![]() |
PTO- Như bao nghề khác, nghề Báo cũng có đủ những “hy, nộ, ái, ố”. Nếu như nhà văn có thể “sống đời” chỉ với một cuốn sách hay thì với nhà báo lại đòi hỏi phải luôn có những bài báo hay, bài báo hôm nay phải hay hơn bài báo hôm qua để tên tuổi của mình không bị chìm vào quên lãng. Chỉ có người trong nghề mới thấu cảnh những đêm trăn trở, những ngày lang thang hoặc ngồi ngó mông lung chỉ để tìm cho ra một đề tài thú vị, hấp dẫn… Nhân dịp “sinh nhật ngành”, phóng viên Phú Thọ Cuối tuần đã có buổi trao đổi với nhà báo lão thành Nguyễn Đắc Sinh, Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Phú Thọ, Nguyên Tổng Biên tập Báo Phú Thọ, về những vui buồn của nghề báo – cái nghề mà ông đã gắn bó gần 50 năm qua, kể cả sau khi đã về nghỉ.
- Cháu chào bác. Gần chục năm nghỉ chế độ thì cũng từng ấy thời gian bác duy trì cộng tác thường xuyên với Báo Phú Thọ, nhất là với tờ Phú Thọ Cuối tuần. Điều đó cho thấy đam mê và nhiệt huyết làm nghề của bác không hề suy giảm sau cả quãng thời gian 40 năm công tác. Vậy nghề báo có phải là sự lựa chọn và niềm đam mê từ nhỏ của bác không ạ?
- Thật sự thì nghề báo không phải là sự lựa chọn đầu tiên của bác khi rời ghế trường phổ thông, nhưng nghề báo lại đến với bác như một cái "duyên". Năm 1969, khi mới nhập học Trường Đại học Bách Khoa, bác lại lựa chọn để trở thành sinh viên Báo chí khóa I của Trường Đại học Tuyên giáo. Rồi sau đó, trước yêu cầu cần có một đội ngũ phóng viên chiến trường nhằm phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang bước sang một giai đoạn mới, bác lại may mắn là một trong 53 sinh viên được lựa chọn vào lớp đào tạo phóng viên chiến trường. Trải qua khóa huấn luyện hơn một năm và nhất là 8 tháng đi thực tế ở chiến trường Quảng Trị đúng “mùa hè đỏ lửa” năm 1972 đã giúp bác nhận ra những ý nghĩa và giá trị thiêng liêng của nghề báo để ngày càng nuôi dưỡng niềm đam mê đối với nghề “tay bút, tay máy”.
Có thể nói trong suốt cuộc đời 40 năm làm báo của bác kể từ khi nhập học Trường Tuyên Giáo cho đến lúc về hưu năm 2009 thì không giai đoạn nào khó khăn, vất vả và nhiều hiểm nguy như thời kỳ làm phóng viên chiến trường. Không chỉ khó khăn trong đời sống sinh hoạt mà điều kiện làm nghề khi đó cũng thiếu thốn đủ bề. Tin bài thì phải đánh bằng máy thông tin liên lạc để truyền về; ảnh chuyển về bằng đường giao liên mất hàng tuần hay có khi cả tháng mới ra đến cơ quan, rồi thời tiết bất thường, điều kiện bảo quản không tốt phim chuyển ra đến nơi có khi cũng hỏng cả cuốn vậy là bao công lao của phóng viên đều “đổ sông, đổ bể”. Đó là chưa kể đến những hiểm nguy nơi hòn tên mũi đạn. Chỉ 8 tháng thực tập lớp của bác đã hy sinh 2 người. Còn cả cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng có khoảng hơn 400 nhà báo đã ngã xuống trên khắp các mặt trận. Điều đáng nói là tuy gian khổ, vất vả và hiểm nguy bủa vây như thế, nhưng các bác chưa một giây phút nào sờn lòng. Những nhà báo chiến trường vẫn dấn thân và sống hết mình với niềm đam mê của người chiến sỹ cầm bút. Đúng là nhờ có nhiệt huyết và niềm đam mê lớn lao đã giúp các bác vượt qua khó khăn, gian khổ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cho là: Thông tin chính xác, đầy đủ, toàn diện về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang bước vào giai đoạn cam go nhưng cũng nhiều cơ hội chiến thắng.
- Nghe bác kể cháu càng hiểu đã may mắn thế nào khi được làm nghề trong những điều kiện thuận lợi của ngày hôm nay. Tuy nhiên, những rủi ro, hiểm nguy thì vẫn còn nguyên đó nếu như không nói ở một mức độ ngày càng phức tạp hơn…
- Không phải tự nhiên người ta gọi nghề báo là nghề nguy hiểm. Nếu như ngày trước với các bác hiểm nguy chủ yếu chỉ rình rập nơi hòn tên mũi đạn của quân thù, còn với các cháu và những người làm báo hôm nay sự nguy hiểm tiềm ẩn mọi lúc, mọi nơi, trong mọi vấn đề: Từ những rủi ro trên các cung đường giao thông đến những vấn đề phóng viên đấu tranh phản ánh hay những cám dỗ đằng sau mỗi bài viết…
Trong cả nước đã ghi nhận rất nhiều câu chuyện phóng viên bị đe dọa, hành hung thậm chí là cả đổ máu vì đã dũng cảm đấu tranh phản ánh những vấn đề tiêu cực trong xã hội. Nhưng bên cạnh đó cũng có không ít những phóng viên lợi dụng chính những thông tin mà mình khai thác được để trục lợi. Nếu như các nhà báo cách mạng chân chính luôn chấp nhận nguy hiểm về phía cá nhân mình khi đấu tranh với những vấn đề tiêu cực nhằm góp phần xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh thì các nhà báo cơ hội lại vì lợi ích của cá nhân mình mà thỏa hiệp với tiêu cực, viết những điều sai trái làm nhiễu loạn thông tin, gây nguy hiểm cho cộng đồng xã hội. So với các hiểm nguy mà những nhà báo chân chính luôn phải đối mặt thì những vấn đề mà xã hội phải hứng chịu bởi những bài báo sai sự thật lại càng nguy hiểm hơn gấp bội. Vì thế cần phải loại bỏ ra khỏi đội ngũ những người làm báo thiếu đạo đức nghề nghiệp.
