“Thầy” Tiên... sờ lưng trị bệnh
PTO- Đang vụ gặt lúa chiêm, thời tiết mưa nắng thất thường nên chỉ riêng việc phơi thóc cũng chiếm không ít thời gian của nông dân, thế mà suốt mấy tuần qua...

"Thầy" Tiên... sờ lưng trị bệnh

PTĐT- Đang vụ gặt lúa chiêm, thời tiết mưa nắng thất thường nên chỉ riêng việc phơi thóc cũng chiếm không ít thời gian của nông dân, thế mà suốt mấy tuần qua, người dân Hạ Hòa quê tôi xì xào bàn tán, truyền tai về một ông thầy lang ở tận xã Yên Kiện (Đoan Hùng) có khả năng chữa bách bệnh. Kỳ lạ là chỉ cần sờ vào lưng người bệnh, ông có thể đọc vanh vách những căn bệnh mà người đó mắc phải. Thế rồi một đồn mười, mười đồn trăm, trăm đồn bao nhiêu không ai biết, họ gác lại việc đồng áng, từng nhóm rủ nhau tới gặp "thần y" xin thuốc...

“Thầy” Tiên (người không mặc áo) đang “sờ lưng”chẩn bệnh.

Từ quốc lộ 2 đi vào hướng UBND xã Yên Kiện, đoạn đường chỉ khoảng 5km nhưng có nhiều khúc cua ngoằn ngoèo, khó đi. Chúng tôi phải hỏi thăm 3 lần mới tới nhà thầy Tiên.

Qua cánh cổng sắt vào sân, xe máy được xếp ngay ngắn. Hôm nay nặng trời, lác đác mưa và do còn sớm nên khách đến chưa đông, trong nhà chỉ cỡ chục người đứng, ngồi lố nhố, tiếng nói chuyện râm ran, tiếng mấy đứa trẻ cỡ 4-5 tuổi đuổi nhau, hò hét lẫn vào tiếng 3 người băm "thuốc" cành cạch vang nơi góc nhà. Giữa nhà có một bộ bàn ghế cũ, mấy người đàn ông tới khám bệnh tranh thủ thăm hỏi sức khỏe, tình trạng bệnh và kể cho nhau nghe những câu chuyện về người cùng làng, cùng xã đã từng được "thầy" Tiên chữa khỏi.

Trong vai một thanh niên trẻ, chưa vợ, bị bệnh nan y, được người nhà đưa đi "vái tứ phương", tôi phải ghi tên, địa chỉ vào một cuốn sổ có ghi ngày tháng theo lịch âm. Trong lúc chờ đến lượt tôi bắt đầu quan sát "cơ ngơi" và cách khám, chữa bệnh của "thần y" Tiên. Khác xa với hình dung của tôi về ông thầy lang khám chữa bệnh theo đông y, "thầy" Tiên béo tốt, để râu dài. "Thầy" ở trần, mặc quần soóc, ngồi ngay bậu cửa, ngăn giữa hai gian nhà và bắt đầu "khám bệnh".

Một chiếc ghế được đặt ngay trước chỗ thầy ngồi, lần lượt từng người ngồi vào ghế, quay mặt ra cửa, lưng hướng về phía "thầy". "Thầy" cầm lá trong chiếc đĩa được đổ rượu rồi sát lá vào sống lưng người bệnh (đoạn gần thắt lưng), sau đó thầy dùng tay bóp nhẹ vào sống lưng, chỉ chừng 30 giây là ra bệnh và có thuốc. Đến lượt tôi cũng vậy, sau khi khám, thầy phán: "Viêm thượng vị dạ dày, đau dây thần kinh vai gáy, kéo theo dây thần kinh ở xương sống làm đau thận, phong tê thấp..." làm tôi "toát mồ hôi hột", thầy trấn an và đưa cho tôi một túi thuốc ước chừng 1,5kg gồm các loại cây được băm nhỏ và dặn: “Chia 5 ấm đun, mỗi ấm uống trong 2 ngày, sau 10 ngày quay lại kiểm tra".

Ai cũng như vậy, mỗi người "thầy" phán ra 5 - 7 loại bệnh, có ông "cò hương" xanh rớt, tóc bạc trắng nhà bên xã Vân Đồn (Đoan Hùng) tới khám thì ra cả chục loại bệnh trong người. Ai cũng gật gù cho là "thầy" nói đúng, và ai cũng hy vọng sẽ được chữa khỏi bệnh với túi thuốc mang về trị giá 20.000 đồng. Nói về túi thuốc, không hiểu đó là loại "biệt dược" gì mà có thể chữa được nhiều loại bệnh đến thế. Túi nào cũng giống nhau, chỉ có hai loại cây, một là loại có dạng dây leo to chừng bằng ngón tay người lớn, còn lại là dạng gỗ được những người phụ nữ kỳ cạch chém, đẽo ra từ một thân cây lớn, văng tứ tung khắp góc nhà. Bên ngoài, chúng tôi thấy một đống cây gỗ còn tươi, xếp chồng lên nhau được cho là "cây thuốc"...

