Nơi địa đầu Tổ quốc
baophutho.vn Mỗi khi nghe nhắc tới Hà Giang, đặc biệt là Lũng Cú, Đồng Văn, tôi lại hình dung tới một miền biên ải cực Bắc của Tổ quốc với rừng sâu núi thẳm, những vách đá dựng đứng, những con đường cheo leo, ẩn hiện trong mây. Nơi mà ở đó, từ lúc trời còn mờ sương đã thấy thấp thoáng bóng các chiến sĩ biên phòng tuần tra biên giới…

Nơi địa đầu Tổ quốc

Mỗi khi nghe nhắc tới Hà Giang, đặc biệt là Lũng Cú, Đồng Văn, tôi lại hình dung tới một miền biên ải cực Bắc của Tổ quốc với rừng sâu núi thẳm, những vách đá dựng đứng, những con đường cheo leo, ẩn hiện trong mây. Nơi mà ở đó, từ lúc trời còn mờ sương đã thấy thấp thoáng bóng các chiến sĩ biên phòng tuần tra biên giới…

Khác rất nhiều so với mường tượng, hành trình ba ngày, hai đêm qua những cung đường trải nghiệm của đoàn cán bộ, phóng viên Báo Phú Thọ, nhất là khi tận mắt chứng kiến cuộc sống của người dân các dân tộc vùng biên giới Hà Giang đã cho tôi cảm nhận khác về ngày mới trên cao nguyên đá với cuộc sống tuy còn khó khăn nhưng vẫn ánh lên nhiều niềm vui tươi…

Nơi địa đầu Tổ quốc

Cột cờ Lũng Cú - biểu tượng thiêng liêng nơi địa đầu cực Bắc Tổ quốc.

Nơi “khởi nguồn sự sống”

Tôi may mắn lên với Hà Giang vào những ngày cuối Thu, đầu Đông, thời điểm được coi là đẹp nhất trong năm. Miền cao nguyên đá đón tôi bằng những đợt rét trải dài từ nhẹ nhàng đến sắc lạnh, theo từng lát cắt khác nhau của địa hình núi đồi. Được ưu ái khí hậu ôn hòa rất biết cách chiều chuộng lòng người, Hà Giang dịu dàng như thiếu nữ tỏa nắng trên những triền đồi, thỉnh thoảng lại sướt mướt với vài cơn mưa nhỏ thoắt đến, thoắt đi.

Từ thành phố Hà Giang lên cao nguyên đá Đồng Văn đường không còn rộng như Quốc lộ 2. Đoạn thuộc địa phận huyện Vị Xuyên, đồi núi chập chùng, dọc bên trái rồi bên phải là dòng sông Lô ngoằn ngoèo có lúc soi hình núi tạo nên những bức tranh thủy mặc trông rất nên thơ. Sang đến xã Quyết Tiến (huyện Quản Bạ), đường đi mở ra hai bên vách núi cao chất ngất, càng đi càng heo hút. Rồi đường đi bắt đầu ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, vắt ngang những ngọn núi tai mèo cao vút trên cao nguyên đá, có lúc lọt thỏm giữa những hẻm núi sâu, nhìn lên thấy vách đá dựng đứng như cao tận trời xanh, có lúc chênh vênh giữa đỉnh trời nhìn xuống những thung lũng lởm chởm đá. Rồi đường bỗng vút lên cao, vòng cua khúc khuỷu ở đèo Pắc Sum. Lên đến đỉnh đèo - được gọi là Cổng trời Quảng Bạ, tầm nhìn mở ra phía trước là thung lũng bao la, chân trời rộng mở như bước vào thế giới thần tiên.

Nằm ở độ cao 1.500m so với mực nước biển, Cổng trời Quảng Bạ là điểm cao nhất trên cung đường từ thành phố Hà Giang lên Quảng Bạ. Tại đây, năm 1939 người Pháp đã xây một bức tường đá và một cánh cửa khổng lồ bằng gỗ nghiến dày 15cm án ngữ cửa ngõ đầu tiên lên Cao nguyên Đồng Văn, với ý đồ chia tách vùng đất này ra khỏi miền Bắc nước ta thành “Vùng tự trị của người Mèo”. Nơi đây còn có cả câu chuyện lịch sử về triều đại vua Mèo Hoàng Chí Sình mà nhà văn Ngôn Vĩnh đã viết trong cuốn sách “Bên kia cổng trời”, xuất bản những năm 1980. Hiện nay, không còn dấu tích của cánh cổng gỗ đó nữa, nhưng Cổng trời Quảng Bạ vẫn là cửa ngõ quan trọng của Cao nguyên đá Đồng Văn, của con đường Hạnh Phúc.