- Vâng. Lại nói về vấn đề đạo đức nghề nghiệp, bác nghĩ gì về khái niệm “đánh hội đồng” đang trở nên khá phổ biến trong nghề báo hôm nay?
- Không thể phủ nhận thực tế nhờ có sự “đồng thanh tương ứng” cùng một lúc của nhiều tờ báo đã giúp phát giác và xử lý thấu đáo nhiều vụ việc vốn được che giấu, bưng bít trước đó. Nhưng cũng không thiếu những trường hợp nhiều nhà báo, nhiều tòa báo cố tình đăng tải những thông tin không đầy đủ làm nhiễu loạn thông tin xã hội vì một mục đích nào đó. Trong nhiều trường hợp các nhà báo thậm chí không đi điều tra mà chỉ viết bài theo hồ sơ tài liệu được cung cấp sẵn. Từ những tài liệu đó ra đời những bài viết có thể không sai nhưng không đầy đủ thông tin, dẫn đến những nhận định phiến diện một chiều, thiếu chuẩn xác. Trong thời buổi bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay, khái niệm “đánh hội đồng” trong nghề báo đang trở nên ngày càng phổ biến, nhưng thật tiếc là nó lại được hiểu theo chiều hướng tiêu cực nhiều hơn.
- Cũng không hẳn “cuộc đánh” nào cũng là chủ ý của các nhà báo vì một mục đích nào đó. Có thể trong nhiều trường hợp phóng viên chỉ vì tin tưởng vào tài liệu được cung cấp rất cặn kẽ mà viết những bài mang tính chủ quan chứ ạ?.
- Đúng là như thế. Có thể trong nhiều trường hợp bản thân các phóng viên cũng bị lợi dụng cho mục đích của một nhóm đối tượng mà không biết, nhất là với các phóng viên trẻ đầy nhiệt huyết nhưng lại thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn sống và kỹ năng làm nghề. Chính điều đó đòi hỏi các phóng viên phải thường xuyên rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm, vốn sống; rèn luyện cả bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp để trở thành những nhà báo chân chính, nhạy bén và sâu sắc.
Cũng cần phải khẳng định để đội ngũ nhà báo cách mạng phát triển, kiên định với mục tiêu: Trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại, hết lòng phục vụ nhân dân vì một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh thì cần có sự định hướng chỉ đạo, sự quản lý chặt chẽ của cán bộ lãnh đạo cũng như của các cơ quan chủ quản. Tính chiến đấu của báo chí cần được phát huy nhưng không thể bị lợi dụng cho mục đích của những nhà báo cơ hội. Và chỉ khi các tòa báo quản lý tốt phóng viên của mình, quản lý tốt mặt báo của mình thì những sai phạm của các nhà báo mới được khắc chế.
- Rõ ràng việc rèn luyện bản lĩnh và đạo đức làm nghề là một yêu cầu quan trọng đối với các nhà báo nhưng không thể phủ nhận năng lực chuyên môn mới là tiêu chí hàng đầu để làm nên một nhà báo giỏi phải không ạ?
- Công việc nào cũng đòi hỏi người làm nghề phải có chuyên môn mới hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, nghề báo không phải ngoại lệ. Một nhà báo giỏi phải là người viết cái gì ra cái đấy, viết mạch lạc dễ hiểu; là người biết bao quát, tổng hợp… – những yêu cầu tưởng đơn giản nhưng không phải dễ thực hiện với tất cả các phóng viên. Để trở thành một nhà báo giỏi, bên cạnh việc rèn những kỹ năng viết, kỹ năng tư duy suy luận còn cần ở các nhà báo là kinh nghiệm và những kiến thức thực tế. Chỉ có sự trải nghiệm mới giúp các nhà báo trưởng thành. Nghề báo không chấp nhận sự lười biếng, cẩu thả, qua loa, đại khái và đặc biệt không được thiếu cái tâm trong sáng. Các nhà báo, nhất là các nhà báo trẻ hãy biết phát huy tính sôi nổi, sống với đam mê, nhiệt huyết và tự tích lũy kinh nghiệm sáng tác qua mỗi chuyến đi thực tế cơ sở. Đó sẽ là những hành trang vững chắc để các phóng viên trưởng thành là những nhà báo “bút sắc, lòng trong, tâm sáng” .
- Vâng. Trở thành những nhà báo “bút sắc, lòng trong, tâm sáng” luôn là tâm nguyện của mọi thế hệ các nhà báo suốt hơn 90 năm qua, trong đó có đội ngũ phóng viên Báo Phú Thọ qua các thời kỳ luôn phấn đấu và noi theo. Là thế hệ kế cận, chắc chắn đội ngũ phóng viên Báo Phú Thọ hôm nay sẽ kế thừa và phát huy tốt những thành quả mà các thế hệ cha anh, trong đó có cá nhân bác đã truyền lại cho chúng cháu. Sắp đến ngày 21-6 cũng xin được chúc bác mãi mạnh khỏe, hạnh phúc và tiếp tục cộng tác với Phú Thọ Cuối tuần. Xin cảm ơn bác về buổi trò chuyện hết sức cởi mở này
Kim Thư
(Thực hiện)