Cần có những giải pháp tích cực, hiệu quả
PTO- Hàng giả, hàng kém chất lượng, không xuất xứ hoặc vi phạm sở hữu trí tuệ lưu thông trên thị trường đang là một vấn đề làm đau đầu cơ quan chức năng và tiềm ẩn những hệ lụy không nhỏ cho người tiêu dùng...

Cần có những giải pháp tích cực, hiệu quả

Logo PTO.jpg- Hàng giả, hàng kém chất lượng, không xuất xứ hoặc vi phạm sở hữu trí tuệ lưu thông trên thị trường đang là một vấn đề làm đau đầu cơ quan chức năng và tiềm ẩn những hệ lụy không nhỏ cho người tiêu dùng. Người kinh doanh hàng giả và thu tiền thật, đây là Thực trạng diễn ra phổ biến khắp địa bàn toàn tỉnh, việc kiểm tra, phát hiện và xử lý đang gặp nhiều khó khăn…

Vi phạm tràn lan…

Bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban chỉ đạo 127 Trung ương, 6 tháng đầu năm Ban chỉ đạo 127 tỉnh đã chỉ đạo sát sao các ngành thành viên triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt, cấp bách trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại… Nhờ đó đã hạn chế được nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất kinh doanh thương mại, bình ổn thị trường, góp phần thực hiện tốt mục tiêu kiềm chế lạm phát, kiểm soát giá cả, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho nhà sản xuất và người tiêu dùng, tạo dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng, ổn định kinh tế- xã hội tại địa phương. Kết quả trong 6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng đã thực hiện kiểm tra 2.225 lượt vụ, xử lý 1.216 vụ vi phạm, với tổng số tiền thu phạt nộp ngân sách nhà nước trên 16,687 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây chắc chắn là những con số hết sức khiêm tốn so với thực trạng hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường hiện nay.

Tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh thương mại, là nhiệm vụ quan trọng của lực lượng quản lý thị trường. - Cán bộ Đội chống sản xuất và buôn bán hàng giả kiểm tra quy định về tem nhãn mác đối với mặt hàng rượu tại Siêu thị Hùng Vương. Ảnh:?Đức Minh
Tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh thương mại, là nhiệm vụ quan trọng của lực lượng quản lý thị trường.

- Cán bộ Đội chống sản xuất và buôn bán hàng giả kiểm tra quy định về tem nhãn mác đối với mặt hàng rượu tại Siêu thị Hùng Vương. Ảnh: Đức Minh

Qua công tác đấu tranh chống hàng giả trên địa bàn tỉnh cho thấy, hàng giả tập trung ở một số mặt hàng trọng điểm như hàng tiêu dùng, hàng may mặc, thực phẩm, thuốc tân dược, mỹ phẩm và vật tư nông nghiệp. Nhiều mặt hàng giả có nguồn gốc từ Trung Quốc nhái thương hiệu của một số hãng nổi tiếng như Gucci, Chanel, Lancome… Hầu hết các mặt hàng này đều có trình độ làm giả, làm nhái ngày càng tinh vi từ kiểu dáng đến nhãn mác và thậm chí có cả tem chống hàng giả, khiến cho lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, phân biệt, xử lý vi phạm. Các đối tượng lợi dụng những bất cập và kẽ hở trong cơ chế chính sách để sản xuất, kinh doanh buôn bán phi pháp gây nhiều khó khăn cho lực lượng kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Chị Giang, chủ cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm tại chợ trung tâm cho biết: Hiện nay nhiều hộ kinh doanh mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng, bán hàng nhái vì lợi nhuận cao hơn gấp nhiều lần hàng chính hãng. Ví dụ một lọ kem dưỡng da của Lancome xịn có giá trên 2 triệu đồng nhưng hàng nhái có xuất xứ Trung Quốc với mẫu mã 100% giống hàng thật chỉ có giá gần 200 ngàn đồng. Chính vì lý do lợi nhuận mà nhiều người đã trà trộn hàng để lừa khách hàng.

