Hồi hương - Mưu sinh và phục thiện!
baophutho.vn Những năm gần đây, trở về Việt Nam biểu diễn đã trở thành xu hướng của nhiều nghệ sĩ hải ngoại. Đủ các thành phần, từ những người “di tản” sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tháng 4 năm 1975 đến những kẻ sinh sau đẻ muộn nhưng mê muội trước hào quang “xứ thiên đường tư bản” đã ruồng bỏ quê hương, đồng bào, mở miệng miệt thị, chống đối chế độ để được trở thành thành viên cộng đồng hải ngoại, nay lại năm lần bảy lượt xin về Việt Nam biểu diễn. Dân tộc Việt vốn trọng tình, rộng lượng, nhân đạo nên luôn rộng cửa với những đứa con lầm lỡ, lạc lối biết quay đầu phục thiện. Và tất nhiên, cũng như các quốc gia độc lập có chủ quyền, mọi hành vi chống phá, phản động, gây tổn hại lợi ích cá nhân, cộng đồng sẽ bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật…

Hồi hương - Mưu sinh và phục thiện!

Những năm gần đây, trở về Việt Nam biểu diễn đã trở thành xu hướng của nhiều nghệ sĩ hải ngoại. Đủ các thành phần, từ những người “di tản” sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tháng 4 năm 1975 đến những kẻ sinh sau đẻ muộn nhưng mê muội trước hào quang “xứ thiên đường tư bản” đã ruồng bỏ quê hương, đồng bào, mở miệng miệt thị, chống đối chế độ để được trở thành thành viên cộng đồng hải ngoại, nay lại năm lần bảy lượt xin về Việt Nam biểu diễn. Dân tộc Việt vốn trọng tình, rộng lượng, nhân đạo nên luôn rộng cửa với những đứa con lầm lỡ, lạc lối biết quay đầu phục thiện. Và tất nhiên, cũng như các quốc gia độc lập có chủ quyền, mọi hành vi chống phá, phản động, gây tổn hại lợi ích cá nhân, cộng đồng sẽ bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật…

Mấy ngày gần đây, dư luận dành nhiều sự quan tâm đến thông tin Khánh Ly, ca sỹ hải ngoại nhiều năm sống ở Mỹ về Việt Nam để làm tour lưu diễn xuyên Việt qua một loạt các tỉnh thành từ Nam ra Bắc với tên gọi “Như một lời chia tay”. Cộng đồng người Việt, nhất là những người yêu thích nhạc Trịnh Công Sơn chẳng mấy xa lạ với tên tuổi Khánh Ly-một trong những ca sỹ nổi tiếng ở miền Nam trước năm 1975 nhưng không phải ai cũng tường tận những hành động thể hiện tâm địa cơ hội, phản trắc trái ngược hoàn toàn với chất giọng mượt mà thiên phú của ca sỹ 77 tuổi này. Khánh Ly tên thật là Nguyễn Lệ Mai, sinh ngày 6/3/1945 tại Hà Nội. Năm 1954, Khánh Ly theo mẹ di cư vào miền Nam và bắt đầu sự nghiệp ca hát từ năm 1962 tại các phòng trà rồi gặp gỡ nhạc sỹ Trịnh Công Sơn và bắt đầu nổi danh với những ca khúc “hàng thửa riêng”. Sau ngày miền Nam giải phóng, Khánh Ly vượt biên sang Mỹ và thường xuyên tham gia nhiều chương trình ca nhạc chống Việt Nam của số văn nghệ sĩ phản động tại hải ngoại, tham gia nhiều cuộc biểu tình của những hội đoàn cực đoan, là thành viên tích cực vận động quyên góp tiền giúp đỡ lính Việt Nam cộng hòa, thực hiện nhiều chương trình ca nhạc, CD, VCD, điện ảnh, viết báo chống Cộng. Mỗi lần về Việt Nam với mục đích thăm chị ruột, Khánh Ly đều bộc bạch: “Rất buồn về những việc làm không tốt trước đây và muốn quên đi quá khứ”, cam đoan “nếu được về nước biểu diễn sẽ sẵn sàng dùng ngòi bút của mình để phản bác lại những tổ chức chống Cộng ở hải ngoại”. Thế nhưng, ngay khi về Mỹ, Khánh Ly lại phủi hết những gì mình đã nỉ non, ân hận. Trong quá trình biểu diễn tại hải ngoại, bên cạnh những tuyên bố, nhận xét, Khánh Ly còn thường xuyên trình bày, biểu diễn những bài hát chống Cộng, chủ tâm lôi kéo một số ca sĩ trẻ đứng về phía mình, đã từng đứng ra đề nghị Bằng Kiều xé lá cờ đỏ sao vàng trước mặt khán thính giả, kêu gọi gây quỹ để xây dựng “tượng đài chiến sĩ tự do Việt Mỹ”… Từng mạnh miệng tuyên bố:Việt Nam còn Cộng sản thì không bao giờ quay về..., thế nhưng kể từ năm 2014, sau khi được cơ quan chức năng đồng ý biểu diễn ở Việt Nam, Khánh Ly liên tục về Việt Nam biểu diễn bất chấp bị cộng đồng hải ngoại lên án và kêu gọi tẩy chay.

