Ngày 1/6, Đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh do đồng chí Nguyễn Thị Thanh Huyền - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã giám sát việc thực hiện chính sách phát triển giáo dục mầm non tại Sở Giáo dục và Đào tạo.
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thanh Huyền phát biểu kết luận tại buổi giám sát.
Thực hiện chính sách phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP ngày 8/9/2020 của Chính phủ, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, xã và các trường mầm non có đối tượng thụ hưởng đã phối hợp trong công tác tuyên truyền, phổ biến và thông báo công khai các chế độ chính sách đến cán bộ, giáo viên, nhân viên và cha mẹ học sinh. Công tác tổ chức thực hiện, đề nghị phê duyệt và xét duyệt chế độ cơ bản đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy trình, đúng trình tự và thời gian quy định; các chế độ đều được thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời.
Thành viên đoàn giám sát phát biểu tại hội nghị
Sau hơn hai năm thực hiện chính sách ưu tiên phát triển mạng lưới trường lớp giáo dục mầm non ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cơ sở vật chất của các trường được quan tâm đầu tư ngày càng đồng bộ, bước đầu thúc đẩy giáo dục mầm non phát triển. Tỉ lệ trường mầm non ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt chuẩn quốc gia ngày càng cao, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, số lượng phòng học kiên cố chiếm trên 92%, đáp ứng yêu cầu kiên cố hóa trường lớp học trước năm 2025 (vượt ba năm so với mục tiêu của chính sách). Thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí tổ chức nấu ăn và hỗ trợ ăn trưa cho trẻ, trong hai năm đã có gần 560 lượt nhân viên được hỗ trợ với kinh phí 6,6 tỉ đồng; gần 37.500 lượt trẻ mẫu giáo được hỗ trợ với tổng kinh phí 25,5 tỉ đồng. Về chính sách cho đội ngũ giáo viên dạy lớp ghép, dạy tiếng Việt tại các điểm lẻ, trong hai năm đã hỗ trợ cho trên 920 giáo viên với số tiền 2,9 tỉ đồng. Công tác tổ chức thực hiện đảm bảo đúng đối tượng, quy trình, thời gian; thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT trình bày về những kiến nghị, đề xuất bổ sung thêm biên chế giáo viên mầm non
Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách vẫn còn một số khó khăn như: Nguồn ngân sách địa phương hạn hẹp, việc lồng ghép các nguồn vốn còn nhiều khó khăn nên việc ưu tiên bố trí vốn đầu tư vào các điểm trường lẻ chưa đạt so với nhu cầu. Đồng thời khó khăn cho công tác quản lý, chỉ đạo và bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên, chăm sóc trẻ. Định mức hỗ trợ kinh phí nấu ăn và mức hỗ trợ bữa ăn trưa cho trẻ còn thấp nên các trường gặp nhiều khó khăn trong tổ chức nấu ăn bán trú cho trẻ; định mức hỗ trợ kinh phí nấu ăn cho trẻ tính trên 45 trẻ em là cao, một số điểm trường không có đủ số lượng trẻ nên không được hưởng chính sách...
Lãnh đạo Sở Tài chính trình bày về đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện chính sách đối với giáo dục mầm non nói chung và giáo dục mầm non tại vùng đặc biệt khó khăn nói riêng
Kết luận buổi giám sát, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thanh Huyền nhấn mạnh: Đây là chính sách có tính ưu việt, phát huy được hiệu quả trong thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em, động viên giáo viên bám lớp, bám trường. Đồng chí đề nghị: Sở GD&ĐT và các sở ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh nội dung hướng dẫn thực hiện các chính sách theo quy định tại điều 14 Nghị định 105/2020/NĐ-CP ngày 8/9/2020. Sở GD&ĐT kiểm tra, rà soát các mức thu theo nghị quyết 14/2021/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn cơ sở giáo dục thực hiện đảm bảo mức quy định. Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện chính sách trên địa bàn, phối hợp với các huyện tập huấn, tuyên truyền việc áp dụng chính sách tại các trường để các trường vận dụng linh hoạt đảm bảo thực hiện đúng chế độ, quyền lợi cho giáo viên và trẻ mầm non... Đoàn giám sát sẽ tiếp thu các ý kiến qua giám sát tại các huyện và Sở GD&ĐT để kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành trung ương sửa đổi một số nội dung cho phù hợp với thực tiễn.
Hạnh Thúy