PTO- Sau kỷ niệm 88 năm ngày báo chí cách mạng, chúng tôi có dịp về với Quảng Nam dự Hội thảo báo đảng các tỉnh miền Trung- Tây Nguyên do báo Quảng Nam chủ trì. Với chủ đề “Liên kết tuyên truyền du lịch”, Hội thảo đã thu hút được nhiều ý kiến của lãnh đạo các cơ quan báo chí tham gia về các giải pháp tuyên truyền, quảng bá nối dài tua du lịch để cùng nhau khai thác một cách có hiệu quả nguồn tiềm năng du lịch, nâng cao hiệu quả kinh doanh du lịch của mỗi tỉnh, thành trong khu vực. Bên lề hội thảo, trao đổi với chúng tôi, Phó Tổng biên tập Báo Quảng Nam - Trương Văn Nam cung cấp khá nhiều thông tin về kết quả hoạt động du lịch của quê nhà - vùng đất có tới hai di sản văn hóa thế giới.
![]() |
Khách du lịch xem các hiện vật cổ trưng bày trong tháp Chăm- Mỹ Sơn Di sản văn hóa thế giới (Duy Xuyên, Quảng Nam). |
Tỉnh Quảng Nam (được tái lập năm 1997) có 18 huyện, thành phố, thủ phủ là thành phố Tam Kỳ. Quảng Nam có diện tích tự nhiên trên 10 nghìn km2 vuông, nằm ở trung độ giữa thủ đô Hà Nội với thành phố Hồ Chí Minh. Quảng Nam là vùng đất cổ, các di sản, di tích văn hóa, lịch sử có mật độ dày đặc.
Nhà báo Lê Văn Nhi- Tổng biên tập Báo Quảng Nam tự hào nói về nguồn tiềm năng du lịch văn hóa của quê hương Quảng Nam: Vùng “đất mở về phương Nam” này là nơi hội tụ, giao lưu, tiếp biến nhiều giá trị văn hóa đặc trưng của nền văn minh Champa, Đại Việt, Hoa, Nhật và châu Âu. Vốn là thương cảng quốc tế nổi tiếng Đàng Trong xưa, xứ Quảng cũng sớm là cửa ngõ thông thương dịch vụ, thương mại, nối kết “con đường gốm sứ”, “con đường tơ lụa” “con đường hàng hóa” qua hàng hải quốc tế. Với vị trí địa lý như vậy mà đất Quảng trở thành nơi hội tụ, giao thoa văn hóa giữa các vùng miền cả nước và thế giới. Đặc biệt, Phố cổ Hội An và quần thể di tích Mỹ Sơn cùng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới (năm 1999) đã tạo sức hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, có rất nhiều di tích lịch sử chiến tranh cách mạng, khu lưu niệm gắn liền những nhân vật lịch sử như Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng (Tiên Phước), Khu lưu niệm Cố Chủ tịch nước Võ Chí Công (Núi Thành), Nhà mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ và Nhà lưu niệm Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi (Điện Bàn)… đất Quảng còn có những sản vật nổi tiếng, nơi có Nam trân (lòn bon, trái cây quý ở phương Nam) được vua Minh Mạng cho khắc trên cửu đỉnh, có những làng nghề đặc trưng của nền văn minh nông nghiệp như làng rau Trà Quế, Mộc Kim Bồng, Văn Hà, làng lụa Mã Châu, đúc đồng Phước Kiều, làng Bê thui Cầu Mống, trống Lâm Yên... Những làng quê còn gắn liền không gian văn hóa truyền thống, với khoảng 50 lễ hội dân gian, tiêu biểu như lễ hội Bà Thu Bồn (Duy Xuyên), rước Cộ Chợ Được (Thăng Bình), lễ hội cầu ngư (Núi Thành), cầu bông, giỗ tổ nghề yến (Hội An) ..
