Đoan Hùng: Thêm một mùa quả chát
PTO- Hè vừa qua, lại là một mùa quả nữa người dân xã Vân Du (Đoan Hùng) phải điêu đứng vì xoài… được mùa mà chẳng biết bán đi đâu.

Đoan Hùng: Thêm một mùa quả chát

Đoan Hùng:

Thêm một mùa quả chát

PTO- Hè vừa qua, lại là một mùa quả nữa người dân xã Vân Du (Đoan Hùng) phải điêu đứng vì xoài… được mùa mà chẳng biết bán đi đâu. Cái giá vừa bán vừa cho 1000 đồng/kg cũng chẳng đủ bù đắp công hái và bảo quản thứ quả một dạo được coi là “đặc sản Vân Du”, dẫn đến bà con lũ lượt rủ nhau chặt bỏ xoài như trút bỏ đi một gánh nặng. Nhưng nỗi cay đắng vì xoài rớt giá chưa lắng thì Đoan Hùng lại có thêm một mùa quả chát khi vào thu bưởi lại… mất mùa. Không biết đến bao giờ người nông dân mới hết phải phấp phỏng âu lo xung quanh việc được, mất của những mùa hoa trái. Nhất là khi dự án 1000ha bưởi của huyện đã được công bố chính thức hoàn thành…

NỖI NIỀM NGƯỜI TRỒNG BƯỞI

Tiếp chúng tôi ngay dưới gốc một cây bưởi Sửu cổ vừa bị rụng đợt quả gần như là cuối cùng chị Hoàng Thị Hồng-xã Chí Đám, không dấu được vẻ tiếc rẻ khi nhìn những quả bưởi đã bắt đầu chuyển mầu vàng ủng lăn lóc xung quanh gốc cây mà chị vẫn chưa buồn dọn đi. Chị Hồng kể trận mưa axít tai hại hồi tháng 2 đầu năm đã khiến cho vườn bưởi của chị hơn chục cây rụng trụi quả chỉ còn lại có 3 cây nằm ven hàng rào là vẫn còn nguyên. Chị thấy các cán bộ kỹ thuật nói đặc tính của mưa axít là theo tiểu vùng nên có thể trong cùng một vườn cây có khu vực bị ảnh hưởng nhưng cũng có những khu vực không bận gì. Có lẽ nhờ thế mà 3 cây bưởi còn lại của chị cũng giữ được khoảng gần năm chục quả và chị đã rất hy vọng sẽ giữ lại được những quả bưởi cuối cùng đó.

Hai cây bưởi liền kề trong vườn nhà chị Hồng, một cây giữ được quả... một cây rụng trụi quả.

Nhưng dù đã rất cẩn thận ngắt bỏ những quả cóc kẹ, chỉ dám để lại khoảng bốn chục trái để cây tập trung sức nuôi mà quả trên cây bưởi cổ cũng là cây sai quả nhất vẫn lần lượt rụng. Cho đến đầu tháng 8 (âm lịch) khi cây bắt đầu có hiện tượng bị soắn lá thì những quả bưởi đã to bằng cái bắt ăn cơm đồng loạt rụng cả, chỉ còn sót lại trên cây vài ba quả cằn cỗi, còi cọc cũng không biết liệu có giữ nổi? Chị Hồng cho biết cây bưởi cũng hay bị các loại sâu bệnh lắm, nhưng ngại nhất vẫn là bệnh soắn lá (hay còn gọi là bệnh lá móng) vì nó sẽ làm cho quả rụng tuỳ theo mức độ nhiễm bệnh của cây mà đến giờ người trồng bưởi như các chị vẫn chưa biết làm cách nào để khắc phục.

