Sau 10 năm triển khai CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng hóa bày bán tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích chiếm khoảng 90% là hàng Việt, được người tiêu dùng đón nhận, mua sắm phục vụ đời sống.
PTĐT - Thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thời gian qua, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực để đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng. Không ít doanh nghiệp còn đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm mang thương hiệu Việt ra thị trường ngoài nước. Chính điều này đã tạo hiệu ứng tích cực cho sản xuất trong nước, đồng thời củng cố niềm tin của người tiêu dùng trong việc lựa chọn các sản phẩm do các doanh nghiệp trong nước, trong tỉnh sản xuất.
Là một trong những doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước, Công ty cổ phần Gạch men TASA- Khu công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì đã đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng, lắp đặt vận hành 8 dây chuyền sản xuất gạch ốp lát, cho ra đời các dòng sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đa đạng, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng. Trong nỗ lực đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng, Công ty đã thiết lập hệ thống phân phối với 10.000 cửa hàng, đại lý, phòng trưng bày bao phủ rộng khắp các tỉnh, thành trên cả nước và từng bước xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Ông Phạm Hữu Vũ-Phó Tổng Giám đốc Công ty cho biết: “Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh gạch ốp lát, tính cạnh tranh cao, nhất là với các sản phẩm ngoại nhập nên công ty luôn nhanh nhạy nắm bắt xu thế của thị trường, không ngừng cải tiến công nghệ, đầu tư thêm máy móc thiết bị hiện đại, kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm. Mặt khác, đẩy mạnh ứng dụng quét mã sản phẩm QR để khách hàng có thể dễ dàng tìm kiếm các sản phẩm, không gian ốp lát, phối cảnh phù hợp với nhu cầu sử dụng, tra cứu được tất cả những thông tin liên quan đến sản phẩm một cách nhanh chóng và thuận tiện. Hiện chúng tôi đã triển khai thành công các sản phẩm gạch trang trí cao cấp 3D, carving gold, gạch ốp mài mặt, gạch porcelain kích cỡ 1mx1m, 20cmx1m ra thị trường…”.
Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, đến nay sản phẩm gạch ốp lát của Công ty CP gạch men TASA đã được khách hàng đón nhận tích cực, được bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao. Nhiều mặt hàng gạch ốp lát cao cấp đã xuất đi thị trường các nước ở khu vực châu Á (Hàn Quốc, Đài Loan), Trung Đông và châu Âu. Từ đó nâng công suất sản xuất của công ty từ 14 triệu lên 26 triệu m2 sản phẩm/năm, giá trị sản lượng, doanh thu, nộp ngân sách Nhà nước năm sau cao hơn năm trước, tạo việc làm ổn định cho 1.235 lao động với thu nhập bình quân trên 7,5 triệu đồng/người/tháng.
Đây chỉ là một trong số những doanh nghiệp đã và đang tích cực trong hành trình đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng. Được biết, từ sau khi triển khai thực hiện cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Tỉnh ủy đã ban hành Thông tri số 25-TTr/TU về việc lãnh đạo thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cả hệ thống chính trị và các doanh nghiệp trong tỉnh cùng vào cuộc tích cực, tạo nên những chuyển biến rõ nét trong nhận thức, hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất, nhà cung ứng hàng hóa đã quan tâm nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, phương thức cung ứng hàng hóa sản xuất trong nước đến tay người tiêu dùng. Tỷ trọng hàng Việt được bày bán trong các cửa hàng, cửa hiệu, siêu thị, chợ… ngày càng tăng, người dân lựa chọn mua sắm và sử dụng hàng Việt ngày càng nhiều. 10 năm qua, cùng với công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân trong tỉnh ưu tiên dùng hàng Việt Ban chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh đã phối hợp với các ngành, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các hội chợ, triển lãm nhằm quảng bá thương hiệu và sản phẩm tới người tiêu dùng, nhất là các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh.
Công ty CP gạch men TASA tại Khu công nghiệp Thụy Vân luôn chú trọng cải tiến dây chuyền sản xuất gạch ốp lát, đảm bảo cho ra những sản phẩm phù hợp với thị hiếu khách hàng.