Một mặt hàng “nhạy cảm” mà cũng đang bị gian lận nổi bật hiện nay đó là gas. Trong 5 tháng đầu năm, mặt hàng gas đã 3 lần điều chỉnh giá cả lên mức cao hơn. Trong khi đó, tình hình sang chiết gas lậu vẫn còn diễn ra, các vi phạm sở hữu trí tuệ về nhãn hàng hóa, chiếm dụng bình gas, kinh doanh gas không đảm bảo điều kiện an toàn vẫn tồn tại. Có khá nhiều hãng bị vi phạm bản quyền như việc sử dụng bình mang thương hiệu của công ty để tổ chức chiết nạp trái phép, việc sử dụng nhãn mác niêm phong giả để đánh lừa khách hàng. Tuy nhiên, việc giám sát hoạt động kinh doanh gas khá phức tạp, khó khăn. Hiện Phú Thọ chưa có một đơn vị quản lý chuyên trách nào có chức năng giám sát, kiểm định chất lượng và độ an toàn của vỏ bình gas. Khách hàng sử dụng gas phải chấp nhận may rủi, dùng bất kỳ thương hiệu gas nào mà không được biết về chất lượng gas, độ an toàn của vỏ bình...

Trong bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm liên quan đến hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường, trong 6 tháng đầu năm 2012, Chi cục QLTT tỉnh, lực lượng công an đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm VSATTP. Các mặt hàng vi phạm bao gồm: Nước ngọt đóng chai, thức ăn gia súc giả nhãn hiệu, trứng gia cầm, chân gà, nội tạng và mỡ động vật không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Sau khi phát hiện và bắt giữ các loại mặt hàng nói trên, lực lượng QLTT đã chuyển giao tới các cơ quan chức năng để tiếp tục giám định sai phạm và tổ chức tiêu hủy toàn bộ số lượng hàng hóa vi phạm pháp lệnh VSATTP, tổng giá trị hàng hóa bị tịch thu, tiêu hủy hàng tỷ đồng. Theo thông tin từ cơ quan chức năng: Một trong những nguồn gốc thực phẩm vào thị trường Việt Nam nói chung trong đó phổ biến cả ở thị trường tỉnh ta là từ Trung Quốc, mà chất lượng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng, đó là thực phẩm được chế biến sẵn từ các loại rau củ quả, như củ cải, xu hào, măng tre; chân gà, đuôi – nội tạng bò, cao nấu lẩu, bột ngọt… được chế biến rồi tuồn sang Việt Nam bằng nhiều con đường, nên rất khó kiểm soát để xác định chất lượng.

Trong khi mặt hàng tân dược đang đặt ra nhiều vấn đề lộn xộn về thị trường, chất lượng, khó kiểm soát, khó xử lý thì có một điều đáng lưu ý về mặt hàng thuốc đông dược “giá rẻ” cũng có nguồn gốc từ Trung Quốc lẫn lộn tiêu thụ trên thị trường như sâm củ, “Đông trùng hạ thảo”…đang làm cho cơ quan chức năng đau đầu và gần như chưa có giải pháp kiểm soát hiệu quả.

Có thể khẳng định rằng, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng không chất lượng đang chiếm lĩnh thị trường hiện nay gây thiệt hại cho người tiêu dùng và khó khăn đối với cơ quan quản lý nhà nước. Bất kể ai, bằng nhãn quan của mình đều nhìn thấy sự tràn lan của các sản phẩm được coi là không chính hãng từ mặt hàng đơn giản nhất đến các sản phẩm hiện đại. Và câu chuyện “con buôn” buôn hàng giả ăn tiền thật đang hàng ngày, hàng giờ hiện hữu trong cuộc sống của chúng ta mà vẫn chưa được cơ quan chức năng mạnh tay xử lý (?)

Cần có những giải pháp tích cực, hiệu quả

Từ tham vấn ý kiến của một số cơ quan, ngành chức năng và doanh nghiệp, nhận thấy: Công tác quản lý, kiểm soát thị trườnghàng giả, hàng kém chất lượng là vô cùng nan giải và trước mắt chưa thể có được những biện pháp ngăn chặn hữu hiệu… Đảm bảo quyền lợi cho nhà sản xuất và người tiêu dùng đang là đòi hỏi cấp thiết đối với công tác quản lý thị trường. Ví dụ, bài toán để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý kinh doanh xăng dầu chính là việc siết chặt công tác quản lý chất lượng, giá cả của loại mặt hàng này. Tuy nhiên, vẫn chưa có sự nhất quán ngay trong việc tổ chức các đoàn liên ngành thanh, kiểm tra. Bên cạnh đó, là sự phối hợp chưa cao giữa các cơ quan chức năng trong từng đợt kiểm tra.