Đúng là nạn bưởi rụng đang trở thành nỗi phấp phỏng thường trực của những người chủ vườn giống bưởi Sửu đặc sản. Anh Phạm Đình Công cũng ở Chí Đám, có vẻ như may mắn hơn chị Hồng khi vườn bưởi hai chục cây của anh vẫn còn lại hai cây có quả, trong đó có một cây còn tới 60 trái. Vừa qua có một đơn vị quân đội tìm mua bưởi đặt mua cả cây với giá 40.000 đồng/quả, nhưng anh Công cũng chỉ dám hợp đồng với họ 40 quả bởi anh cũng phải lo trừ hao bưởi rụng nếu không sau này “biết lấy đâu ra bưởi mà đền cho họ”.

Dù sao chị Hồng, anh Công cũng là một trong số ít những người may mắn ở Chí Đám còn có cơ hội thu hoạch bưởi năm nay vì rõ ràng đợt mưa axít hồi đầu năm đã khiến cho những vườn bưởi Sửu ở đây mất mùa hàng loạt. Vườn bưởi của bà Lưu Thị Chi có 14 cây hầu hết đều trên chục tuổi đã rất nổi tiếng ở phủ Đoan giúp bà mỗi năm thu nhập cả chục triệu đồng, thì năm nay cũng trơ trụi chẳng đậu nổi một quả. Bà Chi than thở, cả cuộc đời bà gần tám chục tuổi đầu chưa bao giờ chứng kiến một mùa bưởi tệ hại như năm nay. Chẳng riêng gì giống bưởi Sửu vốn được coi là “đỏng đảnh, khó chiều” đã dễ dàng đầu hàng sự khắc nghiệt của thời tiết mà ngay cả giống bưởi Bằng Luân dễ trồng hơn cũng chịu chung một cảnh ngộ. Chị Nguyễn Thị Lan - một trong những chủ vườn bưởi tới vài chục cây ở Bằng Luân, tâm sự: Bưởi năm nay mất mùa thảm hại. Thu hoạch may thì bằng 40% của mọi năm. Mà cái giống bưởi đã mất mùa thì mã quả cũng như chất lượng đều kém, nhìn vườn bưởi mà thấy buồn. Anh Nguyễn Thành Hùng - một lái thương bưởi ở Bằng Luân cũng khẳng định: Mọi năm anh thường chuẩn bị hàng trăm triệu đồng để thu gom bưởi, có những vườn bưởi phải mua tới 20 - 30triệu đồng. Bưởi năm nay mất mùa nên giá thu mua tại vườn cũng tăng lên từ 4000 đồng như mọi năm lên 6000 đồng, nhưng cũng chẳng có vườn bưởi nào ở xã anh mua tới 10 triệu đồng.

NHỮNG ÂU LO VỀ MỘT DỰ ÁN

Trong lần kiểm tra tiến độ thực hiện dự án bưởi ở huyện Đoan Hùng hồi đầu năm vừa qua, bà Nguyễn Thị Kim Hải – Phó chủ tịch UBND Tỉnh, trong vai trò là Chủ tịch HĐKH Tỉnh đã tỏ ra lo ngại trước nguy cơ mất mùa của vụ bưởi năm nay. Bà đã chỉ đạo cho Trung tâm giống và các nhà kỹ thuật phải tiếp tục nghiên cứu tìm ra các giải pháp kỹ thuật tác động giúp tăng cường sức đề kháng cho cây, nâng cao khả năng chống chọi với sâu bệnh và mọi yếu tố khắc nghiệt của thời tiết. Ông Lê Hồng Vân - Chủ tịch UBND huyện Đoan Hùng cũng đề nghị: Cây bưởi Đoan Hùng giờ đây đang phát triển gần như tự nhiên. Huyện rất cần các nhà khoa học hỗ trợ đưa ra các giải pháp kỹ thuật giúp cây khoẻ mạnh hơn. Đúng là dự án 1000ha bưởi ở Đoan Hùng đã được công bố hoàn thành kế hoạch. Nhưng sự cố của mùa bưởi này đã đặt ra cho dự án nhiều việc phải làm hơn ngoài chỉ tiêu hoàn thành về diện tích.

