PTĐT- Với gần 70 ngàn lao động trong độ tuổi, nhưng trước đây tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Thanh Ba khá thấp. Theo khảo sát của huyện, thời điểm cuối năm 2010 tỷ lệ lao động được đào tạo trong toàn huyện mới đạt 33,6%, trong đó qua đào tạo nghề chỉ chiếm 16,7%.
Sau khi được tham gia lớp học về kỹ thuật trồng chè, anh Đinh Bá Quỳ ở khu 7, xã Thái Ninh đã áp dụng các kiến thức mới vào thực tế sản xuất của gia đình, nâng năng suất chè búp tươi từ 12 tấn lên trên 15 tấn/ha.
Nguyên nhân được xác định một phần là do lao động chủ yếu thuần nông, xuất phát điểm thấp, nhận thức của đa số người lao động về học tập để nâng cao năng lực trình độ trong lao động sản xuất còn hạn chế, phần đông làm theo kinh nghiệm chưa chú trọng trang bị kiến thức một cách bài bản.
Trong khi đó cấp ủy, chính quyền một số xã cũng chưa quan tâm sâu sát tới chương trình đào tạo nghề ở địa phương, thiếu kiểm tra, giám sát việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói chung và chủ trương, chính sách về đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa thường xuyên; sự phối kết hợp giữa các ban, ngành trong công tác đào tạo nghề còn thiếu chặt chẽ...
Thời điểm đó huyện Thanh Ba cũng chưa có Trung tâm dạy nghề trực thuộc huyện nên chưa chủ động trong công tác đào tạo các nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp theo nhu cầu thực tế.
Trước thực trạng trên, huyện Thanh Ba đã triển khai nhiều giải pháp “gỡ khó”. Bám sát các nội dung của Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 07- NQ/TU ngày 24-6-2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, Thanh Ba đã kiện toàn Ban chỉ đạo về đào tạo nghề, xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” trên toàn huyện.
Tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của công tác đào tạo nghề; tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo nghề ở 100% xã, thị trấn; phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên để vận động và tư vấn hội viên, đoàn viên tham gia các lớp học nghề tại địa phương.
Cụ thể hóa kế hoạch của huyện, Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội tích cực hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch từng năm và định hướng công tác đào tạo nghề đến năm 2020. Bên cạnh đó Trung tâm Giáo dục thường xuyên của huyện được củng cố, bổ sung thêm chức năng dạy nghề.
Nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của huyện, hầu hết các xã, thị trấn đã chủ động phối kết hợp với các trường nghề, các trung tâm dạy nghề liên tục tổ chức các lớp dạy nghề theo nhu cầu thực tế của địa phương, theo đó người lao động cũng có nhiều cơ hội được lựa chọn học các nghề phù hợp với trình độ, điều kiện kinh tế.
Đặc biệt trong quá trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện đã thực hiện đầy đủ các chính sách ưu tiên đối với những trường hợp là con em gia đình chính sách, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số…
Huyện còn tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong và ngoài nước để làm tốt công tác đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực dồi dào của địa phương cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, sản xuất linh kiện điện tử.
Hướng dẫn kỹ thuật sử dụng giàn xạ kéo tay cho bà con nông dân huyện Thanh Ba.
Trong 4 năm trở lại đây, mỗi năm huyện Thanh Ba tổ chức được bình quân từ 13 đến 17 lớp dạy nghề, thu hút 420 đến 520 lao động tham gia học nghề, trong đó nhiều nghề được đánh giá là phù hợp với nhu cầu của người học và điều kiện thực tế tại địa phương như: Chăn nuôi, trồng trọt, quản lý dịch hại tổng hợp, chế biến chè, may công nghiệp, sửa chữa điện, sửa chữa máy nông nghiệp...
Tính đến nay, tỷ lệ lao động được đào tạo, truyền nghề của huyện đã tăng lên đạt 55%, trong đó đào tạo có bằng cấp chứng chỉ là 34%. Qua hoạt động đào tạo nghề, người lao động đã tiếp cận được các kiến thức mới về lĩnh vực mình đào tạo, nhất là các lớp dạy nghề nông nghiệp, nhiều người còn chủ động ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, giảm chi phí sản xuất và tăng quy mô sản xuất, năng suất lao động, tự tạo việc làm tại chỗ, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Anh Đinh Bá Quỳ ở khu 7, xã Thái Ninh cho biết: “Gia đình tôi có 8 sào đồi chuyên canh cây chè, nhờ được tham gia lớp đào tạo về kỹ thuật trồng chè, nên tôi và nhiều học viên trong xã đã nhanh chóng nắm bắt và áp dụng có hiệu quả các kỹ thuật mới trong trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh an toàn cho cây chè để có năng suất cao, nhất là quy tắc 4 đúng “đúng lúc, đúng thời điểm, đúng liều lượng, đúng bệnh”. Nhờ đó năng suất đồi chè của gia đình tôi đã tăng từ 12 tấn lên trên 15 tấn/ha, sau khi trừ chi phí thu nhập tăng gần 1,5 lần so với trước”.
Cùng với đào tạo nghề, công tác giải quyết việc làm cũng được huyện quan tâm, mỗi năm trên địa bàn huyện có khoảng 2.000 lao động nông thôn được tạo việc làm mới, nhiều lao động được vay vốn để phát triển sản xuất, phát huy hiệu quả ngành nghề được đào tạo, nhiều lao động tích cực tham gia xuất khẩu lao động gửi ngoại tệ về phát triển kinh tế gia đình đã góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống, mức thu nhập cho người dân.
Hiện nay, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 69%, huyện Thanh Ba đang tiếp tục tập trung thực hiện tốt các giải pháp: Gắn đào tạo nghề với quy hoạch tổng thể về phát triển KT-XH; học nghề gắn với tạo việc làm, chú trọng đào tạo bổ sung nhân lực cho các ngành nghề có thế mạnh của địa phương; làm tốt hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong các trường THCS, THPT để học sinh có nhận thức đúng đắn về học nghề lập nghiệp, tránh tâm lý nặng về bằng cấp “thích làm thầy hơn làm thợ”.
Bên cạnh đó huyện sẽ phối hợp thường xuyên hơn với các cơ sở đào tạo nghề, các doanh nghiệp để cung cấp thông tin về nhu cầu sử dụng lao động của từng loại hình doanh nghiệp nhằm giúp người lao động có việc làm ngay sau khi học nghề; đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; bổ sung cơ sở vật chất cho Trung tâm GDNN - GDTX của huyện và chỉ đạo các xã bố trí kinh phí từ nguồn vốn hỗ trợ xây dựng nông thôn mới để mở các lớp dạy nghề...
Hy vọng với những giải pháp tích cực này sẽ đáp ứng yêu cầu nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực của huyện Thanh Ba trong giai đoạn hiện nay.
Kim Ngân