.Về tự nhiên, đất Quảng có đủ các vùng sinh thái thổ nhưỡng đặc trưng, có bờ biển dài 125km, nhiều di tích danh thắng nổi tiếng như: Quần đảo Cù Lao Chàm với hệ thống hang yến, các bãi biển đẹp như Bãi Hương, Bãi Làng; bờ biển Quảng Nam có nhiều bãi tắm đẹp (như bãi An Bàng – Hội An, đã được bầu chọn vào top 100 bãi biển đẹp trên hành tinh). Miền núi có những thắng cảnh thiên nhiên kỳ vĩ như Hòn Kẽm Đá Dừng, núi Hòn Tàu, Hòn Đền – Núi Chúa, có Ngọc Linh nổi tiếng với cây sâm trên đỉnh mây giăng bao phủ quanh năm, có Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, các Khu bảo tồn động vật hoang dã. Miền núi có nhiều đèo suối, thác nước rất đẹp như suối Tiên, suối Nước Mát – Đèo Le (Quế Sơn), hố Giang Thơm, Bàn Than (Núi Thành). Ngay sát thành phố có hồ Phú Ninh rộng hàng chục ngàn ha, với nhiều ngách nước len lỏi bên những quả đồi thấp đồi cao, có nguồn nước khoáng nóng từ giếng khoan trong lòng hồ, từ lâu trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn.
Các yếu tố tự nhiên và xã hội nói trên là nguồn lực quan trọng cho hoạt động du lịch của tỉnh phát triển.
Từ khi tái lập tỉnh, Quảng Nam đã đặt ra yêu cầu phải khai thác tốt nguồn tiềm năng tự nhiên- xã hội cho phát triển dịch vụ - du lịch, xác định đó là mũi nhọn để tạo bước đột phá chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Bằng các giải pháp thu hút đầu tư, thực hiện định hướng phát triển du lịch mang tính chiến lược, hoạt động Du lịch của tỉnh có tốc độ tăng trưởng nhanh hàng năm. Năm 1997 đón được hơn 200 ngàn lượt khách, năm 2000, đón 400 ngàn lượt khách, đến năm 2004, Quảng Nam đã đón vị khách thứ 1 triệu và chỉ 3 năm sau đã đón hơn 2 triệu lượt khách, đến cuối năm 2012 đón gần 3 triệu lượt khách. Tính riêng tháng 5-2013, tổng lượt khách tham quan và lưu trú trên địa bàn tỉnh có gần 271 ngàn lượt, tăng 6,7% so cùng kỳ. 5 tháng đầu năm nay, tổng lượt khách tham quan và lưu trú hơn 1 triệu 300 nghìn lượt, tăng gần 2,7% so cùng kỳ và đạt 44% so với chỉ tiêu đề ra.Thu nhập xã hội từ du lịch tăng mạnh và vững chắc qua các năm. Năm 2001 thu gần 200 tỷ đồng vào, năm 2004 thu gần 500 tỷ đồng vào, năm 2006 thu hơn 1.000 tỷ đồng, năm 2009 thu hơn 1.900 tỷ đồng và năm 2012 là 3.235 tỷ đồng. So với hơn 10 năm trước, con số thu nhập xã hội từ du lịch hiện nay tăng gấp 40 lần, đã góp phần đáng kể vào việc cải thiện và nâng cao thu nhập đời sống nhân dân.
Gắn giữa thu hút đầu tư chung, thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Quảng Nam còn nỗ lực thu hút các nguồn vốn đầu tư cho du lịch. Sau hơn 15 năm xây dựng và phát triển đến nay, riêng FDI, đã có 81 dự án đầu tư, chủ yếu là các doanh nghiệp du lịch đầu tư vào địa bàn Quảng Nam với tổng vốn trên 4,7 tỷ USD. Nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế tích cực, phát triển công nghiệp và dịch vụ nên từ một tỉnh lệ thuộc hoàn toàn vào trợ cấp ngân sách từ Trung ương, thu nội địa chỉ đạt mức 157 tỷ đồng năm 1997, đến nay, tổng thu nội địa của Quảng Nam đạt 4.200 tỷ đồng, tăng gần 27 lần. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch trên địa bàn tỉnh có bước phát triển đột phá. Năm 1997, trên địa bàn tỉnh chỉ có 13 khách sạn/500 phòng, đến nay đã có trên trăm khách sạn (trong đó, có 3 khách sạn 5 sao, 11 khách sạn 4 sao) với vài ngàn phòng ngủ và nhiều cơ sở du lịch khác đủ năng lực để tổ chức các sự kiện khu vực và quốc tế.
Trên đà đi tới, thực hiện chiến lược tăng tốc phát triển du lịch, Quảng Nam đang hướng tới mục tiêu đến năm 2020 sẽ đón 6,2 triệu lượt khách, trong đó có 2,4 triệu lượt khách quốc tế và 3,8 triệu lượt khách nội địa; thu nhập từ du lịch đạt 1.152,5 triệu USD, chiếm tỷ trọng 25-27% tổng GDP của tỉnh.
Thăng Long