Phát triển Đảng trong đoàn viên thanh niên nông thôn: Rễ chưa sâu nên gốc khó bền
PTO- Chiếm 38,9% tổng số đoàn viên toàn tỉnh, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) khối nông thôn là lực lượng xung kích trên mặt trận phát triển kinh tế xã hội và là nòng cốt trong công tác phát triển Đảng...

Phát triển Đảng trong đoàn viên thanh niên nông thôn: Rễ chưa sâu nên gốc khó bền

PTO- Chiếm 38,9% tổng số đoàn viên toàn tỉnh, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) khối nông thôn là lực lượng xung kích trên mặt trận phát triển kinh tế xã hội và là nòng cốt trong công tác phát triển Đảng tại các chi bộ nông thôn. Tuy nhiên có một thực tế là hầu hết các chi bộ nông thôn trên địa bàn tỉnh, số đảng viên trong độ tuổi ĐVTN khá khiêm tốn. Phải chăng ĐVTN khối nông thôn hiện nay mới chỉ quan tâm đến việc xung kích phát triển kinh tế mà thiếu nhiệt huyết phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng hay do hoạt động của các cơ sở đoàn khối nông thôn đơn điệu khiến ĐVTN không mặn mà với tổ chức?

Tổ chức đoàn thanh niên cần duy trì các hoạt động tình nghuyện nhằm phát huy tinh thần xung kích, tạo điều kiện để ĐVTN khẳng định vai trò của mình.

- ĐVTN huyện Hạ Hòa phối hợp với sinh viên tình nguyện vệ sinh đường làng ngõ xóm.

Số lượng đông, tỷ lệ thấp

Xác định công tác phát triển đảng viên trong lực lượng ĐVTN đóng vai trò quan trọng nhằm trẻ hoá đội ngũ cán bộ, đảm bảo sự kế thừa và phát triển của Đảng, đồng thời củng cố cho sự phát triển vững chắc của tổ chức Đoàn, những năm qua, Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo đoàn cơ sở lựa chọn giới thiệu những đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp và ngày càng có nhiều đảng viên trong độ tuổi thanh niên đứng trong hàng ngũ của Đảng. Theo số liệu của Ban tổ chức Tỉnh ủy, năm 2015, toàn tỉnh kết nạp được 3099 đảng viên trong đó đảng viên trong độ tuổi đoàn là 2334 người chiếm 75,3%. 9 tháng đầu năm nay có 1856 đoàn viên ưu tú vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng chiếm 78% tổng số đảng viên mới. Như vậy có thể khẳng định, số lượng đoàn viên được đứng trong hàng ngũ của đảng tương đối lớn. Tuy nhiên, công tác phát triển Đảng trong ĐVTN diễn ra không đều ở các khu vực, vùng miền, đối tượng. ĐVTN trong lực lượng vũ trang, doanh nghiệp nhà nước, cơ quan hành chính sự nghiệp có số lượng đoàn viên ưu tú được kết nạp Đảng cao. Ngược lại, phát triển Đảng trong thanh niên nông thôn chưa nhiều. Vậy nguyên nhân vì sao ĐVTN nông thôn “vắng bóng” trong tổ chức Đảng?

Theo số liệu của Tỉnh đoàn, toàn tỉnh hiện có gần 250 ngàn thanh niên trong độ tuổi trong đó có 160.782 ĐVTN được tập hợp vào tổ chức và đang sinh hoạt tại 691 tổ chức cơ sở đoàn trong tổng số 21 đơn vị huyện, thành thị, trong đó ĐVTN khối nông thôn chiếm 38,9% tổng số ĐVTN toàn tỉnh. Ông Phạm Tiến Đạt, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết: ĐVTN khối nông thôn là lực lượng lớn có vai trò xung kích trong phát triển kinh tế, xã hội, là đội hậu bị của các chi bộ nông thôn. Tuy nhiên công tác phát triển đảng trong ĐVTN khối nông thôn hiện nay đang gặp phải không ít khó khăn bởi ở một số nơi chi đoàn có tổ chức nhưng hoạt động không thường xuyên, công tác bồi dưỡng đoàn viên ưu tú cho tổ chức chỉ mới tập trung kết nạp đảng viên đến cán bộ chủ chốt mà chưa chú ý đến đối tượng ĐVTN tích cực. Mặt khác nhiều đoàn viên được kết nạp đảng chưa phát huy được vai trò tiên phong nên ảnh hưởng đến việc vận động ĐVTN vào tổ chức đảng.

