Cùng với sự phát triển của công nghệ số, các nền tảng mạng xã hội đã trở thành công cụ hữu ích, kết nối người dùng mọi lúc, mọi nơi. Tận dụng tính năng này, nhiều cửa hàng kinh doanh đang sử dụng hình thức livestream (phát trực tiếp) để bán hàng trên facebook, tiktok hay instagram…
Chị Thu Hiền (thành phố Việt Trì) trong một buổi livestream bán hàng trên kênh tiktok.
“Xin chào cả nhà nha! Hôm nay em lên một siêu phẩm cho cả nhà đó là chiếc máy cạo râu siêu tiện lợi với giá vô cùng hợp lý. Chỉ 119k (119 nghìn đồng – PV), các anh sẽ có một máy cạo râu và được tặng kèm một bộ lưỡi như thế này ạ”.
- “Hello tất cả các chị! Các chị ơi có nghe có em nói gì không? Cho em xin một dấu chấm, một dấu phẩy để em biết các chị có nghe thấy, nhìn thấy em. Mùng một đầu tháng, em xin chúc các chị một tháng mới nhiều may mắn. Đặc biệt, hôm nay em xin phép bán tặng xả rẻ cộng miễn phí ship toàn bộ đơn hàng. Các chị vào thả tim và cho em xin nút chia sẻ với ạ”…
Thời gian rảnh rỗi, nếu vô tình lướt các kênh mạng xã hội như facebook, tiktok, người dùng dễ dàng bắt gặp các buổi livestream, bán hàng với nhiều cách mời gọi theo dõi và quảng bá sản phẩm khác nhau. Livestream bán hàng hoạt động mạnh nhất vào các khung giờ từ 6 - 8 giờ, 11 - 12 giờ, 19 - 21 giờ và 22 - 0 giờ. Các mặt hàng được nhiều người lựa chọn livestream bán hàng là quần áo, mĩ phẩm, giày dép, nước hoa… Bên cạnh đó, các salon tóc, studio, viện thẩm mỹ, spa... cũng sử dụng livestream như một cách quảng bá sản phẩm, tay nghề của mình thu hút được đông đảo khách hàng quan tâm.
Để việc livestream thành công cần có kịch bản và nội dung hấp dẫn.
Chị Thu Hiền (thành phố Việt Trì) – chủ kênh tiktok Hiền Hiền, chuyên bán quần áo nam, dao cạo râu cho biết: Tiện lợi của hình thức livestream, bán hàng qua mạng là có thể bán ở mọi lúc, mọi nơi, đang ngồi trên ô tô cũng có thể live bán hàng được. Tuy nhiên, để thu hút được khán giả xem, mua hàng cần chú trọng xây dựng kênh, tạo uy tín và hình ảnh với khách hàng. Tùy từng đối tượng khách hàng muốn hướng đến mà lựa chọn trang phục và cách tư vấn, giới thiệu sản phẩm cho phù hợp. Ngoài ra, để buổi livestream đạt hiệu quả thì người live phải ăn nói lưu loát, có khả năng thuyết phục. Cần cân nhắc, lựa chọn kỹ các sản phẩm định bán, đảm bảo về chất lượng, uy tín, phù hợp với giá tiền thì mới có thể giữ chân được khách hàng…
Chị Hiền cho biết thêm, nhờ bán hàng qua tiktok mà thu nhập của gia đình tăng đáng kể. Từ Tết Nguyên đán Quý Mão đến nay chị bán được gần 5.000 đơn hàng, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng…
Nhanh nhạy bắt kịp xu thế trong thời đại công nghệ 4.0, mặc dù đã tạo được vị thế và chỗ đứng về lĩnh vực chăm sóc da, spa trên địa bàn nhưng chuỗi hệ thống Sen Bay Spa (trụ sở chính tại thành phố Việt Trì) vẫn luôn quan tâm quảng bá, giới thiệu thương hiệu và các dịch vụ của spa tới khách hàng thông qua xây dựng kênh tiktok và livestream.
