Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Đảng mạnh là do chi bộ tốt, chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”. Để đạt được điều này, cần thiết phải đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, qua đó góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới.
Qua thực tế, mạn đàm với nhiều Bí thư và cấp ủy cho thấy, mặc dù sinh hoạt chi bộ là một nội dung cực kỳ quan trọng trong công tác Đảng nhưng hiện còn nhiều chi bộ vẫn đang… loay hoay tìm cách đổi mới nội dung sinh hoạt.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra về việc nâng cao “chất và lượng” các nội dung sinh hoạt chi bộ, có nhiều giải pháp cần thiết được đặt ra. Trước hết, cấp ủy phải luôn bám sát chức năng, nhiệm vụ của đơn vị để xây dựng nội dung sinh hoạt cho phù hợp. Đáng chú ý, trước khi sinh hoạt, trong cấp ủy cần có sự phân công, chuẩn bị; trong sinh hoạt, đảng viên có trách nhiệm tham gia phát biểu ý kiến; phát huy cao trí tuệ của tập thể; có sổ ghi nghị quyết sinh hoạt chi bộ...
Cấp ủy cần bám sát tình hình hoạt động thực tế của chi bộ để xây dựng nội dung sinh hoạt khoa học, thiết thực; tập trung vào những vấn đề trọng tâm và phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy Đảng cấp trên; tổng hợp đánh giá việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ công tác của chi bộ tháng trước theo nghị quyết chi bộ đã đề ra và thảo luận một số nhiệm vụ trọng tâm đề ra cho tháng tiếp theo. Trong sinh hoạt, mỗi cán bộ, đảng viên phải trung thực, thẳng thắn trong phê bình, tự phê bình, đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, vụ lợi cá nhân, vi phạm những chuẩn mực về tư tưởng, đạo đức, lối sống của người đảng viên.
Bên cạnh đó, đảng viên làm công tác lãnh đạo quản lý… phải gương mẫu thực hiện tốt việc sinh hoạt đảng, tích cực đấu tranh phê bình và tự phê bình. Đảng viên là cán bộ lãnh đạo phải chịu sự kiểm tra, giám sát của chi bộ, nêu gương sáng về đạo đức, lối sống, nói đi đôi với làm. Trong sinh hoạt chuyên đề, cần có kịch bản cụ thể, làm sao để sự sinh động, thiết thực gắn với các chuyên đề cụ thể là yêu cầu đầu tiên khi triển khai; có thể tổ chức sinh hoạt ngoại khóa gắn với từng chuyên đề cụ thể. Cần bố trí thời gian sinh hoạt hợp lý để đảng viên tham gia đầy đủ; đồng thời tạo ra bầu không khí dân chủ, cởi mở… để đảng viên bộc lộ tâm tư nguyện vọng.
Cấp ủy cần làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, làm cho đảng viên thấy được việc tham gia sinh hoạt và phát biểu ý kiến không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi, là dịp thể hiện các chính kiến, được tham gia góp ý vào xây dựng Nghị quyết, là tham gia xây dựng Đảng. Tăng cường kiểm tra, giám sát của Đảng ủy với Chi bộ, của cấp ủy cấp trên với cấp dưới về nền nếp sinh hoạt, chất lượng sinh hoạt chi bộ một cách nghiêm túc, thường xuyên…
Việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là yếu tố quan trọng, quyết định vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, giúp cho mỗi đảng viên nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng và thực hiện chức năng lãnh đạo, giáo dục của chi bộ. Để đạt được điều đó, nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ không thể không thực hiện. Trong đó, chúng ta cần chú trọng gắn sinh hoạt chi bộ với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thấu sâu vào từng khâu, từng bước, từng nội dung, từng hoạt động trong sinh hoạt chi bộ, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Minh Tự