PTO- Vị trí cửa ngõ của Vườn Quốc gia Xuân Sơn, Xuân Đài được hưởng lợi khi có đường trục chính chạy qua trung tâm xã cùng nguồn tài nguyên lâm nghiệp phong phú. Được lựa chọn làm xã điểm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện Tân Sơn, mặc dù lộ trình đặt ra đến năm 2015 vẫn còn nhiều gian nan, vướng mắc nhưng cuộc sống trên đất “cửa rừng” đã xuất hiện nhiều đổi thay đáng mừng từ nếp nghĩ, cách làm của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao đến các công trình an sinh xã hội được đầu tư xây dựng ngày một nhiều…
Vụ chiêm xuân năm nay, Xuân Đài lại được mùa! 185 ha lúa của xã cho thu hoạch 100% với năng suất bình quân mỗi ha trên 50 tạ. Có gắn bó với vùng sơn cước bốn bề rừng núi bao phủ phải vạt từng khoảng đất trống ven suối, be đắp tạo mặt bằng nơi thung lũng tích nước cấy lúa mới thấu hiểu niềm vui, tự hào của bà con nơi đây trước một vụ mùa bội thu như thế. Thành tích này một phần nhờ trời mưa thuận gió hòa, phần còn lại là công sức, nỗ lực liên tục trong nhiều năm của chính quyền, đồng bào các dân tộc trên địa bàn trong việc chỉ đạo, tuyên truyền, vận động thực hiện phương thức canh tác hiện đại, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cụ thể qua việc chuyển đổi, lựa chọn giống lúa lai năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương vào sản xuất đại trà, gieo cấy đúng khung thời vụ, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông… Phát triển nông nghiệp theo hướng đảm bảo an ninh lương thực, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích canh tác, nâng cao giá trị hàng hóa trong mỗi sản phẩm…là quan điểm chỉ đạo của Đảng ủy, chính quyền đang được người dân trong xã đồng thuận thực hiện gắn với các nội dung xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó tổng diện tích gieo trồng hàng năm của xã luôn đạt 400 ha, an ninh lương thực được đảm bảo ở mức bình quân 360kg/ người/ năm. Sản lượng ngô, sắn đảm bảo thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm ổn định ở mức khá cao: Gần hai nghìn con trâu, bò; hơn hai nghìn con lợn, gần ba vạn gia cầm các loại…
Tiềm năng, thế mạnh của Xuân Đài là diện tích đất đồi rừng đã được người dân trong xã phát huy ngày càng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Không còn đất trống đồi trọc, đất lâm nghiệp quy chủ được phủ xanh bằng các chu kỳ cây nguyên liệu liên tục nối vòng. Năm qua, toàn xã trồng mới 67,20 ha rừng nguyên liệu, độ che phủ rừng luôn được giữ vững trên 75%. Cùng với đó là 37,6 ha chè, trong đó 28 ha đã cho thu hoạch với sản lượng 122,64 tấn. Nguồn thu lớn, ổn định từ các sản phẩm cây trồng trên diện tích đất đồi rừng đã góp phần tích cực giúp nhiều hộ dân xóa đói giảm nghèo. Nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư mô hình kinh tế trang trại tổng hợp trồng rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm. Thu nhập bình quân của người dân giờ đã đạt 7 triệu đồng/năm. Hệ thống điện, trường học, trạm y tế từng bước được đầu tư nâng cấp đáp ứng nhu cầu của người dân. So với dăm năm trước, bức tranh toàn cảnh kinh tế xã hội của Xuân Đài đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được chính quyền, người dân trong xã tích cực hưởng ứng, đồng thuận thực hiện với các hành động cụ thể, thiết thực. Đường mở đến đâu, bà con tự nguyện hiến đất đai, hoa màu, tháo dỡ vật liệu kiến trúc giải phóng mặt bằng bàn giao cho đơn vị thi công đến đó. Xã vừa hoàn thành 2km đường bê tông liên xã qua 3 xóm Dụ, Ai, Muỗi với tổng kinh phí 2,9 tỷ đồng, 100% hộ dân có đường đi qua tự nguyện hiến đất. Tuy nhiên, chặng đường cập đích nông thôn mới đúng lộ trình 2015 của xã xem ra vẫn còn nhiều nan giải. Bấm đốt ngón tay nhẩm tính, Bí thư Đảng bộ xã Trần Phẩm trầm ngâm: “Theo 19 tiêu chí thì chúng tôi còn thiếu 10. Nặng nhất là khoản giao thông nông thôn và giao thông nội đồng. Xã nghèo, nếu không được đầu tư, hỗ trợ thì đành bó tay…!”. Theo lời ông, xã có 14 khu dân cư rải rác trên diện tích 6.606ha mà ngoài trục đường chính vào Vườn Quốc gia Xuân Sơn chạy qua thì xã mới có 7km đường giao thông nông thôn được cứng hóa. Nhiều xóm đường đi lại rất khó khăn, thậm chí chưa có đường vào. Dự án đường nối từ khu Bãi Muỗi qua xóm Suối Bòng, xóm Giò, xóm Than tới xã Tân Phú đã có nhưng chẳng biết khi nào mới được cấp vốn, thi công. Hiện tại xã còn thiếu khoảng 10km đường bê tông cần được đầu tư. Do địa bàn rộng, giao thông khó khăn nên trường tiểu học, mầm non của xã phải tổ chức rất nhiều khu lẻ. Riêng trường mầm non có tới 6 khu lẻ rất khó khăn trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Thế nên đến giờ xã vẫn chưa có trường nào đạt chuẩn Quốc gia. Hệ thống điện lưới Quốc gia cũng chỉ mới đáp ứng nhu cầu sử dụng của 10/14 khu dân cư. Ngành nghề phụ không có, tuyệt đại đa số người dân trong xã sống phụ thuộc vào các hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp thuần túy. Để có đủ tỷ lệ lao động qua đào tạo không khó, nhưng để đào tạo nghề mới thực sự phù hợp, phát huy hiệu quả trong đời sống lại không hề đơn giản. Nhanh chóng giảm tỷ lệ 32,6% hộ nghèo, 30,64% hộ cận nghèo hiện tại vẫn là bài toán khó với chính quyền xã…
Với chủ trương “Nếp nghĩ mới - cuộc sống mới”, đối diện với khó khăn, thử thách đất “cửa rừng” Xuân Đài vẫn vững tin với mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đảng bộ, chính quyền và người dân đồng thuận quyết tâm xây dựng cuộc sống mới, được sự quan tâm hỗ trợ tích cực của các cấp, các ngành, đích đến nông thôn mới của xã vào năm 2015 sẽ không quá xa vời.
Hà Phương