Hồi hương - Mưu sinh và phục thiện!MC Anh Khoa đón ca sỹ Khánh Ly tại sân bay Nội Bài (ngày 15/6). Ảnh: thanhnien.vn

Cũng từng hùng hổ “Chừng nào Cộng sản còn thì sẽ không quay trở lại Việt Nam”, mới đây, cũng như những kẻ khác là Chế Linh, Khánh Ly, Ngọc Huyền, Bằng Kiều, Phương Dung…, Đan Nguyên đã “nuốt lời thề” trở về Việt Nam. Thuộc thế hệ sinh sau năm 1975, đến Hoa Kỳ định cư theo diện đoàn tụ gia đình (diện Rover), sở hữu giọng hát lạ, vẻ bề ngoài tương đối ưa nhìn nhưng Đan Nguyên dường như đang đẩy con đường nghệ thuật của mình đi theo hướng sai lầm khi thường xuyên xuất hiện và biểu diễn những bài hát có tính chất xuyên tạc, chống phá Việt Nam cả hiện tại và quá khứ. Lợi dụng tự do, dân chủ, nhân quyền phản ánh sai hoàn toàn thực trạng tại Việt Nam, Đan Nguyên thường xuyên biểu diễn các bài nhạc lính Việt Nam Cộng hòa, ngợi ca những việc làm sai trái của chế độ tay sai, đế quốc xâm lăng; cầm, vẫy cờ ba sọc phản động và biểu diễn nhiều chương trình chống phá cho hai trung tâm hải ngoại ASIA và Thuý Nga…

Khoảng ba thập niên gần đây, hàng loạt nghệ sỹ hải ngoại đã đua nhau quay về Việt Nam trình diễn, có người vẫn đi đi về về giữa hai nước, có người ở lại hẳn. Không ai nỡ nghi ngờ, dè bỉu tâm tư “cáo chết ba năm quay đầu về núi”, “lá rụng về cội”, trong sâu thẳm con người- dù có đồi bại, đốn mạt đến đâu, vẫn luôn lưu giữ hình ảnh quê hương, nguồn cội và mong muốn được quay về; cũng như “ước nguyện cao đẹp” biểu diễn phục vụ đồng bào, góp sức xây dựng quê hương của một số đối tượng nghệ sỹ hải ngoại hồi hương. Tuy nhiên, thực tế cũng khẳng định sau gần năm thập niên hình thành và phát triển thì thị trường âm nhạc Việt ở hải ngoại ngày càng bị thu hẹp. Các trung tâm âm nhạc đóng cửa hầu hết, khán giả trẻ thế hệ 9x, 10x chủ yếu nghe nhạc nước ngoài. Còn thị trường trong nước lại đang phát triển sôi động, đầy tiềm năng. Nếu ở Hoa Kỳ thì nhiều nghệ sỹ hải ngoại vẫn phải suốt ngày ngồi canh để book lịch được biểu diễn trong năm phút với lượng khán giả ngày càng ít đi và tiền không có được như xưa thì việc phải đi tìm mảnh đất khác để diễn là điều tất yếu. Không ai phủ nhận việc các nghệ sỹ hải ngoại - với ít nhiều tài năng hồi hương biểu diễn cũng đã phần nào mang tới không khí khác lạ, tươi mới hơn cho thị trường âm nhạc nước nhà. Nhưng sự thật là phần lớn bọn họ đã từng ruồng bỏ đất nước, dân tộc để chạy qua Mỹ tìm cuộc sống sung sướng cho bản thân giờ cũng đã quay về Việt Nam để biểu diễn với một thị trường tiềm năng mà quên đến việc mình đã từng chống đối chế độ, bạc bẽo với đồng bào với quê hương, đất nước như thế nào.

Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Nhiều năm nay, Việt Nam luôn nhất quán kiên trì chính sách hoà hợp, hoà giải dân tộc với nhiều hoạt động thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi để Việt kiều nói chung, nghệ sỹ hải ngoại nói riêng về nước, đầu tư vào lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại, dân tộc Việt vốn trọng tình, rộng lượng, luôn dang rộng vòng tay ân tình chào đón đồng bào hải ngoại hồi hương. Trong thời kỳ hội nhập, cơ chế quản lý của Nhà nước cũng thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho Việt kiều, người ngoại quốc. Tuy nhiên, các nghệ sỹ hải ngoại cần nhớ rằng Việt Nam là một đất nước độc lập có chủ quyền, có quốc ca, quốc kỳ chính thức, có luật pháp nghiêm minh; việc tuyên truyền, chống phá chế độ dưới bất kỳ hình thức nào cũng là vi phạm pháp luật. Nhân đạo không có nghĩa là dễ dãi. Vậy nên khi hồi hương, hãy bỏ lại tâm địa cơ hội, mưu đồ chống phá, quấy rối phía bên kia bên giới, sống tử tế, đúng đắn trên quê cha, đất tổ…

Trung Tín

Trung Tín