Vững tin tiếp nối truyền thống hào hùng
baophutho.vn Tròn bảy thập niên trước, ngày 15 tháng 3 năm 1953 tại Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 147/SL đặt Phòng Điện- Nhiếp ảnh trong Nha Tuyên truyền văn nghệ thành “Doanh nghiệp quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam”, chính thức khai sinh ra nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Phú Thọ vinh dự là một trong số những tỉnh sớm nhất được Trung ương ra Quyết định thành lập Đội chiếu bóng số 20 từ tháng 11 năm 1953. Xuyên suốt 70 năm với nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, điện ảnh Phú Thọ đã viết nên những trang vàng truyền thống hào hùng, luôn làm tròn nhiệm vụ phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, đóng góp tích cực vào công cuộc chiến đấu, bảo vệ đất nước, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện ảnh cách mạng Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2023) và 70 năm Điện ảnh Phú Thọ

Vững tin tiếp nối truyền thống hào hùng

Tròn bảy thập niên trước, ngày 15 tháng 3 năm 1953 tại Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 147/SL đặt Phòng Điện- Nhiếp ảnh trong Nha Tuyên truyền văn nghệ thành “Doanh nghiệp quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam”, chính thức khai sinh ra nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Phú Thọ vinh dự là một trong số những tỉnh sớm nhất được Trung ương ra Quyết định thành lập Đội chiếu bóng số 20 từ tháng 11 năm 1953. Xuyên suốt 70 năm với nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, điện ảnh Phú Thọ đã viết nên những trang vàng truyền thống hào hùng, luôn làm tròn nhiệm vụ phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, đóng góp tích cực vào công cuộc chiến đấu, bảo vệ đất nước, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Vững tin tiếp nối truyền thống hào hùng

Chiếu bóng lưu động phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao.

Trước cách mạng tháng Tám, cả tỉnh Phú Thọ chỉ có duy nhất một rạp chiếu bóng với 200 ghế ngồi do người Pháp quản lý. Đối tượng phục vụ là giới công chức và quân đội viễn chinh Pháp. Chính quyền về tay nhân dân, ngay trong giai đoạn khó khăn, ác liệt của cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược, mặc dù cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện vận chuyển còn hết sức thô sơ, lạc hậu, nhưng Đội chiếu bóng số 20 đã kịp thời chuyển tải những thước phim nóng bỏng tính chiến đấu, động viên quân và dân ta anh dũng lập công giết giặc.

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Thực dân, Đế quốc và chiến tranh biên giới, đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các đội chiếu phim lưu động, các rạp chiếu phim với hàng trăm CBCNV đã không quản hy sinh gian khổ trong “mưa bom, bão đạn” để phục vụ chiến đấu và phục vụ sản xuất; hàng vạn buổi chiếu phim đã được tổ chức phục vụ quân và dân trong tỉnh; nỗ lực về vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để mang phim ảnh, tiếng nói của Đảng, ánh sáng văn minh đến các bản làng.

Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước độc lập, thống nhất, thực hiện Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy về công tác văn hóa thông tin, trong đó ưu tiên phát triển hoạt động chiếu bóng. Nhờ đó, chiếu bóng Phú Thọ đã có những bước tiến nhanh chóng, phát triển vượt bậc. Được đánh giá là thời kỳ hưng thịnh nhất của ngành Điện ảnh tỉnh, trong giai đoạn 1976-1985, toàn tỉnh có 10 rạp chiếu bóng, 30 đội chiếu bóng lưu động và một bãi chiếu phim cố định với đội ngũ 400 cán bộ công nhân viên. Hoạt động chiếu bóng thời kỳ này đã hoàn thành xuất sắc góp phần thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược “Xây dụng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”. Trong thời điểm chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc diễn ra ác liệt, Đội chiếu bóng đặc biệt mang tên “Đội thanh niên xung kích” đã lên biên giới phục vụ hàng vạn quân và dân trên tuyến đầu chống quân xâm lược suốt 32 ngày đêm năm 1979 được UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Bước sang giai đoạn 1986- 1996, với tên gọi “Công ty Phát hành phim và Chiếu bóng Vĩnh Phú”, “Công ty điện ảnh- băng hình Vĩnh Phú” đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi nạn “Video đen” tràn lan, trong khi nguồn phim, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, xuống cấp, lạc hậu không đủ phục vụ nhu cầu của khán giả. Trước tình hình khủng hoảng trầm trọng của ngành Điện ảnh cả nước, Chính phủ đã phê duyệt chương trình chấn hưng điện ảnh, ban hành Nghị định 48/CP-CP ngày 17/7/1995 về tổ chức và hoạt động Điện ảnh. Nhờ đó, các rạp chiếu phim, các đội chiếu phim lưu động được phục hồi. Cơ chế chính sách về tài chính và con người được đổi mới, trang thiết bị chiếu phim từng bước được đầu tư. Hoạt động điện ảnh tiếp tục được duy trì và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Ngày 1/1/1997, tỉnh Vĩnh Phú tách làm hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Công ty Điện ảnh- băng hình Phú Thọ tái lập và tiếp tục thực hiện trọng trách của mình trong thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, cùng với Chương trình mục tiêu Quốc gia về Điện ảnh, Quyết định số 179/QĐ-TTg của Chính phủ về chính sách thụ hưởng văn hóa, Luật Điện ảnh 2006 ra đời là hành lang pháp lý quan trọng giúp cho Điện ảnh cả nước nói chung, Điện ảnh Phú Thọ khắc phục những khó khăn phát sinh, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, chiếu phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhân dân, tiếp nối truyền thống hào hùng, vẻ vang của Ngành.Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển với nhiều sự thay đổi về tên gọi và cơ cấu tổ chức như: Đội chiếu bóng số 20, Phòng Chiếu bóng, Quốc doanh Chiếu bóng, Quốc doanh Phát hành phim và Chiếu bóng, Công ty Phát hành phim và Chiếu bóng, Công ty Điện ảnh Băng hình, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng; từ năm 2017, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng sáp nhập với Trung tâm Văn hóa - Thông tin thành Trung tâm Văn hóa và Chiếu phim, đến năm 2022 đổi tên thành Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh kế tục sự nghiệp điện ảnh cách mạng phục vụ nhân dân với chức năng, nhiệm vụ mở rộng trên nhiều lĩnh vực. Các hoạt động như: Tuyên truyền lưu động, tuyên truyền cổ động triển lãm, văn hoá văn nghệ đã hỗ trợ tích cực cho hoạt động chiếu phim đạt chất lượng, hiệu quả cao hơn. Những năm gần đây, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do xu hướng hội nhập toàn cầu, sự phát triển của công nghệ, mạng internet..., nhưng được sự quan tâm của Nhà nước, sự ủng hộ của nhân dân và chính quyền địa phương, sự chỉ đạo trực tiếp của Sở VH-TT&DL, Trung tâm Văn hóa- Điện ảnh đã có nhiều cố gắng, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức phục vụ và thực hiện an toàn, chất lượng hàng chục ngàn buổi tuyên truyền, chiếu phim phục vụ chính trị, phục vụ đồng bào các dân tộc miền núi trên địa bàn tỉnh; hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch được giao hàng năm. Bình quân mỗi năm, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tổ chức thành công hàng chục đợt phim phục vụ chính trị, hàng trăm buổi chiếu phim phục vụ thiếu nhi và hàng ngàn buổi chiếu phim phục vụ đồng bào các dân tộc miền núi. Trong giai đoạn từ năm 2020 đến đầu năm 2022, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Trung tâm đã chủ động đề xuất với Sở VH-TT&DL và UBND tỉnh cho phép các đội chiếu phim triển khai thực hiện hàng ngàn buổi tuyên truyền lưu động phòng chống COVID-19, giúp người dân nâng cao nhận thức phòng, chống dịch bệnh.Thông qua hoạt động chiếu phim phục vụ đồng bào các dân tộc miền núi, Trung tâm Văn hoá- Điện ảnh đã tổ chức lồng ghép, phổ biến hàng ngàn lượt tài liệu tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các kiến thức về khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phòng chống các tệ nạn xã hội, xây dựng nông thôn mới; góp phần đẩy lùi những hủ tục, khơi dậy những nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương. Ngoài việc khai thác các nguồn phim của các cơ sở sản xuất, phát hành phim trong nước, Trung tâm đã bước đầu chủ động sản xuất các loại phim ngắn như: Bản tin, phóng sự, tài liệu... và lồng tiếng dân tộc thiểu số vào các bộ phim. Các tác phẩm điện ảnh được lựa chọn trình chiếu có sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố chính trị và thẩm mỹ, giải trí, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật điện ảnh của khán giả. Song hành với sự phát triển của công nghệ điện ảnh, Trung tâm đã tích cực đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị hoạt động, máy chiếu phim kỹ thuật số hiện đại, đảm bảo chất lượng phim phổ biến tới công chúng.

Hàng năm, Rạp chiếu phim và các đội chiếu phim lưu động đã tham gia và thực hiện tốt các đợt phim, tuần phim nhân kỷ niệm những ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, của tỉnh thu hút đông đảo người dân đến xem. Đặc biệt, các bộ phim ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh, lịch sử cách mạng, về ý chí, nghị lực của tuổi trẻ, về tình yêu quê hương, đất nước… đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng và đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Những năm gần đây, Trung tâm đã tích cực chỉ đạo các Đội chiếu phim lưu động phối hợp với Đội tuyên truyền lưu động, các Đội văn nghệ, CLB ở cơ sở tổ chức các buổi “Giao lưu văn nghệ và chiếu phim tuyên truyền” gắn với hoạt động nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa... đạt chất lượng và hiệu quả cao. Qua đó, vừa phát huy được khả năng sáng tạo, vừa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân.Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả, hoạt động chiếu phim đã và đang tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế quan trọng, hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng có chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả, thiết thực góp phần vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”,“Xây dựng nông thôn mới" và phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở.

Với những nỗ lực phấn đấu của các thế hệ cán bộ, viên chức ngành Điện ảnh Phú Thọ, đơn vị đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua của UBND tỉnh, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; nhiều danh hiệu chiến sĩ thi đua các cấp, bằng khen, giấy khen, huy chương của các cấp, các ngành cho các cá nhân và tập thể...70 năm xây dựng và phát triển, trải qua bao khó khăn, thăng trầm, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Phú Thọ đã không ngừng phấn đấu, phát huy truyền thống hào hùng của ngành Điện ảnh cách mạng Việt Nam để vươn lên mạnh mẽ, bồi đắp cho CBVC và người lao động trong đơn vị lòng tự hào, nhiệt huyết, tình yêu nghề và quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. Kế thừa, phát huy truyền thống 70 năm qua, trong thời gian tới, với xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, khuyến khích cán bộ tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám nhận trách nhiệm, có những tham mưu mới, đưa Điện ảnh Phú Thọ tiếp tục là công cụ tuyên truyền sắc bén, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nguyễn Việt Trung

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch