Yên Lập: Nỗ lực trong chuyển giao KHKT cho nông dân
PTO-Khắc phục những khó khăn do địa bàn, thời tiết, khí hậu và thổ nhưỡngtrong sản xuất nông lâm nghiệp, Trạm khuyến nông Yên Lập đã hình thànhcác bộ phận làm việc theo sự chỉ đạo sát với tình hình thực tế của đơnvị, điều kiện sản xuất của địa phương...

Yên Lập: Nỗ lực trong chuyển giao KHKT cho nông dân

PTO- Khắc phục những khó khăn do địa bàn, thời tiết, khí hậu và thổ nhưỡng trong sản xuất nông lâm nghiệp, Trạm khuyến nông Yên Lập đã hình thành các bộ phận làm việc theo sự chỉ đạo sát với tình hình thực tế của đơn vị, điều kiện sản xuất của địa phương, đồng thời phân công, giao trách nhiệm cho từng cán bộ phụ trách từng lĩnh vực cụ thể. Đặc biệt là bộ phận chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, bộ phận thông tin tuyên truyền và bộ phận phụ trách cụm xã. Trạm yêu cầu các bộ phận phải phối hợp tìm các biện pháp tuyên truyền để khuyến cáo cho người sản xuất nắm được cách thức, quy trình trồng nuôi các loại cây con giống mới cho năng suất, giá trị cao; đối với người nông dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao, đồng ruộng manh mún, giao thông đi lại khó khăn, họ tiếp cận các quy trình KHKT khó khăn hơn thì trạm tăng cường thêm những cán bộ có năng lực, tâm huýêt, tận tụy với nghề về các địa phương đó để tạo điều kiện, giúp nông dân sản xuất. Trong công tác tổ chức, chỉ đạo, trạm thực hiện nghiêm chế độ họp giao ban hàng tháng với cộng tác viên khuyến nông và tổ khuyến nông cơ sở để nắm bắt tình hình sản xuất trên địa bàn; tuyên truyền cập nhật trên hệ thống phát thanh của địa phương, yêu cầu nông dân thực hiện đúng cơ cấu giống thời vụ và các biện pháp chăm sóc, phòng chống dịch bệnh; Tận dụng nguồn kinh phí của các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương để mở các lớp tập huấn, đồng thời lên kế hoạch hỗ trợ kinh phí cho các mô hình trình diễn : Chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, thủy sản…, chủ động hợp đồng với các công ty giống cây trồng để cung ứng đủ giống cho nông dân sản xuất…