Đối với thị trường hàng tiêu dùng, mặc dù ngành QLTT đã rất nỗ lực trong việc kiểm tra, giám sát thế nhưng chủ cửa hàng có rất nhiều “mánh khóe” để qua mặt cơ quan chức năng khiến cho thị trường của mặt hàng này ngày càng phức tạp. Bên cạnh đó, thị trường hàng tiêu dùng rất rộng, lực lượng cán bộ QLTT lại mỏng cho nên đó là một nguyên nhân khiến cho việc kiểm soát các mặt hàng gặp rất nhiều khó khăn.

Công tác giám sát, bảo đảm VSATTP cũng là một bài toán khó đối với toàn xã hội nói chung và lực lượng QLTT nói riêng. Về mặt nguyên tắc nhà nước, Chi cục QLTT là một trong những đơn vị chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động thương mại nói chung của toàn xã hội. Theo đó, các hành vi vi phạm pháp luật thương mại sẽ bị xử lý, trong đó có cả hành vi sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm không đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, công tác giám sát chất lượng VSATTP, Chi cục QLTT thiếu hẳn một quy trình giám sát chất lượng mà bấy lâu nay đành phải lâm vào thế “lực bất tòng tâm”. Không có cán bộ kỹ thuật để có thể tiến hành đo đạc, kiểm tra chất lượng VSATTP do đó kế hoạch, công tác kiểm tra, giám sát VSATTP gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

Như vậy, có thể thấy cuộc chiến chống hàng giả còn nhiều bất cập. Có doanh nghiệp khi sản phẩm bị làm giả, làm nhái đã không muốn, hoặc không dám công bố công khai, do sợ nếu công bố thì sản phẩm của mình cũng sẽ không tiêu thụ được. Cũng có nhiều doanh nghiệp tuyên chiến “không đội trời chung” với hàng giả, nhái, nhưng hiệu quả vẫn chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”.

Mục tiêu của công tác quản lý thị trường năm 2012 trên địa bàn tỉnh là ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng không để tình hình hàng lậu, hàng giả bùng phát phức tạp tại một số thời điểm như dịp lễ, Tết. Tuy nhiên, qua phân tích thực trạng hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường và từ những khó khăn cụ thể trong công tác thanh, kiểm tra, xử lý của các đơn vị, ngành chức năng, có thể nhận thấy chưa “hé lộ” được giải pháp hữu hiệu để thắt chặt quản lý thị trường, ngăn chặn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Một giải pháp có lẽ được cho là thiết thực nhất đó là sự liên doanh, liên kết giữa các DN trong việc “đồng tâm hiệp lực” chống lại hàng giả, nhái, kém chất lượng để bảo vệ lợi ích cho người tiêu dùng. Khi phát hiện ra sản phẩm bị làm giả, DN cần kiên quyết lên tiếng để nhận được sự ủng hộ của các DN khác và khách hàng.

Bên cạnh đó, liên kết chặt chẽ với người tiêu dùng là một trong những giải pháp phòng chống nạn hàng giả, hàng nhái thông minh hiện nay. Các DN cần có biện pháp tuyên truyền giới thiệu về sản phẩm, có hệ thống nhận diện thương hiệu, bao bì chất lượng cao, có tem chống hàng giả hàng nhái đồng thời có đường dây nóng để nhận thông tin phản hồi từ khách hàng trên thị trường để kịp thời xử lý tránh để xảy ra những sự cố không hay ảnh hưởng đến thương hiệu cũng như quyền lợi của khách hàng.

Nhiều người tiêu dùng đã thể hiện quan điểm chống hàng giả của mình bằng cách phát hiện và tuyên truyền cho những người thân và thậm chí thông báo cho cơ quan chức năng biết những cơ sở sản xuất, tiêu thụ hàng giả. Bảo vệ được người tiêu dùng, bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp làm ăn chân chính sẽ tạo một môi trường trong sạch trong kinh doanh, triệt tiêu hàng giả. Và để “khai tử” nạn hàng giả, nhái, kém chất lượng cần sự chung tay của toàn xã hội. Hiện nay, chúng ta đang tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt?Nam ưu tiên dùng hàng Việt?Nam” nên việc tẩy chay hàng giả, hàng nhái càng trở nên cấp thiết. Khi người tiêu dùng trở thành những người thông thái thì đó cũng chính là thể hiện tình yêu Tổ quốc./.

Kim Chi