Chị Đặng Bích Thủy – Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành chuỗi hệ thống Sen Bay Spa cho biết: Live giúp việc bán hàng trở nên số hoá và mở rộng hơn so với hình thức bán hàng truyền thống. Việc livestrem có nhiều ưu điểm như: Giúp tiếp cận tới nhiều khách hàng hơn; không bị giới hạn bởi địa điểm, khoảng cách địa lý và thời gian; tiết kiệm được rất nhiều chi phí như: Chi phí mặt bằng, nhân công, chi phí bán hàng từ đó giá thành sản phẩm giảm, cả người mua và người bán đều có lợi. Một người livestream có thể bán được trên 1.000 đơn hàng chỉ trong 1h livestream - điều mà bán hàng truyền thống khó làm được. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì khó khăn lớn nhất đó là vấn đề về sáng tạo nội dung và xây dựng thương hiệu cá nhân để tạo dựng uy tín với khách hàng. Livestream trong thời đại 4.0 cần phải có kịch bản với nội dung hấp dẫn mới thu hút được lượt xem nên không phải ai live là cũng có người xem và bán được hàng. Thương hiệu cá nhân càng mạnh thì càng dễ bán hàng càng thuận lợi. Đôi khi khách hàng không mua vì sản phẩm, mà mua vì tin và hâm mộ người bán hàng (KOL, KOC)…
Bán hàng thông qua livestream đang là xu thế được nhiều người lựa chọn.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì việc livestream, bán hàng qua mạng cũng còn tồn tại những bất cập. Nhất là trong thời gian qua, một số cơ sở sản xuất kinh doanh đã lợi dụng hình ảnh những người nổi tiếng, sử dụng danh hiệu như “nhà thuốc gia truyền”, “danh y”, “thần y” để quảng cáo sản phẩm có tác dụng như thuốc để điều trị các bệnh mãn tính như xương khớp. huyết áp, tiểu đường, bệnh về mắt…trên các mạng xã hội. Trong đó, nhiều sản phẩm chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam, khi quảng cáo, sản xuất, buôn bán có thể gây nguy hại về sức khỏe, thiệt hại về kinh tế cho người tiêu dùng. Vì vậy, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành văn bản số 226/UBND-KGVX ngày 31/1/2023 về việc tăng cường quản lý, chấn chỉnh các hoạt động quảng cáo, kinh doanh thuốc qua mạng xã hội. Theo đó, bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền về các quy định của pháp luật về hoạt động quảng cáo, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành rà soát toàn bộ các hoạt động hợp tác quảng cáo trên các báo điện tử, trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm nếu có.
Không thể phủ nhận, trong hoạt động kinh doanh của giới trẻ hiện nay đang xuất hiện quan điểm: Muốn nhiều người biết tới thì làm video và xây dựng nội dung hay, muốn bán được hàng thì phải livestream giỏi. Làm video và livestream đang là xu thế và trong tương lai chắc chắn sẽ còn bùng nổ mạnh nữa. Đây không chỉ là phương án kích cầu tiêu dùng, mà còn đánh trúng tâm lý muốn mua sắm tiện lợi của người tiêu dùng trong thời buổi công nghệ số. Tuy nhiên, để tránh mua phải hàng hóa không đảm bảo chất lượng, bị kẻ xấu lợi dụng tính năng livestream để câu like, lừa đảo, bản thân mỗi người tiêu dùng nên cẩn trọng, tìm địa chỉ mua hàng uy tín, có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng để chốt đơn. Đồng thời, nên suy nghĩ, cân nhắc, chỉ lựa chọn đặt hàng những sản phẩm thực sự cần thiết cho gia đình để tránh mua nhiều sản phẩm nhưng không dùng đến gây lãng phí, tốn kém…
Vĩnh Hà