- Công nhân công ty kiểm tra, đóng gói sản phẩm trước khi xuất xưởng.
Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, UBND tỉnh đã triển khai xây dựng và thực hiện quy hoạch công nghiệp giai đoạn 2011- 2020, định hướng đến năm 2030, quy hoạch thương mại, bán buôn, bán lẻ, quy hoạch điện…; ban hành quy định hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nhỏ và vừa đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh và chương trình hành động về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh… Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại được đẩy mạnh, công tác phát triển hệ thống phân phối hàng Việt được quan tâm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Hùng- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và kích cầu tiêu dùng hàng Việt, Sở Công thương đã hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường cho các doanh nghiệp, tiến hành xây dựng và vận hành website giới thiệu nông sản tỉnh Phú Thọ; hướng dẫn kỹ năng phát triển thị trường cho các cơ sở sản xuất nông sản của tỉnh trên website http://nôngsan.phutho.gov.vn; xây dựng và vận hành Sàn giao dịch thương mại điện tử... Qua đó nhiều mặt hàng sản xuất trong tỉnh ngày càng tạo được uy tín cao đối với người tiêu dùng, trở thành sản phẩm thế mạnh của tỉnh như gạch ốp lát, xi măng, phân bón, giấy; các mặt hàng nông sản như: Chè, bưởi, rau an toàn, thịt chua… Ông Hùng cho biết thêm, Sở đã phối hợp với các huyện, thành, thị triển khai xây dựng 7 điểm bán hàng Việt cố định, tổ chức 24 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, 3 phiên chợ đưa hàng Việt về khu công nhân, đồng thời xác nhận tổ chức 170 hội chợ thương mại, qua đó giúp các doanh nghiệp không ngừng mở rộng kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tại các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn được tổ chức ở các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Đoan Hùng, Hạ Hòa, Yên Lập… luôn thu hút số lượng lớn người dân đến tham quan, mua sắm. Doanh thu bán hàng do các doanh nghiệp trong nước sản xuất tại mỗi hội chợ đạt bình quân từ 4 - 5 tỷ đồng.
Những năm qua, thông qua nguồn vốn khuyến công hỗ trợ, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tích cực đổi mới quy trình sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá sản phẩm. Không ít doanh nghiệp còn đổi mới cách thức phân phối hàng hóa, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nâng cao sức cạnh tranh, ổn định giá bán sản phẩm, có đơn vị còn duy trì phương thức ứng trước, cho mua trả chậm đối với mặt hàng do doanh nghiệp sản xuất như Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao… Ngoài ra nhiều doanh nghiệp thương mại còn chủ động tổ chức tốt nguồn hàng có chất lượng, có thương hiệu do doanh nghiệp trong nước sản xuất với giá thành hợp lý để đưa về địa bàn nông thôn, miền núi; đổi mới các hoạt động Maketing, quảng bá sản phẩm bằng nhiều hình thức phong phú; triển khai nhiều đợt giảm giá, khuyến mại để kích thích sức mua của người tiêu dùng.
Để đảm bảo quyền lợi và tạo niềm tin cho người tiêu dùng, công tác đấu tranh ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, hàng kém chất lượng, vi phạm quy định về giá bán, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng được triển khai quyết liệt. Trong 10 năm qua, các lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra 10.360 vụ, phát hiện xử lý 8.093 vụ vi phạm; tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước gần 25 tỷ đồng. Từ đó góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, ngăn chặn các biểu hiện trục lợi, mượn danh hàng Việt, giúp người tiêu dùng yên tâm tin tưởng vào các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng như trên địa bàn tỉnh.
Thời gian tới, toàn tỉnh sẽ tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp… trong công tác tuyên truyền nhằm đưa CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đi vào chiều sâu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, triển khai có hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tích cực đổi mới sản xuất, bám sát nhu cầu, thị hiếu khách hàng, không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, độ an toàn của sản phẩm để nâng cao uy tín, niềm tin với người tiêu dùng.
Mai Phương