Ngọt mùa xanh trên cát trắng
PTO- Trong số 14 thành viên của câu lạc bộ doanh nghiệp CCB huyện Thanh Ba, duy nhất có một hội viên làm nông nghiệp.

Ngọt mùa xanh trên cát trắng

PTO- Trong số 14 thành viên của câu lạc bộ doanh nghiệp CCB huyện Thanh Ba, duy nhất có một hội viên làm nông nghiệp. Trong khi các đơn vị bạn báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh ngày càng khó khăn do Nhà nước thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, lãi suất ngân hàng cao, sức mua của thị trường giảm, thì với Vương Văn Khánh - Hội viên CCB xã Vũ Yển, lại vẫn "bình chân như vại".

 Nông dân thị trấn Hạ Hòa (Hạ Hòa) thu hoạch mía. Ảnh: Nguyên An
Nông dân thị trấn Hạ Hòa (Hạ Hòa) thu hoạch mía. Ảnh: Nguyên An

Bởi bước sang năm 2012 anh đã mở rộng diện tích trồng mía trên đất cát gấp 4 lần, từ 38ha thuộc xã Phương Xá, huyện Cẩm Khê, nay tăng lên 142ha đất bãi dọc sông Hồng từ Lang Sơn - Chuế Lưu (Hạ Hòa) xuống tận phường Bến Gót (thành phố Việt Trì). Còn sản phẩm cây mía đã được Nhà máy đường Tuyên Quang hỗ trợ vốn và bao tiêu toàn bộ sau khi thu hoạch. Gặp anh trong giờ giải lao, anh vui vẻ cho biết: Năm 2011 sản lượng mía đạt thấp, lý do cây mía đã hết chu kỳ sinh trưởng phải phá đi trồng lại. Tuy vậy anh vẫn thu được 850 tấn, doanh thu trước thuế đạt 720 triệu (so với năm 2010 chỉ bằng 1/2 sản lượng), nộp ngân sách cho địa phương hơn 300 triệu đồng. Nhưng quan trọng hơn là qua 4 năm mạnh dạn trồng cây mía trên đất cát anh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, từ khi cuốc hố đặt hom, đến khi chăm sóc và thu hoạch cần phải sử dụng loại phân bón gì để cho mía mau lớn, to cây, độ đường cao. Cách phòng trừ sâu bệnh hại mía, rồi lại phải tính toán làm sao khi những cơn lũ đổ về cây mía đã bám sâu rễ xuống lớp phù sa để đứng vững mà không bị đổ gãy... Tìm hiểu con đường làm giàu của anh mới thấu hiểu những gian nan vất vả mà anh đã từng vượt qua. Đó là thời kỳ rời khỏi quân ngũ, bươn trải theo con đường xuất khẩu lao động ở Cộng hòa liên bang Nga rồi trở về Hàn Quốc và cuối cùng là quyết tâm trở về quê hương của anh để xây dựng sự nghiệp. Anh phải tìm tòi, đi học hỏi kinh nghiệm làm giàu ở các địa phương từ Nam chí Bắc, có biết bao nhiêu dự tính trong đầu, nhưng khi bước vào thực tế mới thấy vô cùng khó khăn: Nào cơ chế chính sách, nào nguồn vốn, rồi việc tiêu thụ của thị trường, tất cả đều nan giải.

Năm 2008 tình cờ anh được biết nhiều hộ dân bên xã Phương Xá muốn trả bãi bồi cho địa phương vì sản xuất không hiệu quả, anh quyết định sang UBND xã Phương Xá xin đấu thầu toàn bộ bãi bồi giữa dòng sông Hồng. Cuối cùng anh cũng được cấp ủy chính quyền xã cho ký hợp đồng thuê đất với thời hạn 2 năm. Vương Văn Khánh đã chọn cây mía để thâm canh. Vòng đời của cây mía thật ngắn, một chu kỳ 4 năm thì mất năm đầu và năm cuối sản lượng thấp. Mặc dù đã phải trồng xen canh thêm ngô, đỗ, lạc nhưng vụ đầu tiên thu bù chi chẳng còn lời lãi bao nhiêu, từ vụ thứ 2 cây mía mọc nhiều mầm, rễ bám sâu, cây bắt đầu cho năng suất và lượng đường cũng nhiều hơn. Thế mà hết 2 năm, xã đã có ý kiến muốn thu hồi đất. May mà qua mấy lần đề xuất cuối cùng cấp ủy chính quyền địa phương cũng đồng ý để anh thuê đất lâu dài. Thành công từ trồng mía ở bãi bồi Phương Xá, năm 2010 anh lại thuê hơn 30ha bãi bồi của xã Vũ Yển để mở rộng diện tích trồng mía, càng mở rộng, công tác chăm sóc, bảo quản và thu hoạch phải tính toán hết sức chặt chẽ. Anh còn tạo điều kiện để cho bà con mượn đất trồng xen canh cây rau màu. Công tác bảo vệ lại do lực lượng dân quân và hội viên CCB hai xã Phương Xá - Vũ Yển phối hợp. Tiền công lao động, tiền bảo vệ được khoán theo giá thị trường, nên được nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ. Đến khi thu hoạch, do yêu cầu của nhà máy, lượng mía nhập phải đủ công xuất, thời gian không kéo dài. Vì thế anh lại phải hợp đồng thuê lực lượng của các đơn vị quân đội giúp đỡ, lúc cao điểm phải cần tới 250 lao động mỗi ngày. Mía chặt tới đâu được vận chuyển ngay nên chất lượng bảo đảm, được nhà máy tin tưởng để ký hợp đồng lâu dài.

Sau 3 năm làm giàu từ cây mía, CCB Vương Văn Khánh đã có một khoản vốn kha khá, đủ để cho anh xây dựng được một ngôi nhà có kiến trúc khá bề thế. Số còn lại anh sắm sửa phương tiện, máy móc và tiếp tục đầu tư mở rộng. Hai năm 2011 - 2012 đánh dấu sự đầu tư vượt bậc của anh. Suốt chiều dài gần 50km dọc theo sông Hồng, cây mía đã thực sự là cây cứu cánh để anh tìm ra đáp án bài toán làm giàu. Anh không ngần ngại cho biết vụ mía năm nay dự kiến sẽ thu hoạch được khoảng 6.000 tấn. Nếu tính theo giá mía của năm 2011, số tiền thu về ngót nghét 6 tỷ đồng, nếu trừ chi phí và nộp thuế, lợi nhuận anh thu về ước khoảng trên 2 tỷ đồng.

Đồng cảm và chia sẻ với anh, chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành, các địa phương cần quan tâm, tạo mọi điều kiện giúp cho anh vượt qua khó khăn để thực hiện tâm nguyện của mình vừa góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi. Đồng thời giữ ổn định dòng chảy góp phần chống xói lở hai bên bờ sông Thao. Anh được anh em hội viên CCB xã Vũ Yển vẫn thường gọi là "Người gieo mầm xanh trên cát trắng".

Đỗ Mạnh Hùng