Qua tìm hiểu thực tế tại một số địa phương như Thanh Ba, Hạ Hòa, Phù Ninh, Đoan Hùng, Thanh Thủy…chúng tôi được biết tình trạng làng quê vắng bóng thanh niên khá phổ biến. Nguyên nhân do một bộ phận lớn học sinh sau khi tốt nghiệp THPT tiếp tục thi và học tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học, hoặc đi học nghề, số khác đi làm ăn ở xa ít khi ở địa phương hoặc thực hiện nghĩa vụ quân sự. Một số ít thanh niên tham gia phát triển kinh tế tại địa phương dưới các hình thức kinh tế hộ gia đình thì chủ yếu tập trung vào làm kinh tế. Còn một lực lượng ĐVTN làm việc tại các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh nên việc bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho tổ chức Đảng gặp không ít khó khăn. Ông Lại Tiến Thịnh, Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Những năm gần đây, số lượng đoàn viên ưu tú được kết nạp đảng khá đông, chiếm hơn 75% tổng số đảng viên được kết nạp, tuy nhiên số ĐVTN khối nông thôn được đứng trong hàng ngũ của Đảng không nhiều. Đây là vấn đề cần phải được tháo gỡ bởi số lượng ĐVTN khối nông thôn chỉ đứng sau đoàn viên khối trường học .

Chiếm một tỷ lệ lớn trong cơ cấu dân số là lực lượng ĐVTN nông thôn, tổ chức đoàn lại được phát triển rộng đến tận khu dân cư tuy nhiên do ĐVTN thường xuyên vắng nhà nên hoạt động đoàn ở khu dân cư khối nông nghiệp kém hiệu quả. Ở một số chi đoàn nông thôn, tổ chức đoàn có nhưng hầu như ít hoạt động bởi không có đoàn viên. Bí thư đoàn xã Lương Lỗ huyện Thanh Ba Đỗ Vi Ba cho biết: Toàn xã có 1297 ĐVTN sinh hoạt ở 15 chi đoàn. Hiện tại chỉ có 168 ĐVTN ở tại địa phương còn đi học và làm ăn xa. Số ĐVTN bám trụ địa phương phần lớn làm việc tại các khu cụm công nghiệp trên địa bàn huyện nên việc sinh hoạt đoàn cũng gặp phải không ít khó khăn.

Thiếu vắng ĐVTN nên việc sinh hoạt đoàn ở các chi đoàn nông thôn phải chuyển từ hình thức sinh hoạt định kỳ theo thời gian sang sinh hoạt theo mùa vụ. Theo khảo sát của Tỉnh đoàn, toàn tỉnh hiện có 1806 khu dân cư có trên 10 đoàn viên sinh hoạt tại các chi đoàn còn lại chủ yếu là 3, 4,5 đoàn viên. Do ĐVTN “ly hương” tìm việc làm nên hoạt động đoàn tại các chi đoàn nông thôn hiệu quả không cao. Nhiều chi đoàn hầu như không hoạt động, tính xung kích của các chi đoàn này “chuyển” sang cho khối mặt trận và đoàn thể khác. Vì thế nên dù được coi đội hậu bị của Đảng nhưng ĐVTN khối nông thôn không phát huy được tính xung kích, việc tạo nguồn giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng hạn chế. Ông Đinh Kỳ Thi, Bí thư Đảng bộ xã Yên Sơn huyện Thanh Sơn cho biết: Toàn xã có 521 ĐVTN, đây là lực lượng nòng cốt của Đảng nhưng do trình độ ĐVTN hạn chế, ĐVTN đi làm ăn xa, ĐVTN không có ý thức phấn đấu vào tổ chức Đảng nên công tác phát triển đảng trong ĐVTN khối nông thôn không đạt theo yêu cầu, nhiều chi bộ không có nguồn thanh niên để bồi dưỡng kết nạp Đảng.