Nơi địa đầu Tổ quốc

Đèo Mã Pí Lèng với không gian tràn ngập một màu xanh, quanh co uốn khúc - nơi lưu dấu lịch sử rõ nhất của tuyến đường Hạnh Phúc.

Triệu Văn Dũng - anh hướng dẫn viên người Dao quê xã Thượng Long, huyện Yên Lập đi cùng chúng tôi ví von: “Nếu ví Cao nguyên đá Đồng Văn là một “Thiên đường đá” thì Cổng trời Quảng Bạ chính là cánh cổng dẫn dắt bước chân du khách vào chốn Thiên đường này”. Thời điểm chúng tôi đến Cổng trời Quảng Bạ, trời quang mây nên có thể phóng tầm mắt bao quát cả thung lũng Tam Sơn rộng lớn - được tạo thành do hoạt động của đứt gãy Tam Sơn trong quá khứ, bao quanh bởi những dãy núi trùng điệp. Trong thung lũng, ngoài thị trấn Tam Sơn xinh đẹp, yên bình là rải rác các tháp, nón kart, những cánh đồng lúa hoặc hoa mầu khi xanh mướt, khi rực rỡ sắc vàng… Trong đó, nổi bật là cặp nón đá vôi đầy đặn, cân đối - “Núi đôi Cô Tiên” - hai ngọn núi tròn đầy như ngực cô gái trẻ, được truyền thuyết gọi là cặp nhũ hoa của nàng tiên để lại nuôi con. Trên cung đường từ Quảng Bạ đi Yên Minh, truyền thuyết về nơi khởi nguồn sự sống này còn thấp thoáng dọc đường, đó là “dòng sữa tiên” - sông Miện, là đất đai phì nhiêu, thảo dược phong phú cùng các giá trị di sản văn hóa của người Mông, người Dao,… như một bản tình ca về sự sống và Trái đất.

Nơi địa đầu Tổ quốc

Những cung đường đèo quanh co- “đặc sản” vùng núi đá Hà Giang.

Giai điệu cuộc sống trên miền đá

Rời Cổng trời Quảng Bạ, rời thung lũng Tam Sơn, chúng tôi tiếp tục ngược núi, lên Đồng Văn, cảm nhận “Giai điệu cuộc sống trên miền đá”. Khắp nơi, từ trái sang phải, phía sau và trước mặt là vô số cụm các đỉnh cao, nhọn và chập chùng núi đá. Càng đi tới, đèo núi càng chập chùng, đường uốn lượn, quanh co, lên xuống như rắn bò. Giữa bạt ngàn núi đá, bên những rừng đá, hoang mạc đá lởm chởm, đan xen những thung lũng sâu, hẹp vẫn ngân vang giai điệu cuộc sống về một nền “văn hóa đá” của người bản địa, với những ngôi nhà trình tường, mái ngói âm dương truyền thống, hàng rào đá bao quanh... và đặc biệt là kỹ năng canh tác hốc đá. Anh hướng dẫn viên đi cùng cho biết: Đây là vùng núi đá vôi, ít sông suối, thường xuyên thiếu nước sinh hoạt, thiếu đất canh tác.

Để sản xuất nông nghiệp, người dân nơi đây, chủ yếu là người Mông và một số nhóm người như Dao, Lô Lô, Cờ Lao, Pu Péo... phải tận dụng từng hốc đá để canh tác. Để canh tác trên vùng đất xen lẫn đá, người dân thường dùng đá xếp quanh đất để che chắn, chống xói mòn, rửa trôi đất, nhiều hốc đá tự nhiên được người dân gùi đất đổ vào và trở thành hốc canh tác, mỗi hốc thường chỉ trồng được một đến 2 cây ngô. Nhờ sáng tạo ra hình thức thổ canh hốc đá và kỹ thuật trồng ngô trên nương đá, kỹ thuật xen canh các loại cây hoa màu, mà bà con nơi đây thích nghi được với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt để ổn định cuộc sống, giữ gìn mảnh đất biên cương nơi địa đầu của tổ quốc.

