thanh Sơn và các xã, thị trấn tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến mưa lũ trên địa bàn; kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó với mưa bão, đặc biệt tổ chức lực lượng duy trì 24/24h canh gác tại các vị trí trọng điểm…
* Do ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 3, gây mưa lớn, khiến mực nước sông Thao trên địa bàn huyện Cẩm Khê dâng cao trên mức báo động 3.
Nước sông dâng cao khiến cho diện tích ngô trồng ở bãi sông bị ngập úng. Ảnh: Tùng Linh
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Cẩm Khê, đến thời điểm 17 giờ, ngày 20-7, toàn huyện có 17ha lúa lai và 12ha ngô, rau màu bị ngập úng tại các xã Tiên Lương, Tuy Lộc, Ngô Xá, Sai Nga… đánh giá mức thiệt hại 30-50%, ngoài ra nước trong một số diện tích nuôi trồng thủy sản dâng cao có nguy cơ tràn bề mặt…
Tại cống Ngòi Mực (xã Tiên Lương), do công trình đã bị hư hỏng cùng với mưa lớn đã gây ngập, tắc nghẽn dòng chảy. Sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo huyện Cẩm Khê và Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo các địa phương liên quan tiến hành hoành triệt, tiêu úng, bảo vệ diện tích sản xuất cho khu vực các xã Tiên Lương, Tuy Lộc, Ngô Xá (huyện Cẩm Khê), Minh Côi (huyện Hạ Hòa).
Trước đó, Ban chỉ huy PCTT&TKCN đã chỉ đạo các địa phương theo dõi sát diễn biến thời tiết, tình hình mưa bão trên địa bàn và chủ động các biện pháp ứng khó, khắc phục thiệt hại, đảm bảo theo phương châm 4 tại chỗ…
* Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, từ ngày 18-20/7, trên khu vực thượng nguồn sông Bứa đã xảy ra mưa lớn, nước sông dâng cao, gây thiệt hại một số hoa màu, tài sản của người dân trên địa bàn huyện Tam Nông.
Cán bộ xã Quang Húc kiểm tra và hướng dẫn người dân chằng néo, gia cố lại lồng cá, tránh thiệt hại khi nước lớn.
Tính đến thời điểm 18 giờ ngày 20-7, nước sông Bứa lên cao gần mép vườn của một số hộ dân thuộc khu 2, xã Tề Lễ, đề phòng mực nước tiếp tục dâng cao, gây ngập nhà, thiệt hại tài sản, xã đã tổ chức di dời khoảng 20 hộ dân khu vực bãi sông. Ngoài ra mưa lớn cũng gây ngập úng 25ha hoa màu ở các xã Tề Lễ, Quang Húc, Xuân Quang.
Do nước sông lên cao, một số diện tích đất bãi trồng ngô vụ hè thu ở xã Quang Húc bị ngập.
Tại xã Quang Húc hiện có 76 lồng cá với 16 hộ nuôi trên sông Bứa, nước sông lên nhanh, chảy xiết có nguy cơ ảnh hưởng và có thể gây thiệt hại cho các hộ. Lãnh đạo xã đã kiểm tra thực tế, yêu cầu các hộ neo lồng cố định, kiểm tra dây neo, mối hàn, điểm nối để gia cố lại cho chắc chắn, đặc biệt là lưới xung quanh lồng, đáy lồng, lưới chắn mặt lồng để có biện pháp xử lý kịp thời; khi có diễn biến xấu có thể di chuyển về vị trí gần bờ, tránh bị trôi khi nước chảy mạnh. Trong trường hợp không thể di chuyển được thì người nuôi hạ độ sâu của lồng để giảm bớt tác động của nước lũ.
Tính đến thời điểm 18 giờ ngày 20-7, có khoảng 20 hộ dân khu 2, xã Tề Lễ ở khu vực gần sông phải di dời tài sản do nước sông đã mấp mé vào diện tích vườn.
