PTO- Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi và làm giàu chính đáng của hội viên Hội nông dân huyện Thanh Thủy đã khai thác được thế mạnh của địa phương để phát triển sản xuất đạt hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội của Đảng bộ huyện, được các cấp, ngành đánh giá cao.
![]() |
Mô hình trang trại VAC và dịch vụ con giống của hội viên Nguyễn Hữu Huệ khu 8 (xã Bảo Yên) mỗi năm doanh thu đạt 2 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động và hàng chục lao động thời vụ. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Huy Toàn- Chủ tịch Hội ND huyện cho biết: “Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, sự phối hợp chặt chẽ giữa UBND huyện, MTTQ và các tổ chức đoàn thể trong huyện, phong trào nông dân và tổ chức Hội nông dân Thanh Thủy được củng cố và ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến nay có 151 chi hội ở 15 cơ sở Hội, số lượng hội viên đạt 92,5%/tổng số hộ nông nghiệp. Phong trào thi đua lao động sản xuất kinh doanh giỏi của hội viên thu được những kết quả đáng phấn khởi, góp phần đưa tỷ lệ hộ gia đình hội viên giàu và khá chiếm 31,5%/tổng số hộ gia đình hội viên, giảm tỷ lệ hộ hội viên nghèo còn 4,2%. Các phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi và nghèo vượt khó luôn bám sát mục tiêu tập trung phát triển kinh tế - xã hội của huyện, trong đó phát triển kinh tế nông nghiệp trọng điểm là khâu đột phá. Vận dụng có hiệu quả điều kiện tự nhiên, khả năng sẵn có về cơ sở vật chất, lao động và nhất là áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp…”.
Đầu năm, Hội đều thực hiện việc giao chỉ tiêu kế hoạch, tổ chức đăng ký sản xuất kinh doanh giỏi để các gia đình hội viên chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh. Từ năm 2009 đến nay, các cấp hội thường xuyên phối hợp với Phòng nông nghiệp, Trạm khuyến nông, Công ty Supe Lâm Thao, Công ty thức ăn gia súc, Trung tâm dạy nghề Hội nông dân tỉnh, Trường Trung cấp nông lâm nghiệp, Hội làm vườn Việt Nam, Trung tâm dạy nghề huyện… mở 108 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản ở 15 xã với gần 9.000 lượt hội viên tham gia. Trong sinh hoạt chi hội tháng, quý, tổng kết năm, các cấp hội thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, nêu những mô hình sản xuất kinh doanh giỏi để hội viên học tập và làm theo, coi đó là nội dung lớn trong chương trình công tác Hội để học tập rút kinh nghiệm trong những năm tiếp theo. Vì vậy, phong trào đã tạo ra sự thi đua sôi nổi, thu hút 100% số xã đăng ký tham gia, số hội viên đăng ký tăng năm sau cao hơn năm trước, cuối năm bình xét số hộ hội viên nông dân đạt sản xuất kinh doanh giỏi 3 cấp luôn đạt từ 70% trở lên.
Các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi tập trung nuôi thả cá kết hợp nuôi vịt bán công nghiệp, VAC tổng hợp, kinh tế vườn đồi, trang trại, sản xuất thủ công nghiệp và kinh doanh, dịch vụ, chế biến nông sản gắn với vùng nguyên liệu tại chỗ ở địa phương, dịch vụ vận chuyển với dịch vụ hàng hóa vật tư, hàng hóa tiêu dùng, đặc biệt mô hình dồn đổi ruộng đất sản xuất hàng hóa lớn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Lê Đình Thơm, ở khu 1 xã Tu Vũ cho biết: “Những năm qua gia đình tôi đã dồn đổi ruộng đất để thâm canh đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, gia đình tôi bố trí 3.600m2 trồng táo xen ngô, cà pháo; 2.880m2 trồng các loại rau như nắc này, mướp, su su và chăn nuôi lợn, gà thả. Mỗi năm, gia đình thu nhập từ 120- 140 triệu đồng (bình quân 26 triệu đồng/người/năm). Riêng cây táo trồng tập trung, kết hợp xen cây ngắn ngày cho thu nhập 80 triệu đồng; bình quân chung đất ruộng thu nhập là 6,5 triệu đồng/sào. Thông qua sản xuất, gia đình đóng góp ủng hộ các quỹ ở địa phương và tạo điều kiện giúp đỡ cho một số hộ gia đình xung quanh. Với 2 lao động chính, gia đình tôi luôn là gia đình văn hóa và nuôi được 3 con đang đi học”. Ông Lê Đình Hưởng, ở khu 4 (xã Trung Thịnh) cho biết: “Sau khi đi tham quan học hỏi tại Hoài Đức (Hà Nội) và tham gia học lớp sơ cấp chăn nuôi thú y tại Trường Trung cấp nông nghiệp, trên diện tích đất gò 2 ha, năm 2008 tôi đầu tư trang trại theo quy mô sản xuất hàng hóa với 35 con lợn nái, 1 con lợn đực giống siêu nạc, mỗi lứa có 200 đến 250 lợn thịt; nuôi cá, ba ba trong 4 ao với diện tích trên 5.500m2; luôn duy trì 200 gà đẻ + 500 gà thả vườn. Gia đình còn trồng 600 cây bưởi Diễn đã cho thu hoạch, dưới tán là gà và trồng mạch môn. Thu nhập của gia đình hàng năm đạt 500- 550 triệu đồng đã trừ chi phí, có điều kiện nuôi 2 cháu học đại học, 1 cháu học cấp 3. Đồng thời, gia đình luôn tạo việc làm cho 2 lao động thường xuyên với thu nhập 2,5 triệu đến 3 triệu đồng/người/tháng…”. Còn rất nhiều mô hình như: Ông Nguyễn Văn Vị, ở khu 14 (xã Hoàng Xá), đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua máy móc sản xuất chè búp tươi theo dây chuyền khép kín thành chè khô và chè đen, tạo việc làm ổn định cho 30 lao động địa phương với thu nhập 2,8- 3 triệu đồng/người/tháng, cung cấp 3.000- 3.200 tấn chè khô cho thị trường trong và ngoài nước, thu nhập 450- 500 triệu đồng/năm; ông Bùi Đức Thắng, ở khu 8 (xã Đồng Luận), trồng nấm, mộc nhĩ với khoảng 40 vạn bịch/năm, trừ chi phí cho thu lãi khoảng 550- 570 triệu đồng/năm; bà Đinh Thị Thơ, ở khu 13 (xã Đào Xá), với diện tích 1,2ha nuôi thả cá, lợn rừng, vịt, gà, trồng rau màu và cấy lúa, cây ăn quả và dịch vụ chụp ảnh, lắp đặt điện nước, thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm...
Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi và làm giàu chính đáng của Hội nông dân huyện đã khai thác tiềm năng đất đai, tiền vốn, sức lao động, những thế mạnh của địa phương, thúc đẩy quá trình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tích tụ ruộng đất theo đúng hướng làm thay đổi cơ bản cách nghĩ, cách làm của nông dân, từng bước đạt được những kết quả to lớn tạo nên sự tăng trưởng kinh tế, tạo thêm được nhiều công ăn việc làm, tăng mức thu nhập cho người lao động và gia đình. Đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, góp phần xây dựng nông thôn mới, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn, đồng thời củng cố xây dựng Hội các cấp vững mạnh.
Ngọc Lam