Tục Kết nước nghĩa trong Hát Xoan
baophutho.vn Kết nước nghĩa là hình thức giao kết giữa họ Xoan với làng kết nghĩa anh em. Thực chất của hình thức kết nước nghĩa là việc giao lưu Hát Xoan của các phường Xoan gốc với các làng có liên quan trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về, hội làng hay đặc biệt là Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng với nội dung khẩn nguyện, giao kết, cầu chúc của cư dân các làng làm nông nghiệp nhà nhà no đủ, đông đàn dài lũ, thi cử đỗ đạt, nhân khang vật thịnh, quốc thái dân an…

Tục Kết nước nghĩa trong Hát Xoan

Kết nước nghĩa là hình thức giao kết giữa họ Xoan với làng kết nghĩa anh em. Thực chất của hình thức kết nước nghĩa là việc giao lưu Hát Xoan của các phường Xoan gốc với các làng có liên quan trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về, hội làng hay đặc biệt là Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng với nội dung khẩn nguyện, giao kết, cầu chúc của cư dân các làng làm nông nghiệp nhà nhà no đủ, đông đàn dài lũ, thi cử đỗ đạt, nhân khang vật thịnh, quốc thái dân an…

Tục Kết nước nghĩa trong Hát Xoan

Phục dụng tục Hát Xoan kết nước nghĩa tại các cửa đình.

Hát Xoan nước nghĩa phản ánh nét đặc trưng riêng có trong Hát Xoan với nội dung hát thờ thần. Đây là một hiện tượng văn hóa dân gian nói chung và âm nhạc dân gian nói riêng của người Việt ở vùng đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, đã tồn tại hơn 2.000 năm, từ thời các vua Hùng dựng nước. Theo tín ngưỡng của người xưa, mỗi làng đều có đình tôn thờ các thần hoàng làng, vị thánh. Vào tiệc đình, chính hội, các làng thực hiện những nghi lễ gắn liền tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong đó có tục Hát thờ. Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng có hát Xoan, vì vậy nên các cụ bô lão đại diện dân làng mới đến các trùm phường Xoan để mời về hát tại đình làng. Tục lệ này được duy trì hàng năm tạo sự gắn bó giữa các phường Xoan và các cửa đình.

Hiện nay, TP Việt Trì có bốn phường Xoan gốc: Phù Đức, Thét, Kim Đái (xã Kim Đức) và phường Xoan An Thái - xã Phượng Lâu. Mỗi phường Xoan lại thực hiện kết nước nghĩa với một hoặc nhiều cửa đình khác nhau. Trong đó, phường Xoan Phù Đức kết nước nghĩa với đình Tây Cốc, đình Nghè, huyện Đoan Hùng, đình Tử Đà thuộc xã Bình Phú, huyện Phù Ninh và chùa Dâu, tỉnh Bắc Ninh.

Tục Kết nước nghĩa trong Hát Xoan

Biểu diễn hát Xoan kết nước nghĩa tại đình Tử Du, xã Bình Phú, huyện Phù Ninh.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Xuân Hội - Trùm phường Xoan Phù Đức cho biết: Kết nước nghĩa hay còn gọi là kết chạ, kết tình anh em với nhau. Theo lệ, trước ngày lễ đình, các quan viên và bô lão trong làng ra đón họ Xoan từ đầu đường. Trong hát Xoan, các họ Xoan cũng là phường Xoan kết nghĩa với làng mà Xoan giữ cửa đình. Làng giữ vai anh, họ Xoan giữ vai em, đời đời keo sơn gắn bó. Thông thường, phường Xoan đi từ 10 đến 12 người. Có cụ trùm dẫn đầu và các đào múa, kép trống, kép hát. Khi đến làng, phường Xoan được đón về nhà nghỉ ngơi chờ đến tối thì bắt đầu cuộc hát Xoan. Buổi đón tiếp nghĩa tình như đón người thân từ phương xa trở về.

Vào chính lễ, phường Xoan và đại diện dân làng sắp sửa lễ vật cùng nhau lên đình xin phép được hát Xoan để cầu thần thành hoàng phù hộ độ trì cho mùa màng bội thu, nhà nhà no đủ. Mở đầu đêm Xoan là bài hát “Nhập tịch” mời thần linh về hưởng lễ và nghe hát thờ. Trong tục hát nước nghĩa, chỉ có phường Xoan giữ cửa đình mới được hát bài này. Sau đó, cuộc hát chính thức bắt đầu, ngay sau bài “Nhập tịch” là “Giáo trống giáo pháo” do các nhỏ múa trên chiếu với ý nghĩa nổi trống đốt pháo mở hội Xoan. Đây là tiết mục duy nhất có các cổng phách múa, tiết tấu dồn dập, rộn ràng dưới hình thức hát dồn đuổi nam và nữ.

