Ngày nay, trước xu thế toàn cầu hoá kinh tế và văn hoá, cải cách hành chính là một nhu cầu tất yếu của hầu hết các quốc gia trên thế giới, nhằm xây dựng một nền hành chính nhà nước hiện đại, năng động, hiệu quả, giảm phiền hà, một nền hành chính lấy đối tượng phục vụ làm tôn chỉ, mục đích chủ yếu, để từ đó xây dựng, phát triển và hoàn thiện nền hành chính.
Cải cách hành chính là một trong bốn khâu đột phá được tỉnh Phú Thọ triển khai thực hiện thông qua Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII giai đoạn 2016-2020. Đây được xem như là một chiến lược, trọng tâm, thường xuyên và có tính quyết định trong thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện giao dịch hành chính với cơ quan Nhà nước. Đến năm 2020, 100% thủ tục hành chính có liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp được đưa vào giải quyết theo cơ chế một cửa; thực hiện nghiêm việc rà soát thủ tục hành chính, cắt giảm thời hạn và quy trình giải quyết thủ tục hành chính đối với nhiều lĩnh vực. Đầu tư xây dựng Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại tại 100% UBND cấp huyện. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan hành chính Nhà nước từ tỉnh đến cơ sở, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức các sở, ban, ngành và đơn vị sự nghiệp công lập được triển khai tích cực theo hướng giảm đầu mối, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh là đầu mối tập trung tiếp nhận, đôn đốc, giám sát việc giải quyết và trả kết quả giải quyết TTHC liên quan đến tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Ảnh: Anh Tú
Hằng năm, UBND tỉnh triển khai thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động đối với 20 sở, ban, ngành, 13 Ủy ban nhân dân cấp huyện, 5 đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh và 8 cơ quan trung ương tổ chức theo ngành dọc. Đánh giá, xác định Chỉ số cải cách hành chính đối với 20 sở, ban, ngành và 13 UBND huyện, thành, thị. Từ đó nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính và hiệu quả của công tác cải cách hành chính của tỉnh.
Theo Cục thống kê, Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh tăng đều qua các năm, trong đó năm 2019 xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố; năm 2020 tăng vượt bậc xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố; năm 2021, Chỉ số PAR Index xếp thứ 9/63, tăng 01 bậc so với năm 2020; năm 2022, chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) tăng xếp thứ 6/63 (tăng 3 bậc so với năm 2021). Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố (tăng 3 bậc so với năm 2016); năm 2021, Chỉ số PCI xếp thứ 20/63 (tăng 6 bậc so với năm 2019), đứng đầu khu vực miền núi phía Bắc. Năm 2022, chỉ số CPI của Phú Thọ đạt 66.30 điểm - số điểm cao nhất từ trước đến nay, xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đối với các chỉ số thành phần, so với năm 2021, Phú Thọ tăng điểm ở 6 chỉ số thành phần: Tiếp cận đất đai (đạt 7.25 điểm, tăng 0.24 điểm); Chi phí không chính thức (đạt 6.54 điểm, tăng 0.09 điểm); Cạnh tranh bình đẳng (đạt 5.28 điểm, tăng 0.34 điểm); Tính năng động (đạt 7.26 điểm, tăng 0.08); Đào tạo lao động (Đạt 6.53 điểm, tăng 0,32 điểm); Thiết chế pháp lý (đạt 7.51 điểm; tăng 0.49 điểm).
Bên cạnh đó, các địa phương còn tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại cộng đồng dân cư, đảm bảo người dân hiểu biết và thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến đời sống; nâng cao ý thức về quyền lợi, nghĩa vụ trong việc tham gia vào đời sống chính trị tại cơ sở, cùng tham gia vào phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan hành chính Nhà nước.
Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, theo công bố của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP), Chỉ số chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2021 tỉnh đã tăng 32 bậc so với năm 2020, xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố. Thứ hạng được cải thiện rõ rệt đã thể hiện nỗ lực của lãnh đạo tỉnh, các cấp, các ngành trong chỉ đạo, điều hành, sự hài lòng của người dân đối với chính quyền. Trong số 8 chỉ số nội dung được đánh giá, đã có năm chỉ số có điểm thuộc nhóm cao nhất là: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở (5,54 điểm); công khai, minh bạch (5,84 điểm); trách nhiệm giải trình với người dân (4,47 điểm); kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (7,48 điểm); thủ tục hành chính công (7,39 điểm). Năm 2022, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) đứng thứ 10/61 tỉnh, thành phố (bị tụt 4 bậc so với năm 2021). Đây cũng là vấn đề cần được quan tâm giải quyết trong thời gian tới để cải thiện tốc độ phát triển của hiệu quả quản trị và hành chính công so với các địa phương khác trong cả nước.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Tam Nông thực hiện các thủ tục hành chính cho người dân.
Trong thời gian tới, để Cải cách hành chính - khâu đột phá để phát triển kinh tế nhanh, bền vững, các cơ quan hành chính Nhà nước cần thực hiện đồng bộ các nội dung về cải cách hành chính theo Kế hoạch số 1782 của UBND tỉnh về cải cách hành chính nhà nước tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025, như: Tiến hành rà soát các văn bản do chính quyền các cấp ban hành nhằm phát hiện những văn bản không đảm bảo yêu cầu, lạc hậu, không còn phù hợp với tình hình thực tế để kịp thời khắc phục. Việc ban hành văn bản liên quan đến người dân cần phải tổ chức lấy ý kiến của nhân dân. Cải cách thủ tục hành chính giữa các cơ quan hành chính nhà nước, các ngành, các cấp và trong nội bộ từng cơ quan hành chính nhà nước; nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, giải phóng mọi nguồn lực của xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo điều kiện cho nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững. Đồng thời, xây dựng, quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo đồng bộ với các quy định của Đảng về công tác cán bộ; Bố trí, sắp xếp công chức, viên chức theo đúng vị trí việc làm. Tập trung xây dựng chính quyền điện tử hoạt động hiệu quả, đồng bộ, liên thông, thống nhất 4 cấp.
Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính của tỉnh sẽ từng bước nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, nâng cao uy tín vị thế của tỉnh trong cả nước; đồng thời sẽ góp phần và tạo cơ sở để tỉnh Phú Thọ thực hiện thành công khâu đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, góp phần xây dựng tỉnh Phú Thọ trở thành một trong những tỉnh phát triển hàng đầu khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.
Nguyễn Việt Hà