Nơi địa đầu Tổ quốc

Những ngôi nhà cổ bình dị và hàng rào đá - nét đặc trưng trong kiến trúc của đồng bào trên cao nguyên đá.

Làng Văn hóa Lũng Cẩm nằm trong một thung lũng thơ mộng có hơn 60 hộ dân sinh sống ở xã Sủng Là, huyện Đồng Văn hiện có nhiều ngôi nhà cổ được bảo tồn, có nhà đã trên 100 năm, lợp ngói âm dương với những lớp rêu xanh bám đầy, vách đất và hàng rào đá xung quanh. Ngôi nhà lớn nhất ở đây được xây dựng cách đây hơn 70 năm từng được chọn làm bối cảnh cho phim “Chuyện của Pao” - phim đoạt giải thưởng Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam. Cuối Thu đầu Đông, trong không gian thanh bình, yên ả, nơi đây đượm một màu yêu thương với núi rừng bạt ngàn, những ngôi nhà cổ bình dị, hàng rào đá, cây đào già và từng thảm hoa tam giác mạch mềm mại với những cánh hoa trắng hồng nhỏ bé, mỏng manh, đan xen nhẹ nhàng giữa cảnh núi non tạo nên bức tranh thiên nhiên sinh động.

Nơi địa đầu Tổ quốc

Theo bà con ở đây, mùa hoa tam giác mạch nở kéo dài khoảng 3 tháng nhưng sắc hoa sẽ thay đổi dần theo thời gian, từ màu trắng sang hồng nhạt, hồng đậm và cuối cùng là đỏ tím. Trên cao nguyên đá Đồng Văn, hoa tam giác mạch mọc thành từng cánh đồng lớn ven đường, thung lũng thậm chí len lỏi trên những vách đá lởm chởm. Sắc hoa tam giác mạch như biến cả khoảng trời đơn điệu, vùng đá xám khô cằn trở nên trữ tình, thơ mộng.

Nơi địa đầu Tổ quốc

Những em nhỏ vùng cao

Đặc biệt, hình ảnh của những đứa trẻ vùng cao với những khoảnh khắc hồn nhiên, vui tươi cùng ánh mắt rạng ngời và nụ cười trẻ thơ trong sáng khi nhìn thấy những vị khách phương xa cùng cảm giác được hòa mình vào khung cảnh bình yên, ngắm những cánh đồng hoa trong không khí se lạnh của vùng cao đọng lại trong tôi một ấn tượng đặc biệt và sẽ nhớ mãi. Có lẽ, mọi thứ thuộc về mảnh đất này đều bình dị, mộc mạc, thuần túy. Ánh mắt, nụ cười của các em nhỏ nơi đây luôn toát lên vẻ hồn nhiên như cây cỏ, trong trẻo như sương mai, nguyên sơ như núi rừng Tây Bắc.

Hành trình từ tự hào tới hạnh phúc

Sau một đêm nghỉ lại phố cổ Đồng Văn, sáng hôm sau, chúng tôi bước vào “Hành trình từ tự hào tới hạnh phúc” khám phá đèo Mã Pì Lèng- nơi lưu dấu lịch sử rõ nhất của tuyến đường Hạnh Phúc. Đây là cung đèo nguy hiểm bậc nhất ở vùng núi xa xôi cực Bắc nước ta, được ví là vua của các con đèo ở Việt Nam. Chỉ khoảng 20km thôi nhưng đây là đoạn nguy hiểm nhất, khó làm nhất trong quá trình xây dựng con đường Hạnh Phúc. Những thanh niên cảm tử treo mình bằng dây ròng rã 11 tháng trời để đục đẽo con đường này hoàn toàn với những dụng cụ thô sơ. Đến mức để thể hiện quyết tâm đương đầu với hiểm nguy, họ đã đặt quan tài cho chính mình ở lán trại nghỉ và truy điệu sống trong từng ngày xây dựng.