Tục Kết nước nghĩa trong Hát Xoan

Các đào Xoan.

Tiếp theo “Giáo trống giáo pháo” là tiết mục “Thơ nhang” do các đào múa hát trước bàn thờ với ý nghĩa dâng hương lên Vua và thành hoàng mong được ban cho làng chạ những điều tốt đẹp. Sau “Thơ nhang” là tiết mục “Đóng đám” cũng là tiết mục cuối của phần lề lối, có ý nghĩa là vào đám, được hát theo lối đan xen nam nữ, nam hát chính, nữ hát đuổi theo và hát đệm. Ở đây, ngoài những lời chúc tụng theo nghi lễ, phần cuối của bài “Đóng đám” đã đan xen những câu hát mang nội dung trữ tình, giao duyên nam nữ trong sáng.

Kết thúc tiết mục “Đóng đám” cũng là kết thúc giai đoạn hát lề lối mở đầu, chuyển sang phần Hát thờ trình diễn các quả cách. Mỗi quả cách là một tiết mục diễn xướng tổng hợp với các chủ đề chúc tụng, kể chuyện, tả cảnh, tả tình. Trong đó, “Kiều gia cách” là quả cách đầu tiên được trình diễn trong phần hát thờ, nội dung của “Kiều gia cách” theo lối kể chuyện và chúc tụng mời vua về dự tiệc, nghe hát.

Sau phần trình diễn 13 quả cách là phần Hát hội. Đây là phần hấp dẫn của Hát Xoan, chủ yếu mang nội dung trữ tình, phóng khoáng với nhiều tiết mục phong phú, hấp dẫn người xem.

Tục Kết nước nghĩa trong Hát Xoan

Phường Xoan Phù Đức, xã Kim Đức, TP Việt Trì tập luyện biểu diễn Hát Xoan.

Kết thúc cuộc Hát hội và cả cuộc Hát Xoan là tiết mục “Cài huê mó cá” cũng là hát giã bạn. Lúc này, trai gái của làng sở tại và các đào kép phường Xoan cùng giao lưu, hát hội. Nội dung với ý nghĩa là dâng hoa, dâng cá lên thành hoàng làng nhưng vẫn là hát trữ tình, trao duyên. Lời hát tinh nghịch, tiết tấu nhanh, khỏe, động tác múa sinh động. “Cài huê mó cá” được coi là hình thức diễn xướng thiêng liêng trong tín ngưỡng phồn thực được diễn vào thời điểm gần sáng. Hết Xoan, tan hội, cụ từ vào đình làm lễ tạ thành. Hôm sau dân làng tiễn phường Xoan ra về và tặng các nông phẩm với tình cảm anh em chân thành, nồng ấm.

“Dân với họ, họ với dânHội đồng bia đá ở đời với nhauHội đã tan rồi nhưng nghĩa tình đôi bên càng thêm mặn nồng…”.

Kết nước nghĩa là một tập tục đặc sắc trong Di sản hát Xoan. Toàn tỉnh có 16 làng (thôn) với 18 di tích có tục lệ kết nước nghĩa với các phường Xoan. Tuy nhiên, trải qua thời gian và những ảnh hưởng của cuộc sống đời thường, tục lệ này hiện đã mai một, số làng còn duy trì không nhiều. Nhằm phục hồi lại các yếu tố văn hóa đã bị mai một trong diễn xướng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa hát Xoan một cách lâu dài, bền vững, Sở VH,TT&DL đã ban hành kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại hát Xoan, trong đó có nội dung khôi phục tục lệ hát Xoan kết nước nghĩa. Trước tiên là khôi phục tục kết nước nghĩa giữa phường Xoan An Thái và thôn Ngoại, xã Trưng Vương, TP Việt Trì. Mong rằng với sự quan tâm của các cấp, các ngành, các địa phương và của phường Xoan, những làn điệu Xoan sẽ luôn trường tồn, sống mãi với thời gian…

Vĩnh Hà

Vĩnh Hà