Trước tình hình mưa bão còn diễn biến phức tạp, dự báo mực nước sông Bứa có thể tiếp tục dâng cao, để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Tam Nông đã kiểm tra thực tế tình hình tại các xã đồng thời yêu cầu các xã cần tiếp tục theo dõi sát tình hình mưa bão để có biện pháp ứng phó kịp thời. Trước hết huy động lực lượng sơ tán người, tài sản của nhân dân - khu vực có nguy cơ bị ngập úng đến khu vực an toàn. Triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả, huy động lực lượng dân quân tự vệ, công an địa phương cùng với nhân dân khắc phục thiệt hại và chủ động bố trí lực lượng canh gác, phương tiện cứu hộ, cứu nạn.
Xã Tề Lễ huy động lực lượng gồm: Dân quân tự vệ, công an xã, cán bộ khu dân cư, cán bộ xã... di dời tài sản của người dân đến nơi an toàn.
* Ngày 20/7, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 Sơn Tinh, trên địa bàn huyện Hạ Hòa đã xảy ra tình trạng mưa lớn kéo dài gây ngập úng trên diện rộng.
Lực lượng dân quân tự vệ nỗ lực đắp trạch đê bao tại điểm tràn đê xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa
Đến 12 giờ trưa, nước sông lên nhanh trên mức báo động III. Nhiều diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại nặng, nhiều nhà cửa của các hộ dân chìm trong nước.
21 giờ tại xã Hiền Lương, lực lượng dân quân tự vệ và cán bộ xã vẫn đang nỗ lực đắp đê bao Đồng Phạm. Từ khoảng 15h, gần 700m trên tổng diều dài 2000m của tuyến đê, nước đã tràn cao hơn từ 40 tới 50 cm. Hiện tại, các đoạn đê xung yếu đã được xử lý.
Tại khu 6 xã Hiền Lương, tình trạng ngập úng xảy ra nghiêm trọng. Nhiều khu vực đồng bãi, đường sá đã ngập trong biển nước. Có những nơi, nước dâng cao hơn 2m. Để di chuyển, lực lượng cứu hộ và người dân phải dùng thuyền. Việc di dời tài sản, vật nuôi gặp rất nhiều khó khăn.
Nhiều khu vực thuộc các xã Hiền Lương, Vụ Cầu bị cô lập. Người dân phải di chuyển bằng thuyền.
Hiện tại, hơn 20 hộ dân trên tổng số 70 hộ của khu 6 đã phải di dời đến khu vực cao hơn. Nước lũ tràn vào nhà, có nơi ngập sâu khiến sinh hoạt của mọi người dân đảo lộn.
Tuy nhiên, do có sự chuẩn bị tốt, mọi công tác cứu hộ đều diễn ra an toàn. Được biết, trong vòng 5 năm trở lại đây, ảnh hưởng của cơn lũ năm nay đã gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng nhất trên địa bàn huyện Hạ Hoà. Tính tới 17h, gần 1.500 ha lúa, hoa màu và cây ăn quả đã bị ngập úng. Đã có 282 hộ dân phải di dời do ngập và sạt lở, 744 hộ dọc hai bên sông Thao và các xã có ngòi tiêu lớn có nguy cơ bị ngập, sẵn sàng di dời người và tài sản. Nhiều tuyến đê tại các xã Y Sơn, Phụ Khánh, Lệnh Khanh, Đan Thượng, Vụ Cầu, Liên Phương đã bị tràn. Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Hạ Hòa đã nhanh chóng triển khai các phương án khắc phục hậu quả nhằm giảm thiểu thiệt hại do cơn lũ gây ra.
Lực lượng dân quân và cán bộ xã trực chiến 24/24 để đảm bảo hạn chế tối thiểu thiệt hại về người và tài sản do bão lũ.
Trong những ngày tới tình hình thời tiết còn những diễn biến phức tạp. Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện tiếp tục triển khai thực hiện các phương án phòng chống thiên tai, khắc phục hậu quả sau mưa lũ. Trong thời điểm này, người dân cần nêu cao cảnh giác, tránh tâm lý chủ quan.
Nhóm PV