Từ những hoạt động trong việc chuyển giao cho người sản xuất. Từ đầu năm 2008 đến nay, nông dân Yên Lập đã thực hiện chương trình an ninh lương thực gieo cấy được trên 6 ngàn ha diện tích trồng lúa, ngô, lạc, đậu tương, trong đó diện tích lúa lai đạt 100% kế hoạch đặt ra, trồng khảo nghiệm được 12 sào giống lúa Thiên nguyên ưu 9, cho năng suất 200kg/sào và Cyn 6: 180kg/sào; mô hình trình diễn Nghi hương 2308 tại xã Đồng Thịnh cho năng suất 220kg/sào, mô hình thâm canh tổng hợp tại xã Mỹ Lung,Nga Hoàng và Xuân An với các giống Nhi Hương 2308 và Nhị ưu số 7 trồng ở vụ xuân 2008 trên diện tích 12 sào, được đánh giá là loại lúa sinh trưởng, phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, tăng số dảnh hữu hiệu trên khóm, hạn chế một số loại sâu bệnh hại: khô vằn, rầy, đục thân… năng suất tại Mỹ Lung đạt 60,94 tạ/ha, Xuân An 49,86 tạ/ha; mô hình trình diễn ngô NK66 diện tích 6 sào và mô hình khảo nghiệm tại xã Mỹ Lung, dự kiến năng suất đạt trên 60 tạ/ ha, mô hình trồng đậu tương diện tích 5 ha, dự kiến năng suất 13,85 tạ/ha, mô hình sản xuất lúa nếp gà gáy vụ mùa năm 2008, diện tích 32,3 ha tai các xã Mỹ Lung, Mỹ Lương, Lương Sơn, Ngọc Lập; mô hình sản xuất lúa chất lượng cao Hương thơm số 1 tại Mỹ Lương 5 ha, hiện nay lúa đang phát triển tốt... Các mô hình trồng khảo nghiệm và trình diễn các giống mới sẽ được đưa vào áp dụng và nhân rộng diện tích ở một số nơi. Trong sản xuất lâm nghiệp, bà con nông dân ở một số xã đã phá bỏ những diện tích cây kém hiệu quả để trồng 80 ha cây keo, hiện cây đang sinh trưởng tốt. Chương trình nuôi thủy sản giống mới thuộc dự án 135 đã được tích cực triển khai tới các hộ nông dân, mức hỗ trợ về con giống, thức ăn, thuốc phòng bệnh cấp đúng, cấp đủ. Mô hình nuôi 5 ngàn cá giống rô phi đơn tính tại xã Đồng Thịnh, 24 ngàn con tôm càng xanh tại xã Ngọc Lập và gần 1 ha nuôi trắm, mè,chép lai… tại Mỹ Lương, Minh Hòa, Ngọc Lập đã được chuyển giao kỹ thuật và thực hiện nuôi. Chương trình cải tạo đàn lợn hướng nạc và phát triển đàn bò thực hiện có hiệu quả, hiện tại tổng đàn lợn nái lên đến gần 6 ngàn con, trong đó lợn nái Móng Cái 3 ngàn con, lợn nái F1 1.300 con, lợn con F1,F2 sinh ra trong 6 tháng đầu năm: 40.590 con, tăng 123 % so với cùng kỳ. Tổng đàn bò nái tính đến 30/5 là 3.359 bằng 104 % so cùng kỳ, trong đó phối bò đực giống 3/4 máu Sind 350 con.

Việc thực hiện chuyển giao KHKT đến với người nông dân ở vùng cao, khó khăn trong nhiều năm qua đã đạt được những kết quả tốt, đặc biệt trong chương trình an ninh lương thực, các giống lúa cho năng suất cao đã giúp người nông dân thoát khỏi mùa đói giáp hạt, các kiến thức về chăn nuôi được tiếp cận qua chuyển giao kỹ thuật, cách chăm sóc, phòng, chữa bệnh đã làm cho người nông dân có thêm nguồn thu nhập; những đồng, rộc, đồi, núi bỏ hoang trước đây của các xã vùng núi cao đã được các cán bộ khuyến nông hướng dẫn trồng các loại cây ăn quả, cây có giá trị; các chương trình trong dự án xoá đói giảm nghèo, chương trình 135, dự án WB đựơc một số đơn vị phối hợp, hợp đồng, giao cho Trạm thực hiện, các cán bộ làm công tác khuyến nông đã không quản đường xá khó khăn, đã tận tâm với nghề để giúp cho ngươì nông dân biết cách thức sản xuất, làm thay đổi được tập quán làm ăn, đặc biệt số hộ nghèo, đói giảm đáng kể, một số hộ đã vươn lên có của ăn, của để... Tuy nhiên, điều kiện, cuộc sống của nông dân miền núi Yên Lập còn gặp nhiều khó khăn, để giúp người nông dân sản xuất có hiệu quả hơn nữa,xoá được đói nghèo, cải thiện cuộc sống, vươn lên khá giả một cách bền vững. Thiết nghĩ các chính sách ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước đối với người nông dân ngày càng được quan tâm hơn, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng ATK và các ngành chức năng cần có nhiều giải pháp đầu tư về nguồn nhân lực và các cơ chế chính sách cho cán bộ ngành khuyến nông vùng núi.

Thu Trang