Nhịp điệu, vòng quay của thời gian đang dịch chuyển đến thời khắc bàn giao giữa năm Nhâm Dần và năm Quý Mão 2023. Ở thời điểm nhạy cảm này, thị trường sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, giao thương hàng hóa diễn ra khá sôi động, nhộn nhịp. Đây cũng là khoảng thời gian thị trường dễ xảy ra những hành vi tiêu cực nếu không được kiểm soát chặt chẽ như sốt giá ảo, kinh doanh, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng nhái, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ khiến cho câu chuyện đảm bảo chất lượng hàng hóa để không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và uy tín của nhà sản xuất trở thành chủ đề “nóng”, được nhiều người quan tâm. Vì thế, nhằm không để thị trường “nhảy múa” với những “vũ điệu” tiêu cực, đảm bảo cân đối cung cầu, chất lượng hàng hóa phục vụ nhân dân đón Xuân, vui Tết, các nhà quản lý, lực lượng chức năng đã có kịch bản cần thiết, tạo “ba-ri-e”, ngăn “vũ đạo” thị trường dịp Tết.
Đội Quản lý thị trường số 5 kiểm tra hàng hóa các cơ sở kinh doanh thương mại trên địa bàn huyện Tân Sơn phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Chúng ta còn nhớ, trong bộn bề công việc cuối năm 2022 vừa qua nhưng Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vẫn dành thời gian cần thiết để họp Ban Chỉ đạo điều hành giá, trong đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thuộc diện bình ổn, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm để các cơ quan quản lý chủ động phương án, biện pháp đảm bảo cung cầu, bình ổn thị trường. Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc, các bộ, ngành, địa phương sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định để kiểm soát, giữ ổn định thị trường...
Trong một động thái tích cực nhằm sớm có kế hoạch chủ động kiểm soát, triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh, phát hiện kịp thời, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật, giữ bình ổn thị trường, đảm bảo chất lượng, cung cầu hàng hóa, ngày 10/12/2022, Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 Quốc gia) đã có Kế hoạch số 115/KH-BCĐ389 về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, sát thực, không để trôi nổi thị trường, bập bênh giá cả, nhất là các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng...
Đội Quản lý thị trường số 3 kiểm tra tình hình hoạt động, niêm yết giá tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn huyện Thanh Ba.
Với phương châm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả, BCĐ 389 Quốc gia yêu cầu tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương chủ động, kịp thời nắm, kiểm soát tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, đấu tranh, bắt giữ, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, cửa khẩu, vùng biển, hoạt động gian lận thương mại, trốn thuế, mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ…
Nhìn từng lát cắt có thể thấy, một trong những nhiệm vụ quan trọng là chủ động theo dõi, dự báo sớm nguồn cung, nhu cầu hàng hóa tại các địa bàn, nhất là các mặt hàng thiết yếu để có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường hàng hóa trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa, triển khai dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường; phối hợp tổ chức giám sát chặt chẽ, bảo đảm nguồn cung, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm…
Về phía các bộ, ngành chức năng, Bộ Công thương đã kịp thời chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tạo tiền đề để thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô năm 2023 của Chính phủ, trong đó đề nghị Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc biến động giá để chủ động có phương án, đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến...
Cùng với đó, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết; triển khai các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định; đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về khu, cụm công nghiệp kết hợp với các chương trình hội chợ, khuyến mãi, giảm giá, kích cầu tiêu dùng; phối hợp tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường đối với các lĩnh vực về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật...
Với tỉnh ta, để chủ động kiểm soát, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, góp phần bình ổn thị trường, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, tạo tâm lý phấn khởi cho người dân, doanh nghiệp yên tâm vui Xuân, đón Tết, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã có văn bản chỉ đạo với tinh thần không để xảy ra bị động, bất ngờ; phối hợp kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, đấu tranh, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Việc kiểm tra, kiểm soát thực hiện trên nguyên tắc tuân thủ đúng quy trình, tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, không gây trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp của thương nhân, đi liền với đó bảo đảm ổn định nguồn cung hàng hóa tiêu dùng đạt chất lượng cho nhân dân dịp trước, trong và sau Tết cổ truyền của dân tộc...
Là lực lượng chủ công, đi đầu trong kiểm tra, kiểm soát, góp phần làm lành mạnh hóa, bình ổn thị trường, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp tích cực, đồng bộ, đưa thị trường đi đúng “quỹ đạo” của nó, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhà sản xuất. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường lực lượng, nhất là trong dịp Tết để quản lý tốt địa bàn, chủ động nắm bắt tình hình thị trường, diễn biến giá cả, cung cầu hàng hóa; tổ chức kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, dược phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế... kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật” - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, phụ trách Cục Quản lý thị trường Phú Thọ Nguyễn Thanh Bình khẳng định.
Tiến Dũng