Nỗi niềm người nông dân trong vòng xoay “mặn - ngọt”
PTĐT- Đi dọc xứ bưng biền Đông Thái (An Biên, Kiên Giang), chúng tôi mới hiểu hết giá trị của hai chữ mặn-ngọt ...

Nỗi niềm người nông dântrong vòng xoay “mặn - ngọt”

Nông dân An Biên chuyển nhiều diện tích trồng lúa sang nuôi tôm.

PTĐT- Đi dọc xứ bưng biền Đông Thái (An Biên, Kiên Giang), chúng tôi mới hiểu hết giá trị của hai chữ mặn-ngọt và những mâu thuẫn trong đời sống của nông dân chung quanh hai từ "đối kháng" này. Không phải chờ đến đợt hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt kéo dài làm bao số phận ở vùng đồng bằng sông Cửu Long phải sống trong cảnh long đong như thời gian qua. Từ nhiều năm nay, cuộc "tranh hùng" giữa mặn và ngọt ấy đã "xoay" đời sống của người nông dân Đông Thái trên đất đồng thấm đẫm mồ hôi, gây nhiều tổn thất về kinh tế cho địa phương và ngay chính bản thân họ.

Những điều trái khoáy

"Thiệt là trái khoáy! Người làm lúa thì lo lắng khi ruộng đồng bị mặn xâm nhập, còn người nuôi tôm thì nhăm nhăm chờ nước mặn lên để bơm vào vuông tôm nhà mình. Ở quê tui bây giờ là vậy. Cuộc chiến "mặn-ngọt" trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Trong khi các vuông tôm nuôi đang cần nước mặn để sinh sản và phát triển thì hàng ngàn công lúa hè thu mỏi mòn vì đang bị mặn xâm nhập..." - ông Tám Lương, một lão nông mà chúng tôi có dịp gặp bên bờ kênh Nhị Tỳ, thuộc ấp Nam Quý, xã Đông Thái than thở.

Ông Tám Lương kể, ông đã sống ở vùng đất này từ nhỏ tới giờ nhưng chưa bao giờ gặp cảnh trớ trêu trên đồng đất quê hương như bây giờ. Chuyện là, cách đây ba năm, với quyết tâm tự xóa nghèo, khởi giàu cho chính mình, ông Tám Lương bàn với vợ con quyết tâm cải tạo đất đồng nhà mình để nuôi tôm. Thời gian ấy nuôi tôm rất kinh tế, mỗi vụ thu về từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng trên một hécta tôm nuôi là chuyện thường.

"Vì vậy, ở Đông Thái mới rộ "mốt" chuyển đổi đất trồng lúa sang nuôi tôm. Đến giờ, ở Đông Thái có hàng trăm hộ dân đầu tư nuôi tôm trên tổng diện tích hàng trăm hécta và gia đình tui là một trong số đó. Lứa đầu, tui lời 60 triệu đồng, một số tiền rất lớn đối với một nông dân quanh năm suốt tháng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Kể từ đó, tui bỗng dưng trở thành "tấm gương" cho nhiều nông dân nghèo từ bỏ cây lúa để chạy theo con tôm..." - ông Tám Lương trần tình.

Một nông dân khác là ông Ba Sáng, cùng có vuông tôm khá lớn kế bên thửa ruộng nuôi tôm của ông Tám Lương cho chúng tôi hay, nhà ông có truyền thống nhiều đời làm ruộng, nhưng cây lúa không cho gia đình ông cuộc sống đủ đầy. Bây giờ nhờ con tôm, gia đình ông mới "mở mặt". Ông Ba Sáng kể, cách đây hai năm, ông bàn với vợ con gom góp tiền bạc thuê máy ủi, chuyển 2 trong tổng số 7 công đất lúa của gia đình sang nuôi tôm. "Năm ngoái, nhà tui thu được hơn 50 triệu đồng từ tiền nuôi tôm để trả nợ cho những năm thất thu mùa lúa. Có lẽ, chẳng bao giờ tui quên được cái "mẹo" để được đào ao tôm trên đất lúa. Để tránh chủ đất ở cùng khu càm ràm, tui cố tình để nước mặn tràn vào ruộng lúa của mình, sau đó lẳng lặng chuyển sang nuôi tôm vì đất nhiễm mặn, không trồng được lúa" - ông Ba Sáng tiết lộ với chúng tôi.

Theo ông Ba Sáng, cây lúa không thay đổi được cuộc sống của gia đình, đó là lý do khiến rất nhiều hộ dân ở vùng An Biên rủ nhau xây mương đưa nước mặn vào đồng lúa nuôi tôm. Chính điều này đã tạo ra những điều trái khoáy, tỷ như cùng một cánh đồng, có người theo nghiệp lúa, còn người bên cạnh lại chọn nghiệp tôm. Ở thế cài răng lược như vậy, nước nhiễm mặn từ các đầm vuông nuôi tôm lan sang ruộng lúa làm cây lúa không sống nổi.

Bao giờ mặn-ngọt thôi "đánh nhau"?