Nơi địa đầu Tổ quốc

Nằm dưới chân những ngọn núi hiểm trở, dòng sông Nho Quế nước xanh biếc quanh năm êm đềm chảy

Đứng giữa đỉnh đèo lộng gió, phóng tầm mắt thật xa nhìn xuống vực sâu, nơi dòng sông Nho Quế như dải lụa xanh ngọc uốn quanh giữa hai vách núi, cảm thấy mình đang ở một nơi rất gần giữa trời và đất. Kỳ vĩ và choáng ngợp, đến từ sự hùng vĩ của thiên nhiên và ý chí của con người. Xa xa là những mái nhà mộc mạc, đơn sơ nép mình bên cây gạo, bên rặng sa mu, là những thảm hoa tam giác mạch trải dài khắp các triền đồi và thung lũng, tạo nên vẻ đẹp nên thơ, mềm mại và thanh khiết giữa núi rừng. Thứ hoa đặc sản ấy ở Hà Giang không chỉ mang đến màu áo mới cho Cao nguyên đá mà chúng còn mang đến sự tươi vui, rộn ràng và những người bạn mới từ mọi miền đất nước.

Chia tay dòng Nho Quế xanh tươi, tạm xa con đường Hạnh Phúc huyền thoại, chúng tôi về lại thị trấn Đồng Văn, ngược lên phía Bắc, thăm cột cờ Quốc gia Lũng Cú trên đỉnh núi Rồng - nơi địa đầu Tổ quốc hùng vĩ mà ai cũng khao khát một lần được chạm tới.

Theo giới thiệu của các chiến sĩ Trạm biên phòng Lũng Cú, Lũng Cú trong tiếng Lô Lô có nghĩa là đất Rồng cư ngụ (Long Cư) nên đỉnh núi này còn được gọi là núi Rồng hoặc núi Lũng Cú đều được. Cột cờ nằm trên đỉnh núi, với độ cao 1.470m so với mặt nước biển. Để đạt được độ cao như hiện nay, cột cờ Lũng Cú đã trải qua nhiều lần phục dựng. Ban đầu là vào thời Lý, chỉ đúng nghĩa là “một cái cột” làm từ cây sa mộc, cao hơn 10m. Tới khoảng năm 1887 khi thực dân Pháp đang xâm chiếm nước ta thì cột cờ Lũng Cú được trùng tu, thay đổi kích cỡ lẫn độ cao nhiều lần. Vào ngày 18/8/1987, lá cờ Việt Nam rộng 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em lần đầu tiên chính thức tung bay trên đỉnh Lũng Cú.

Rồi những năm sau đó: 1992, 2000, 2002, 2010 thì cột cờ lại tiếp tục được trùng tu. Chiều cao của cột cờ hiện nay là 33,15m, trong đó có phần chân cột cao 20,25m và đường kính chân cột rộng 3,8m. Ở thiết kế mới này, phần chân cột cờ có 8 mặt phù điêu, mô phỏng mặt hoa văn trống đồng Đông Sơn của người Việt cổ, cùng những họa tiết minh họa cho những giai đoạn lịch sử nước ta qua từng thời kỳ. Ngoài ra, những họa tiết còn mô tả con người, tập quán các dân tộc sinh sống tại Hà Giang.

Trong thân cột cờ là tháp với cầu thang bộ xoắn ốc, dẫn lên tận đỉnh cột. Tuy đường lên cột cờ có tận 839 bậc thang, chia thành 3 chặng, nhưng từ dưới bãi gửi xe đã có xe điện phục vụ du khách lên xuống. Tới chặng thứ ba, leo lên 389 bậc thang đến chân cột rồi thêm 140 bậc thang xoắn ốc ngay trong lòng cột để lên đỉnh, nơi lá cờ rộng 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em tung bay trong gió. Đứng dưới chân cột cờ, cất cao bài Quốc ca, không ai có thể kìm nén được cảm xúc thiêng liêng.

Từ trên đỉnh cột cờ - đỉnh cao nhất của cực Bắc Việt Nam trong tam giác Đồng Văn, nhìn về phía Bắc, Đông và Tây, một vành đai núi mà phía bên kia là đất của Trung Quốc, phía bên này là “phên giậu” của đất nước mình. Tự nhiên nước mắt ai cũng ứa mi và cảm thấy giờ khắc dừng lại ở đây trôi qua thật linh thiêng, tự hào.

Đinh Vũ

Đinh Vũ