Trong hai giống bưởi đã được đăng ký thương hiệu là bưởi Bằng Luân và bưởi Sửu thì giống bưởi Sửu nổi trội hơn về chất lượng nhưng cũng lại khó trồng hơn rất nhiều. Có lẽ cũng bởi quá khó tính nên trong tổng số 1000 ha bưởi trồng mới chỉ có 225 ha (150 ha thuộc chương trình của tỉnh và 75 ha thuộc chương trình của Bộ KH-CN) bưởi Sửu, trong đó riêng xã Chí Đám đã là 60 ha. Có thể nói bên cạnh những yếu tố nổi trội về chất lượng như độ đường cao, bưởi róc vỏ róc hạt, tôm ròn không dai, bảo quản được lâu(khoảng 6 tháng)… thì giống bưởi này cũng có rất nhiều những yếu điểm nhất là trong khâu trồng và chăm sóc. Đây là giống cây rất mẫn cảm, hạn quá thì mất mùa, mưa quá thì thối hết hoa; sâu bệnh nhiều; hình thức mã quả lại xấu; chăm sóc khó; năng suất quả lại thấp mỗi cây thường chỉ cho từ 30-40 quả. Đúng là từ trước đến nay người dân trồng bưởi vẫn phải chấp nhận những yếu điểm của cây như một lẽ tất nhiên vì họ cũng không biết phải khắc phục chúng bằng cách nào. Nhưng giờ đây khi một dự án quy mô được triển khai với hơn 200ha bưởi đặc sản đã trồng xong, không lẽ những yếu điểm đó vẫn tồn tại để người trồng bưởi tiếp tục “đánh bạc” với những mùa quả đầy may rủi?

Vấn đề đặt ra hiện nay là cần phải có những biện pháp kỹ thuật khắc phục những mặt hạn chế của giống bưởi Sửu khó tính. Theo ông Lữ Quý - Trạm trưởng Trạm Khuyến Nông Đoan Hùng, thì mọi điểm yếu của cây bưởi Sửu không phải không thể khắc phục. Quan trọng là việc áp dụng kỹ thuật đòi hỏi phải tuân thủ theo một quy trình rất nghiêm ngặt, liệu người dân có thể thực hiện được đầy đủ? Thực tế đã nhiều lần chứng minh các đề tài khoa học khi được nghiên cứu khảo nghiệm cho kết quả rất cao, nhưng đến khi đi vào ứng dụng mở rộng thì kết quả đạt được giảm đi nhiều do người dân không tuân thủ nghiêm về kỹ thuật.

Ngay thực tế ở vườn nhà chị Hồng cũng cho thấy, trong ba cây có quả mùa này thì 2 cây trong diện mô hình trình diễn tuy ít quả (bói lứa quả đầu tiên) nhưng được chăm sóc đúng kỹ thuật nên đậu quả nào được quả đó mà không bị rụng như cây bưởi cổ. Vậy hơn ai hết người trồng bưởi phải ý thức được cây bưởi giờ đây không còn là thứ cây trồng thuần tuý nữa mà nó thực sự là một loại cây hàng hoá gắn liền với đời sống kinh tế của họ, nên việc áp dụng các phương pháp kỹ thuật là một đòi hỏi cần thiết phải nghiêm túc tuân theo.

Hiện tại, viện nghiên cứu phân bón của Bộ No-PTNT đang thử nghiệm phương án bón phân vi sinh và phân lân nhằm tăng sức đề kháng cho cây và hạn chế ra hoa trong tháng 12. Đây là phương án đã được áp dụng thành công ở Trung Quốc trên một giống bưởi có đặc tính giống với bưởi Sửu của ta. Cán bộ chuyển giao kỹ thuật cũng phải có trách nhiệm cao hơn trong việc hướng dẫn và giám sát người dân thực hiện các quy trình kỹ thuật được hướng dẫn. Ông Lữ Quý cũng cho biết trận mưa axít hồi đầu năm thực chất là một đợt sương muối nếu người dân được hướng dẫn phun nước rửa kịp thời ngay vào ngày hôm sau thì đã tránh được một mùa bưởi thất bát thảm hại như năm nay. Kim Thư