Có lực lượng đông, nhưng hoạt động của các chi đoàn khối nông thôn chưa thu hút được ĐVTN gắn bó với tổ chức đoàn dẫn đến tình trạng đội hậu bị của các chi bộ đảng khối nông thôn dù có đông nhưng “rễ chưa sâu nên gốc khó bền” nên tỷ lệ ĐVTN được kết nạp Đảng chưa tương xứng .

Gỡ những rào cản

Trưởng thành từ đoàn cơ sở, Bí thư Đảng ủy xã Đỗ Xuyên huyện Thanh Ba Nguyễn Đức Lân trầm tư khi nói về tính xung kích của thanh niên hiện nay: Thời chúng tôi, đoàn thực sự là cánh tay đắc lực của Đảng, việc gì khó thanh niên đều gánh vác hết. Nhưng giờ thì thanh niên mải lo phát triển kinh tế gia đình không quan tâm nhiều đến các vấn đề xã hội, ngại khó, ngại khổ và thiếu ý thức giác ngộ cách mạng, không thích tham gia sinh hoạt. Mặt khác nhiều đoàn viên ưu tú sau khi kết nạp đảng được phân công nhiệm vụ lại thoái thác, nhiều đảng viên xin miễn sinh hoạt để đi làm ăn…cũng là rào cản, làm cho ĐVTN “ngại” phấn đấu.

Nguyên nhân dẫn đến việc tỷ lệ ĐVTN khối nông nghiệp khó đứng trong hàng ngũ của Đảng chưa cao như thực tế là do sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, điều kiện sinh hoạt và tâm lý phải học lên cao đã tác động nhiều mặt đến thanh niên và hoạt động đoàn ở khu vực nông thôn. Ông Nguyễn Kim Hải, Trưởng Ban Tổ chức huyện ủy Thanh Ba cho biết: Nguồn phát triển đảng viên trẻ của huyện chủ yếu là lực lượng ĐVTN trong khối các đơn vị hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang. ĐVTN khối nông nghiệp có nguồn nhưng “phập phù” vì thế số lượng ĐVTN khối nông thôn dù có đông nhưng tỷ lệ kết nạp đảng thấp. Trên thực tế, số thanh niên trong độ tuổi lao động đủ tiêu chuẩn để đưa vào nguồn, tạo điều kiện, giúp đỡ phát triển Đảng rất hiếm. Thêm vào đó, đa số các đảng bộ xã, thị trấn đều đưa ra chỉ tiêu kết nạp Đảng hàng năm nhưng chưa xây dựng nghị quyết chuyên đề riêng về phát triển đảng viên, chưa đưa ra được các tiêu chí cụ thể đối với thanh niên để phấn đấu vào Đảng.

Những hạn chế về số lượng phát triển đảng viên trong ĐVTN nông thôn đang cho thấy thực tế, một số cấp ủy đảng cơ sở vẫn chưa thật sự quan tâm công tác đoàn và phong trào thanh niên. Các cấp bộ đoàn cũng chưa thể hiện rõ vai trò của mình trong tập hợp, giáo dục thanh niên bằng các phương thức hiệu quả nên hoạt động hạn chế cả bề rộng lẫn chiều sâu. Do đó, công tác tạo nguồn, bồi dưỡng đối tượng Đảng là ĐVTN nông thôn chưa chuyển biến, có tình trạng giới thiệu đoàn viên ưu tú xong coi là hết trách nhiệm.

Để làm tốt công tác phát triển đảng trong ĐVTN nông thôn theo ông Lại Tiến Thịnh, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy trước hết phải có sự phối hợp, cộng đồng trách nhiệm từ hai phía: Tổ chức cơ sở đảng (trực tiếp là các chi bộ); tổ chức cơ sở đoàn và bản thân mỗi ĐVTN. Cần thấy rằng sự quan tâm, lãnh đạo của cấp ủy đảng; chất lượng hoạt động của tổ chức đoàn và ý thức tự giác của mỗi ĐVTN là những yếu tố cơ bản quyết định hiệu quả công tác phát triển Đảng trong ĐVTN, nhất là thanh niên trực tiếp lao động, sản xuất ở khu vực nông thôn. Ngoài ra cần nâng cao ý thức giác ngộ của ĐVTN để ngày càng có nhiều ĐVTN nông thôn được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Mặt khác tổ chức cơ sở đảng và tổ chức cơ sở đoàn cần coi trọng giúp đảng viên trẻ có cơ hội được cống hiến và đóng góp cho phong trào chung ở cơ sở. Các cấp ủy đảng cần lãnh đạo tốt việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, có cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn hoạt động có hiệu quả; mở rộng ngành, nghề để tạo việc làm tại chỗ cho thanh niên. Chú trọng đến việc quy hoạch, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ trẻ, phát huy được tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của thanh niên. Cần phải đưa chỉ tiêu phát triển đảng viên trẻ là thanh niên trực tiếp lao động ở nông thôn vào nghị quyết của các cấp ủy, đồng thời phát huy trách nhiệm cụ thể của cấp ủy, đoàn thể, đảng viên đối với công tác này.

Tổ chức Đoàn thanh niên cần phải có những giải pháp nhằm đổi mới việc sinh hoạt chi đoàn để thu hút, tập hợp ĐVTN vào tổ chức, cũng như tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho ĐVTN để có hướng phấn đấu trở thành đảng viên. Hiện nay Tỉnh đoàn cũng đang tích cực triển khai kế hoạch củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức đoàn cơ sở trên địa bàn dân cư, trong đó tập trung vào nhóm giải pháp: Củng cố về công tác đoàn viên (quan tâm đến công tác phát triển đoàn viên song song với việc quản lý đoàn viên, thực hiện việc tổ chức cho đoàn viên học tập, công tác tại các cơ quan, tổ chức sinh hoạt đoàn tại nơi cư trú theo quy định Điều lệ Đoàn); củng cố về tổ chức của đoàn cơ sở (nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đoàn cơ sở, đổi mới nội dung, phương thức tổ chức hoạt động); cải tiến chất lượng sinh hoạt chi đoàn hàng tháng. Trong quá trình tổ chức sinh hoạt cần đa dạng hóa về nội dung, chủ đề sinh hoạt phù hợp với tâm lý của ĐVTN hiện nay. Bên cạnh đó, nội dung cuộc vận động “ĐVTN phấn đấu trở thành đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam” cũng cần được các cấp bộ đoàn quan tâm thường xuyên, gắn với các phong trào thi đua, hoạt động thực tiễn để phát hiện, lựa chọn, bồi dưỡng, tạo nguồn đoàn viên ưu tú có chất lượng cho Đảng xem xét kết nạp.

Phát triển đảng viên trẻ là nhiệm vụ thường xuyên, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Vì vậy, để thực hiện có hiệu quả công tác này, đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền phải có nhiều giải pháp. Tuy vậy, việc lựa chọn những quần chúng ưu tú cho Đảng cũng cần được các chi bộ quan tâm đúng mức, có những cách làm phù hợp tránh không vì chạy theo chỉ tiêu, thành tích mà dễ dãi khi chọn người kết nạp.

Lê Thương- Thu Hà