Hiệu quả bước đầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới
PTĐT - Năm học 2020-2021 đánh dấu mốc quan trọng đối với ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, bắt đầu từ lớp 1. Nhờ sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên; điểm mới, ưu việt của Chương trình, những trái ngọt đầu tiên đã được thu về.

Hiệu quả bước đầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới

Trong quá trình giảng dạy, giáo viên lớp 1 Trường Tiểu học Lang Sơn, huyện Hạ Hòa đã linh động trong việc thay đổi ngữ liệu cho phù hợp.

PTĐT - Năm học 2020-2021 đánh dấu mốc quan trọng đối với ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, bắt đầu từ lớp 1. Nhờ sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên; điểm mới, ưu việt của Chương trình, những trái ngọt đầu tiên đã được thu về.

Nhanh chóng bắt nhịp

Sau 1 học kỳ triển khai thực hiện Chương trình sách giáo khoa (SGK) lớp 1 theo Chương trình GDPT năm 2018, với sự vào cuộc của các cấp quản lý giáo dục, các nhà trường và sự tích cực của các thầy, cô giáo bước đầu Chương trình đã đạt được kết quả thiết thực. Cô giáo Nguyễn Thị Kim Dung - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tiên Dung, thành phố Việt Trì cho biết: Khi triển khai SGK lớp 1 theo Chương trình GDPT năm 2018, giáo viên được tập huấn nhiều lượt nên nắm chắc tinh thần đổi mới, nội dung chương trình tổng thể chương trình môn học, phương pháp dạy học. Trong một số tuần đầu, giáo viên vừa xây dựng kế hoạch dạy học vừa có sự điều chỉnh của nhà trường, bảo đảm số buổi học, bài học thực môn, số tiết/tuần, cũng như phát huy được năng lực của giáo viên, phù hợp với đối tượng, cơ sở, trang thiết bị hiện có của nhà trường. Đối với 4 lớp 1, Trường Tiểu học Tiên Dung đầu tư cơ sở vật chất trang bị máy chiếu mới, thực hiện hệ thống giáo án điện tử nên giáo viên thuận tiện trong việc chuẩn bị tài liệu dạy học. Kết thúc học kỳ 1, học sinh không chỉ đọc thông, viết thạo mà còn mạnh dạn, linh hoạt để làm chủ hoạt động học.

Cô giáo Đinh Thị Nhâm, giáo viên Trường Tiểu học Tiên Dung khẳng định: Các em đã bắt nhịp vào môi trường giáo dục mới, chủ động trong việc học; với các phương pháp dạy học linh hoạt, nhiều trò chơi, ngoài SGK, giáo viên sử dụng ngữ liệu gắn liền với cuộc sống nên các em tiếp cận kiến thức nhanh, hào hứng học tập và gần gũi với cô giáo; giờ học trở nên sinh động, sôi nổi. Kênh hình trong SGK rất phong phú nên học sinh dễ học, dễ hiểu.

Tại Trường Tiểu học Cao Xá, huyện Lâm Thao, cô giáo Nguyễn Thị Cẩm Tú - Hiệu trưởng nhà trường thông tin: Sau kiểm tra, đánh giá học sinh học kỳ I, mặt bằng chất lượng học sinh lớp 1 năm nay của nhà trường nâng lên so với những năm trước. Đáng chú ý, mặc dù không có tuần 0 (2 tuần đầu để làm quen) nhưng học sinh tích cực hơn, nhiều em tiến bộ nhanh. Nội dung các bài học trong SGK mới đa dạng, ngữ liệu có tranh minh họa giúp giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh dễ nhận biết, hiểu rõ nghĩa, bài tập thực hành. Ngoài ra, mỗi bài học đều có sách điện tử nên giáo viên có thể truy cập dễ dàng để dạy. Với 5 năm kinh nghiệm dạy lớp 1, cô giáo Nguyễn Thị Hà, Trường Tiểu học Cao Xá chia sẻ: Học Chương trình GDPT mới lần này, những học sinh có nền tảng tốt từ bậc mẫu giáo có thể tiếp thu và tiến bộ rất nhanh.

Còn tại huyện Hạ Hòa, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hoàn - giáo viên Trường Tiểu học Lang Sơn cho biết: Sách điện tử đã mang đến một cách thức học tập mới rất hiệu quả đối với cả giáo viên và học sinh. Giáo viên được chủ động trong dạy học về cả phương pháp và nội dung nên cảm giác rất thoải mái. Ban Giám hiệu nhà trường cũng thường xuyên nắm bắt trao đổi với giáo viên để kịp thời giải quyết những khó khăn trong quá trình dạy học. Mỗi cụm chuyên môn thành lập một nhóm giáo viên dạy lớp 1, là nơi để giáo viên trong cụm thường xuyên trao đổi, học hỏi lẫn nhau.

