PTO- Lắp đặt 10 bể chứa rác thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật; lội ruộng thu gom rác, làm sạch kênh mương; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, trao đổi, giải đáp cặn kẽ những thắc mắc liên quan đến việc lựa chọn con giống, phương pháp chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi… những hoạt động tình nguyện của tuổi trẻ Chi đoàn Báo Phú Thọ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và PTNT trong ngày chủ nhật 19-6 đã để lại ấn tượng sâu đậm với người dân xã Mai Tùng, huyện Hạ Hòa. Nội dung hoạt động thiết thực, phù hợp cộng hưởng cùng tinh thần xung kích, nhiệt huyết tuổi trẻ đã phát huy hiệu quả tích cực giúp nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường sống, tiếp cận kỹ thuật chăn nuôi hiện đại cho hiệu quả kinh tế cao, chung tay góp sức đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới…
![]() |
Lắp đặt bể chứa rác thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật. |
Giữa đợt nắng nóng nhưng cánh đồng nằm kề hàng phi lao xanh ngút ngát của xã Mai Tùng nhộn nhịp hơn hẳn mọi ngày. Cùng với những nông dân cần mẫn cuốc đất, gieo mạ chuẩn bị cho vụ mùa là sắc áo xanh tình nguyện của hơn 30 đoàn viên thanh niên chi đoàn sở Kế hoạch và Đầu tư, Báo Phú Thọ, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng đông đảo cán bộ, đoàn viên thanh niên trong xã. Gồng mình vần bể chứa rác thải đúc bằng bê tông xuống sát bờ ruộng, Bí thư chi đoàn sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phí Đình Minh đưa tay lau mồ hôi, giọng hồ hởi: “Không quen làm việc nặng nên đúng là có mệt thật nhưng bù lại tôi thấy rất vui. Không chỉ góp sức với người dân, công việc này thực sự là trải nghiệm ý nghĩa giúp chúng tôi thêm hiểu, trân trọng công sức, giá trị lao động vất vả của bà con nông dân…”. Lắp đặt xong mỗi bể chứa, các đoàn viên lại chia nhau tới từng bờ ruộng gần kề thu gom rác thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật đồng thời trực tiếp chuyện trò, vận động người dân đang lao động sản xuất trên đồng ruộng lưu ý, hình thành thói quen tốt bảo vệ môi trường sống. Trực tiếp lao động, thu gom rác cùng đội tình nguyện, bà Ngô Thị Thu Hà - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã bộc bạch: “Xã thuần nông, cuộc sống của người dân Mai Tùng chủ yếu dựa vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp thuần túy. Đời sống được cải thiện, nâng cao so với trước nhiều nhưng các hoạt động bảo vệ môi trường sống vẫn chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức. Đảng bộ, chính quyền xã đã tập trung tuyên truyền, phổ biến nhưng bà con mới chỉ quan tâm đến việc vệ sinh đường làng, ngõ xóm mà chưa để ý đến việc thu gom, bỏ rác thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng đúng nơi quy định. Ngay sau đợt tình nguyện của các bạn, cùng với tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, chúng tôi sẽ triển khai kế hoạch xây lắp, giao cho Đoàn Thanh niên xã quản lý, xử lý các bể chứa rác thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng của xã. Bảo vệ môi trường sống không phải là nhiệm vụ của riêng cá nhân, tổ chức nào mà cần sự chung tay, góp sức với tinh thần trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị và đông đảo người dân. Chương trình tình nguyện ý nghĩa của các bạn hôm nay là sự khởi đầu cho các hoạt động cụ thể của chúng tôi…”.
![]() |
Thu gom rác thải trên đồng ruộng. |
Với diện tích hơn 3km vuông, trong đó đất canh tác nông nghiệp chỉ có 110ha, Mai Tùng không có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, nhờ ứng dụng rộng rãi tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi nên mấy năm gần đây kinh tế - xã hội địa phương phát triển tương đối nhanh, vững chắc. Đời sống người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao. Thu nhập bình quân của người dân đã đạt 22,8 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7,5%. Phần lớn đất trồng lúa của xã được sử dụng giống lúa chất lượng cao J02 và lúa lai, phương pháp SRI và sử dụng giàn xạ được áp dụng rộng rãi giúp năng suất lúa luôn đạt trên 50 tạ mỗi ha. An ninh lương thực đảm bảo, người dân Mai Tùng giờ rất chú trọng đến hoạt động chăn nuôi theo hướng hàng hóa để tăng thu nhập. Xã có 374 hộ nhưng bình quân mỗi năm xuất ra thị trường 375-390 con bò thương phẩm, cùng với đó là đàn lợn hơn hai nghìn con, đàn gia cầm 25-27 nghìn con. Vậy nên trong lúc đội tình nguyện đang miệt mài lắp đặt bể chứa, thu gom rác thải ngoài đồng, rất đông người dân đã tập trung tại hội trường UBND xã để nghe các hướng dẫn viên là ĐVTN chi đoàn sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nắm chắc lý thuyết lại có kinh nghiệm thực tế từ trang trại chăn nuôi của gia đình, hướng dẫn viên Lê Thị Kim Dung (cán bộ Phòng Chuyển giao kỹ thuật, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã “gãi đúng chỗ ngứa” nhiều người chăn nuôi khi giải đáp cặn kẽ, kỹ lưỡng cách chọn giống, thức ăn, chăm sóc, phối giống cho đàn lợn. Kết thúc buổi tập huấn, nhiều người còn vây quanh chị xin số điện thoại, địa chỉ để tiện liên hệ, xin tư vấn khi cần thiết. Ông Phùng Văn Thuận (khu 4, xã Mai Tùng) phấn chấn: “Đúng là có học có hơn, phải có kiến thức khoa học chứ chỉ dựa vào kinh nghiệm đơn thuần thì khó mà chăn nuôi hiệu quả. Nhà tôi đang nuôi hai nái lợn, hôm nay được nghe hướng dẫn kỹ thuật thụ tinh mới biết mình sơ suất nhiều quá. Tôi sẽ áp dụng kiến thức học được hôm nay để nâng cao năng suất, chất lượng và mở rộng quy mô đàn lợn của gia đình…”.
Thời gian không nhiều, các hoạt động tình nguyện do đó cũng hạn chế nhưng ý nghĩa, hiệu quả tích cực từ tinh thần xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng của tuổi trẻ các chi đoàn sở Kế hoạch và Đầu tư, Báo Phú Thọ, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chắc chắn sẽ tiếp tục lan tỏa sâu rộng. Nói như lời của Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Mai Tùng Ngô Thị Thu Hà thì đây là sự khởi đầu cho các hoạt động hữu hiệu tiếp theo của địa phương về tăng cường bảo vệ môi trường sống; nâng cao giá trị hàng hóa, hiệu quả kinh tế trong các sản phẩm nông nghiệp; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới… Và như thế, Mai Tùng - xã có hàng phi lao xanh ngút ngàn sẽ luôn xanh, sạch, đẹp, với cuộc sống mới trù phú, thanh bình…
Cao Khôi