Thương binh nặng vượt lên số phận
PTĐT- Là chiến sĩ của F345 tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới của Tổ quốc, năm 1979 sau một lần pháo kích của địch anh Nguyễn Chí Hạnh ở khu 4, xã Liên Hoa, huyện Phù Ninh...

Thương binh nặngvượt lên số phận

PTĐT- Là chiến sĩ của F345 tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới của Tổ quốc, năm 1979 sau một lần pháo kích của địch anh Nguyễn Chí Hạnh ở khu 4, xã Liên Hoa, huyện Phù Ninh bị thương được đưa về điều trị trong trạng thái mê man bất tỉnh. Trải qua quá trình điều trị hồi phục sức khỏe tại Bệnh viện 109 đến khi giám định anh đã mất tới 89% sức khỏe, được xếp hạng thương binh 1/4 và đưa về Đoàn an dưỡng thương binh nặng của Quân khu. Mọi sinh hoạt cá nhân đều vô cùng khó khăn và phải có người giúp đỡ. Anh luôn trăn trở, tuy mất đi 2 cánh tay song đôi chân vẫn còn đi được, sức khỏe vẫn còn, do vậy phát huy phẩm chất bộ đội cụ Hồ, với tinh thần “Thương binh tàn nhưng không phế"; anh đã bắt đầu từ việc mày mò nghiên cứu phục vụ cho chính mình trong sinh hoạt. Những năm ở Đoàn an dưỡng, anh đã nghĩ ra và nhờ đồng đội giúp sức tận dụng vỏ hộp sữa bò, những vật liệu đơn giản để tạo ra cho mình một cánh tay để thuận lợi trong sinh hoạt. Sau nhiều lần làm đi, làm lại, anh đã có được một cánh tay đơn giản, cài được cái thìa để tự xúc cơm ăn và tự làm được một số việc đơn giản khác. Ngoài ra, anh còn dùng chân để tập viết.

Năm 1982 anh Hạnh xin về gia đình để thực hiện ước mơ làm được điều gì đó cho gia đình và bản thân. Những năm đầu mới về, gia đình thì nghèo, các em còn nhỏ, kinh tế vô cùng khó khăn; anh giúp cha mẹ từ việc chăn trâu, làm những việc vặt ở nhà. Sau đó được gia đình động viên, địa phương ủng hộ giúp đỡ anh mở một quán hàng nhỏ để bán tạp hóa ở gần khu vực trung tâm xã. Với tính cần cù, chịu thương, chịu khó vừa làm, vừa học chi tiêu tiết kiệm, cuộc sống ngày dần ổn định và phát triển. Cảm phục nghị lực của anh, cô thôn nữ Nguyễn Thị Thìn đã đến với anh, hai người nên duyên vợ chồng. Thuận vợ, thuận chồng, vợ làm ruộng, chồng quản lý, kinh doanh cửa hàng tạp hóa, cuộc sống gia đình ngày càng khấm khá. Anh chị nuôi được 2 con ăn học, trưởng thành. Quá trình làm ăn anh chị đã tích lũy được một ít vốn, vay thêm gia đình, anh em, bạn bè đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi lợn theo hướng công nghiệp, đồng thời mua xe cho con trai tham gia vận tải để xây dựng kinh tế gia đình. Anh được xã cho nhận thầu 2ha rừng cọ đã hết kỳ khai thác với thời gian 50 năm để cải tạo đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi với 3 khu chăn nuôi: Lợn sinh sản: 20 con; lợn thịt: 250 con; gà Minh Dư: 5.000 con; kết hợp trồng 100 cây bưởi da xanh, xen kẽ là cây đinh lăng phủ kín trang trại. Từ mô hình kinh tế tổng hợp, mỗi năm trừ chi phí gia đình anh thu lãi từ 200 triệu đồng trở lên. Với những nỗ lực và thành tích đã đạt được, anh Hạnh đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh công nhận là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2015, 2016.

Nguyễn Tiến Phương

Nguyễn Tiến Phương