Ông Phạm Ngọc Diễm - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hạ Hòa cho biết: Năm học 2020-2021, toàn huyện có 72 lớp 1 với 1.979 học sinh. Kết thúc học kỳ I năm học 2020-2021, toàn huyện có 1.959 học sinh tham gia đánh giá, 20 học sinh khuyết tật đánh giá riêng. Môn Tiếng Việt đánh giá hoàn thành và hoàn thành tốt, đạt tỷ lệ 97,5%; môn Toán đánh giá hoàn thành và hoàn thành tốt đạt tỷ lệ 98,2%. Phòng GD&ĐT huyện có chủ trương nhân rộng các tiết dạy hay trong sinh hoạt chuyên môn trường, cụm trường; phát huy vai trò của tổ giáo viên cốt cán để tăng cường giúp đỡ, trao đổi kinh nghiệm giúp giáo viên thực hiện thành công Chương trình GDPT mới ngay từ lớp 1.

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Tiên Dung, thành phố Việt Trì hào hứng với nhiều hoạt động trong giờ học.

Bảo đảm điều kiện để triển khai hiệu quả Chương trình

Chuẩn bị cho triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới, bậc học lớp 1, Sở GD&ĐT quán triệt các nhà trường lựa chọn các giáo viên có chuyên môn vững vàng, có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy, đặc biệt nắm chắc các kỹ thuật dạy học tích cực. Ngoài nội dung tập huấn theo kế hoạch, trong quá trình triển khai thực hiện, Sở tổ chức hội thảo, sinh hoạt chuyên môn từng môn học với sự tham gia của cán bộ quản lý các nhà trường, giáo viên dạy học lớp 1.

Tại đây, những khó khăn, bất cập được giải đáp, tháo gỡ kịp thời; những cách làm hay, sáng tạo được chia sẻ để các đơn vị cùng học tập. Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Mục tiêu của giáo dục ở Chương trình phổ thông mới là phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Chương trình cũng không quy định cứng nội dung từng bài học tương ứng với thời gian của buổi học, tuần học mà chỉ quy định thời lượng và yêu cầu cần đạt của cả năm học đối với từng môn. Do đó, giáo viên có thể chủ động xây dựng kế hoạch dạy học và phân bổ các tiết dạy cho phù hợp với đối tượng học sinh”. Năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 295 cơ sở giáo dục tiểu học, 1.000 lớp 1 với 30.226 học sinh lớp 1.

Để bảo đảm triển khai chương trình mới, Sở GD&ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện đúng lộ trình, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; đồng thời, căn cứ chức năng nhiệm vụ được phân công, Sở GD&ĐT đã chủ động ban hành các văn bản để tổ chức triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1 theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh đảm bảo kịp thời, đúng quy định. Ngành GD&ĐT cũng thực hiện rà soát, bổ sung giáo viên còn thiếu, ưu tiên, giáo viên cấp tiểu học (đặc biệt là giáo viên Ngoại ngữ và Tin học); tiếp tục sắp xếp đội ngũ giáo viên nhằm khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở một số trường; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học, đáp ứng điều kiện để thực hiện Chương trình GDPT 2018; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục; thực hiện bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục để triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Đến nay, các trường thực hiện đúng, đủ nội dung, chương trình giáo dục theo quy định hiện hành, xây dựng kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày trên cơ sở tự nguyện, có sự bàn bạc, thống nhất với cha mẹ học sinh. Đội ngũ giáo viên dạy lớp 1 tích cực, chủ động, linh hoạt trong sử dụng, vận dụng ngữ liệu dạy học; đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học; vận dụng, phối hợp hài hòa, hiệu quả giữa phương pháp dạy học truyền thống với các phương pháp mới, hướng vào phát huy tính tích cực của học sinh. Kết thúc học kỳ II, 100% học sinh lớp 1 có đủ SGK và đồ dùng học tập cá nhân, chất lượng dạy học lớp 1 đảm bảo tạo sự tin tưởng của phụ huynh và toàn xã hội.

Những kết quả bước đầu triển khai Chương trình, SGK mới là căn cứ để Sở GD&ĐT, các cấp quản lý, nhà trường, giáo viên nhìn nhận điểm mạnh, điểm hạn chế, rút kinh nghiệm để triển khai tốt hơn trong thời gian tới, trước mắt là chuẩn bị các phần việc về cơ sở vật chất, rà soát theo Thông tư số 43/2020/TT- BGDĐT ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2, lựa chọn SGK lớp 2 để bước vào năm học 2021-2022 đảm bảo đúng lộ trình, đạt chất lượng, hiệu quả.

Hạnh Thúy

Hạnh Thúy