"Chính quyền thì tốn công của để đắp đê ngăn mặn xổ phèn, nạo vét kênh dự trữ nước ngọt tưới cho đồng ruộng, còn người dân thì đang ngày đêm lấy cuốc đi đào. Ở những vùng đất không còn nước mặn, người nông dân cho khoan giếng ngầm đưa nước mặn lên. "Cuộc chiến" này đã gây tai họa cho nhiều nhà, khi xuống giống được mươi ngày tuổi, mạ đã chết sạch do nước mặn từ các đầm vuông nuôi tôm tràn vào..." - chị Hai Dung, chủ thửa ruộng có diện tích hơn 1,5 hécta hiện đang còn bỏ trống, chưa gieo sạ do nước nhiễm mặn, phàn nàn với chúng tôi, rồi tự đặt câu hỏi: Riêng ấp Nam Quý đã có hơn 300 công đất ruộng trồng lúa được "hô biến" thành vuông tôm, bất chấp sự phản đối của những người sống nhờ vào cây lúa. Cuộc chiến mặn-ngọt quyết liệt như thế này, đất đồng Nam Quý cứ lằng nhằng giữa con tôm và cây lúa không biết đến bao giờ mới chấm dứt?

Đem câu hỏi của chị Hai Dung đến gặp các nông dân bên "phe" làm lúa ở cánh đồng tứ giác nằm giữa kênh xáng Nhị Tì, kênh Xẻo Rô và kênh Ba Ngàn, chúng tôi nhận được thông tin khá "nóng" là năm nay, có nhiều vùng bị nhiễm mặn, khiến lúa không sống nổi do nhiều hộ tự ý chuyển đổi hàng nghìn công đất sang nuôi tôm. Tuy nhiên, không phải tất cả những người đưa nước mặn vào đồng ruộng nuôi tôm đều khấm khá. Đã có rất nhiều gia đình phá sản vì tôm chết do dịch bệnh, nhưng vì lợi ích trước mắt, người ta vẫn cứ lao theo nó.

"Điều đáng nói là ở Đông Thái, cách đây chưa lâu, UBND huyện An Biên đã tiến hành quy hoạch thí điểm một số khu vực chuyển đổi sang nuôi tôm, song do điều kiện hạ tầng, kênh mương thủy lợi không đảm bảo được nguồn nước phục vụ sản xuất nên huyện đã quyết định xóa quy hoạch vùng nuôi tôm. Nhưng bất chấp quy hoạch, nhiều người vẫn tự ý đào vuông, đưa nước mặn vào nuôi tôm" - bà Hai Mẫn, một chủ ruộng ở ấp Nam Quý bày tỏ bức xúc.

Có thể nói, ở vùng bưng biền Đông Thái, vấn đề mặn-ngọt đang là câu chuyện thời sự nóng bỏng. Trước tình hình này, UBND xã Đông Thái đã nhiều lần gửi công văn "kêu cứu" lên cấp trên đề nghị có giải pháp khắc phục tình trạng nước mặn xâm nhập gây thiệt hại đến cây lúa của bà con. Bởi, không chỉ xâm nhập mặn, vấn đề điều tiết nước mặn phục vụ cho việc chuyển đổi sản xuất từ trồng lúa sang nuôi tôm đang làm cho hàng ngàn công lúa bị ảnh hưởng.

Trong khi vùng trọng điểm U Minh Thượng, có huyện An Biên sản xuất nông nghiệp gần như phụ thuộc vào thiên nhiên, nông dân hoàn toàn bị động trong việc trồng lúa do hai cống thủy lợi quy mô lớn trên kênh Xẻo Rô và sông Cái Lớn chưa được đầu tư xây dựng. Mặt khác, 30 cống thủy lợi ngăn mặn, giữ ngọt trên tuyến đê biển An Biên - An Minh được đầu tư bằng nguồn vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu hàng năm, nhưng cho đến nay, mới chỉ triển khai được 6 cống. Do hệ thống ngăn mặn không bảo đảm nên khu vực sản xuất lúa trọng điểm luôn bị xâm nhập mặn kéo dài.

Để chấm dứt tình trạng này, theo các nông dân dạn dày kinh nghiệm đồng áng như Tám Lương, Ba Sáng, Hai Dung, nhất thiết phải sớm xây dựng hệ thống thủy lợi phân ranh mặn-ngọt dọc theo tuyến kênh Xẻo Rô và sông Cái Lớn. "Nghe phong thanh, sắp tới, để đáp ứng mục tiêu kiểm soát mặn, đồng thời giải quyết dứt điểm tranh chấp giữa người trồng lúa và người nuôi tôm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang sẽ có hướng đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống các công trình thủy lợi và đê biển ở vùng sản xuất trọng điểm U Minh Thượng. Đồng thời, rà soát lại quy hoạch sản xuất ở vùng này, nhất là những khu vực tranh chấp giữa trồng lúa và nuôi tôm như xã Đông Thái. Tiểu vùng nào có đủ điều kiện sản xuất luân canh lúa-tôm, nông dân đồng thuận thì chuyển đổi sang sản xuất lúa-tôm. Làm được như vậy thì nông dân tụi tui yên tâm quá..." - lão nông Tám Lương chia sẻ với chúng tôi thay lời chia tay.

Bình An - Nguyễn Long

Bình An - Nguyễn Long