Qua tìm hiểu về "Tứ chuẩn" theo Y học cổ truyền thì có bốn phương pháp khám bệnh: Vọng (nhìn), văn (nghe), vấn (hỏi), thiết (bắt mạch, sờ nắn), các phương pháp này nhằm thu thập các triệu chứng chủ quan và khách quan của người bệnh. Sau khi hoàn thành các bước thu thập mới tới chẩn đoán Bát Cương, chẩn đoán tạng phủ, chẩn đoán bệnh danh rồi mới đề ra phương pháp điều trị. Nếu theo y học cổ truyền thì có tới 94 quy trình thăm, khám, chữa bệnh, thế nhưng với "thầy" Tiên, tất cả chỉ "rút gọn" trong vài động tác.

Tại UBND xã Yên Kiện, chúng tôi được đại diện chính quyền địa phương cho biết: "Thầy" Tiên tên đầy đủ là Lý Ngọc Tiên, là người dân tộc Cao Lan, cư trú tại thôn 6, xã Yên Kiện. Ông Tiên có bà nội là người nắm giữ nhiều bài thuốc của dân tộc Cao Lan, từng giúp đỡ chữa bệnh cho dân bản và băng bó, đắp thuốc, chữa lành vết thương cho bộ đội thời còn kháng chiến. Cá nhân công dân Lý Ngọc Tiên xuất thân trong gia đình nghèo, thời thanh niên không có việc làm và từng có những biểu hiện của việc lệch lạc trong lối sống.

Hiện tượng ông Tiên tự xưng là thầy lang khám và chữa bách bệnh rộ lên trên địa bàn đã diễn ra khoảng chục năm trước, thời điểm rầm rộ nhất mỗi ngày có hàng trăm người và phương tiện tới khu 6 để khám chữa bệnh. Hàng quán, nhà nghỉ tự phát mọc lên, kéo theo hiện tượng cờ bạc, gây mất trật tự, mất vệ sinh môi trường... Khi đó, Công an huyện Đoan Hùng, công an xã Yên Kiện đã có những biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở, thậm chí cưỡng chế, buộc ông Tiên phải dừng ngay hoạt động này. Thời gian gần đây, tình trạng tự ý khám chữa bệnh, bán thuốc này lại có dấu hiệu trở lại...".

Người dân quê tôi có người mang thuốc về sắc uống, cũng có người đã quay lại tới 2 - 3 lần để lấy thuốc vì thấy uống vào người khỏe hẳn ra. Còn chúng tôi sau khi được thầy khám đã mang ngay túi thuốc tới Bệnh viện Y dược cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh để tìm hiểu rõ hơn.

Bác sĩ chuyên khoa I Tạ Đức Dũng - Trưởng khoa Nhi Ngũ Quan cười lớn và khôi hài nói: Một số loại bệnh đơn giản có thể chẩn đoán bằng việc nhìn hiện tượng, hoặc sờ nắn vào chỗ bị đau, hỏi người bệnh về biểu hiện, triệu chứng... chứ tuyệt đối không có phương pháp khám theo kiểu "sờ lưng" mà ra các loại bệnh. Những bài thuốc chữa bệnh hiệu quả được truyền qua nhiều đời trong mỗi gia đình, dân tộc được gọi là thuốc gia truyền, tuy nhiên, mỗi bài thuốc, mỗi loại thuốc chỉ có thể chữa được 1 căn bệnh nhất định chứ không thể có bí quyết nào để 1 bài thuốc có thể chữa "bách bệnh" được. Bản thân tôi đã gặp nhiều ca người bệnh đi khám và dùng thuốc của các thầy lang tự xưng, kết quả có nhiều người phải nhập viện do bệnh tình nặng hơn, ngộ độc, thậm chí có trường hợp suy thận cấp... Vì vậy, người dân tuyệt đối không được tin và sử dụng những loại thuốc như vậy.

Còn nhớ trước khi rời nhà "thầy" Tiên vội vã với lý do "chạy mưa", có người vẫn còn rỉ tai chúng tôi: “Thuốc của "thầy" tốt lắm, nhiều người uống khỏi nên thầy nổi tiếng khắp nơi rồi, nhiều đoàn ở xa tận Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng... thuê cả chuyến xe khách, đi mấy chục người lên nhờ thầy khám đấy, cứ về uống thuốc rồi thấy hiệu quả ngay...". Việc "sờ lưng" trị bệnh và bốc thuốc của ông Lý Ngọc Tiên là không có cơ sở khoa học. Để tránh việc người dân mất công, mất sức, chính quyền xã Yên Kiện và huyện Đoan Hùng cần có những biện pháp cứng rắn, mạnh tay để tình trạng này sớm chấm dứt. Người dân cũng nên tỉnh táo, tránh mất tiền mà... tật vẫn mang.

Lê Hoàng

Lê Hoàng