Hồ Đá Mài (Thanh Sơn) đảm bảo tưới cho hàng trăm ha đất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 2.000 công trình hồ chứa, đập, phai dâng; gần bốn ngàn km kênh các loại, trên 79km đường ống dẫn nước; gần 30 trạm bơm tiêu... đảm bảo cấp nước, phục vụ tưới cho gần 58.000ha lúa, 16.300ha rau màu, 1.600ha thủy sản... Các công trình thủy lợi còn đóng góp tích cực trong việc dự trữ nước vào mùa khô hạn; điều hòa, tiêu úng nước vào mùa mưa, giảm thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện nay phần lớn các hồ, đập đã xuống cấp, thiết bị lạc hậu, không đảm bảo năng lực tưới, tiêu theo thiết kế, không đảm bảo tiêu thoát khi có mưa lớn.
Qua khảo sát thực tế ở một số địa phương như: Thanh Sơn, Hạ Hòa, Yên Lập, Cẩm Khê, Tân Sơn... có hàng chục công trình hồ hư hỏng, trong số đó phải kể đến các hồ: Tải Giang, Đá Mài, Khoang Tải (Thanh Sơn); Suối Rồng, Phượng Mao (Thanh Thủy); Trầm Sắt (Thanh Ba); Suối Đẫu (Đoan Hùng)… đã xuống cấp nghiêm trọng do tác động của môi trường, biến đổi khí hậu dẫn đến thiên tai ngày càng phức tạp, mưa lớn, lũ ống, lũ quét. Đa số các công trình hồ đập được đầu tư xây dựng từ những năm 70-80 của thế kỷ trước, quá trình sử dụng nhiều năm nhưng chưa được đầu tư sửa chữa, nâng cấp. Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ động yêu cầu các địa phương rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn; xác định rõ những công trình có nguy cơ mất an toàn nhằm kịp thời sửa chữa, khắc phục, đảm bảo an toàn hồ đập mùa mưa lũ. Đồng thời xây dựng phương án phòng chống lũ lụt, ứng phó với sự cố vỡ hồ, đập có thể xảy ra và tăng cường lực lượng tuần tra, canh gác ở các công trình trọng điểm, nguy cơ mất an toàn cao.
Tu sửa, gia cố hồ Phượng Mao (Thanh Thủy)
Năm 2020 tỉnh đã phê duyệt xử lý khẩn cấp sự cố vỡ đập Đầm Thìn tại xã Cấp Dẫn (huyện Cẩm Khê), khắc phục sạt lở kè Xuân Huy đê tả Thao, khắc phục sạt lở kè Bản Nguyên đoạn Km84+250- Km84+500 đê tả Thao (huyện Lâm Thao), xử lý 12 cống dưới đê, 900m kè, 500m mặt đê, khắc phục sự cố tràn đê tả sông Thao đoạn từ Km11,0 - Km15,0 (huyện Hạ Hòa), đắp mái đê bị sạt lở của đê tả, hữu sông Bứa (huyện Tam Nông và Cẩm Khê), nâng cấp hệ thống tiêu ngòi Hiêng (huyện Hạ Hòa), trạm bơm tiêu Đoan Hạ (huyện Thanh Thủy)…
Dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8, vay vốn Ngân hàng Thế giới) tỉnh Phú Thọ được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt tại Quyết định số 4638/QĐ-BNN-HTQT với tổng mức đầu tư 216,830 tỉ đồng vốn đối ứng 30,813 tỉ đồng được chia làm hai giai đoạn. Thời gian thực hiện năm năm từ 2016-2022 trên địa bàn các huyện: Đoan Hùng, Cẩm Khê, Yên Lập, Thanh Sơn, Thanh Thủy, Thanh Ba, Hạ Hòa. Giai đoạn một cải tạo, nâng cấp hồ Ban, xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê, vốn đầu tư là 25,1 tỉ đồng. Mục tiêu đảm bảo an toàn ổn định đập và phục hồi các chức năng thiết kế thông qua sửa chữa, nâng cấp giúp chủ động cấp nước tưới cho 150ha đất canh tác thuộc xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê. Giai đoạn hai: Cải tạo, nâng cấp và sửa chữa 13 hồ chứa nước trên địa bàn các huyện: Đoan Hùng, Cẩm Khê, Yên Lập, Thanh Sơn, Thanh Thủy, Thanh Ba, Hạ Hòa - tỉnh Phú Thọ, vốn đầu tư là 191 tỉ đồng. Mục tiêu: Sửa chữa, nâng cấp công trình nhằm phát huy nhiệm vụ cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh, đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du đập, tạo cảnh quan môi trường vùng dự án, góp phần cải thiện đời sống nhân dân trong vùng. Đến nay gói thầu Thi công xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp hồ Ban xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê đã được nghiệm thu và bàn giao công trình đưa vào sử dụng. Giai đoạn hai đã thực hiện xong rà phá bom mìn, vật nổ, bồi thường giải phóng mặt bằng. Hiện, với 13 hồ đập, Sở NN&PTNT đang lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu: Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị, tư vấn giám sát. Tuy nhiên, số lượng đập, hồ chứa bị xuống cấp nhiều, cần nguồn kinh phí lớn, bên cạnh đó, nguồn lực của tỉnh còn khó khăn nên nguồn vốn bố trí hàng năm chưa đáp ứng được nhu cầu.
Hồ Khoang Tải (Thanh Sơn) cần nâng cấp, cải tạo đảm bảo cung cấp nước phục vụ nông nghiệp
Đồng chí Trần Quốc Bình - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Để ứng phó thiên tai phục vụ sản xuất, cần tổ chức khảo sát, đánh giá đúng thực trạng các hồ chứa nước một cách tổng thể. Đặc biệt là cần có những dự án, những nguồn kinh phí đủ lớn để “chữa bệnh, điều trị, phục hồi chức năng” cho hệ thống hồ đập đã xuống cấp đảm bảo an toàn dân sinh, kinh tế - xã hội vùng hạ du chịu ảnh hưởng...”.
Trong thời gian tới, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở cần tập trung củng cố tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý khai thác, hạ tầng các công trình thủy lợi, đảm bảo an toàn hồ, đập; làm tốt công tác xã hội hóa trong đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình thủy lợi gắn với phát triển du lịch, dịch vụ như công trình thủy lợi hồ Ly ở xã Thượng Long (Yên Lập), đầm Ao Châu (Hạ Hòa), hồ Phượng Mao, hồ Suối Rồng (Thanh Thủy)… Từ đó xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở phát huy các tiềm năng, lợi thế của từng vùng theo hướng nông nghiệp xanh, ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng; nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, nguồn nước, lao động và nguồn lực đầu tư; tăng nhanh thu nhập và mức sống của lao động nông thôn gắn với giảm nghèo nhanh, bền vững.
Cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, người dân cần phải nâng cao ý thức trong việc khai thác và quản lý các công trình thủy lợi nói chung, hồ đập nói riêng, không vi phạm hành lang an toàn các công trình thủy lợi; làm tốt công tác trồng, bảo vệ rừng đầu nguồn và trang bị cho mình kỹ năng xử lý tình huống khi có sự cố xảy ra.
Thúy Hằng