Sáng 5/6, hơn 15.000 thí sinh dự thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2023 - 2024 hoàn thành bài thi đầu tiên môn Ngữ văn (hệ không chuyên).
Dưới đây là đáp án gợi ý cho bài thi môn Ngữ văn, thực hiện bởi cô giáo Nguyễn Thị Ngọc - Tổ Trưởng Tổ Khoa học Xã hội, Trường THCS Văn Lang, TP Việt Trì.
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1
Chỉ ra biểu hiện của Một thời đại với những giá trị bị đảo lộn được nói đến trong đoạn văn (1): Những thứ tầm thường giá trị rẻ tiền thì lại lên ngôi, còn những điều chân giá trị thì lại lặn xuống dưới . Người ta nhìn nhau qua vẻ bề ngoài, chạy theo vật chất…
Câu 2
+ Xác định Phép lặp trong đoạn (2): Tôi đã; đã, thấy.
+ Tác dụng: Tạo sự liên kết chặt chẽ, nhấn mạnh và làm nổi bật chủ đề: mỗi người cần tự tin vào bản thân và nhận ra những giá trị chân chính của cuộc sống.
Câu 3
HS chỉ ra thông điệp có ý nghĩa nhất đối với mình và có lý giải hợp lý.
Gợi ý:
+ Sống là chính mình
+ Nhận thức được những giá tri tốt đẹp và chân chính của cuộc sống: sống tử tế, chân thành, chia sẻ đồng cảm.
+ Cố gắng nỗ lực từng ngày để làm cho cuốc sống tốt đẹp và ý nghĩa hơn….
II TẬP LÀM VĂN
Câu 1
Nghị luận xã hội
a. Yêu cầu về kĩ năng:
- Đảm bào hình thức của đoạn văn nghị luận, đúng số câu.
- Diễn đạt trong sáng, mạch lạc.
- Đảm bảo đúng chính tả, dùng từ, đặt câu, ngữ pháp.
b. Yêu cầu về kĩ năng: Xác định đúng vấn đề nghị luận: cần làm gì để sống là chính mình trong một thế giới muốn biến mình thành người khác (HS có thể đưa ra quan điểm, suy nghĩ riêng, nhưng lí lẽ, dẫn chứng thuyết phục, chuẩn mực; tránh suy nghĩ tiêu cực, lệch lạc).
Có thể theo hướng sau:
*Giải thích:
- Sống là chính mình: Tự tin, làm chủ bản thân, có chính kiến của mình. Sống một cuộc đời tốt đẹp với những giá trị của chính mình.
- Một thế giới : Thế giới biến động, nhiều tác động của cả những điều tốt, xấu Cách sống có bản lĩnh, làm chủ bản thân, hướng tới những điều tốt đẹp có ý nghĩa.
*Những việc cần làm:
+ Nhận thức rõ bản thân, biết trân trọng giá tri khả năng riêng và chấp nhận cả những hạn chế của mình. Từ đó xác định mục tiêu, có định hướng đúng đắn và quyết tâm thực hiện.
+ Sống bản lĩnh, có chính kiến, phân biệt tốt và xấu.
+ Biết vươn lên hoàn thiện bản thân để cuộc sống tốt đẹp và ý nghĩa đối với mình, gia đình và xã hội….(Lấy dẫn chứng phù hợp)
- Bàn luận mở rộng:
Phê phán những người không tự tin, đánh mất chính mình, dựa dẫm vào người khác hoặc a dua theo đám đông… Bên cạnh đó cũng phải phân biệt giữa sống là chính mình không phải là ích kỷ chỉ biết nghĩ cho mình.
* Bài học nhận thức và hành động:
+ Hiểu được vai trò, ý nghĩa của lối sống là chính mình để phát triển năng lực, khẳng định mình.
Câu 2
Nghị luận văn học
1. Yêu cầu về kĩ năng:
- Học sinh có kĩ năng làm bài văn cảm nhận về một vấn đề qua đoạn thơ.
- Lí lẽ, dẫn chứng tiêu biểu hợp lí, bố cục rõ ràng, diễn đạt mạch lạc.
2. Yêu cầu về kiến thức:
Xác định đúng vấn đề nghị luận: Vẻ đẹp mùa xuân đất nước qua hai khổ thơ
a. Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm, đoạn trích và vấn đề nghị luận: vẻ đẹp của mùa xuân đất nước qua hai khổ thơ.
b. Cảm nhận về vẻ đẹp của mùa xuân đất nước
*Cảm nhận vẻ đẹp mùa xuân đất nước nước qua hình ảnh con người với hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước:
- Hệ thống điệp từ “mùa xuân”, “lộc”: gợi quang cảnh mùa xuân tươi đẹp, tràn đầy sức sống của chồi non lộc biếc còn gợi những thành quả trong công cuộc xây dựng đất nước.
- Hình ảnh “người cầm súng” “người ra đồng”: được liệt kê để vẽ lên hình ảnh đất nước nhộn nhịp với hàng vạn con người đang góp sức mình cho mùa xuân của dân tộc.
+ Hình ảnh “người cầm súng”: người lính chiến đấu vì mùa xuân của đất nước. Lộc trên lưng vừa là hình ảnh cành lá ngụy trang vừa là mùa xuân mà họ mang lại cho đất nước.
+ Hình ảnh “người ra đồng”: không khí lao động ở hậu phương. “Lộc trải dài nương mạ”: mang đến những cánh đồng xanh tươi, những vụ mùa no ấm, mang lại sự sống,
- Cả dân tộc bước vào xuân với khí thế khẩn trương, rộn ràng náo nức: Điệp từ “tất cả” + lặp cấu trúc ngữ pháp + các từ láy “hối hả” “xôn xao” diễn tả nhịp sống sôi động, tràn đầy niềm vui, hạnh phúc.
=> Mùa xuân của đất nước gắn với hai nhiệm vụ: xây dựng và bảo vệ đất nước.
* Cảm nhận về vẻ đẹp của mùa xuân đất nước qua những suy ngẫm về đất nước trong chiều dài lịch sử:
+ Đất nước được nhân hóa như con người “vất vả” “gian lao”: đúc kết quá khứ, lịch sử dân tộc đầy đau thương, mất mát song cũng rất đáng tự hào. Đó là bốn ngàn năm dựng và giữ nước gian khổ mà hào hùng của cha ông ta.
-> Đoạn thơ bộc lộ lòng biết ơn, tự hào, kiêu hãnh với các thế hệ đã làm nên lịch sử hào hùng của đất nước.
+ So sánh “đất nước như vì sao” gợi vẻ đẹp tươi sáng của đất nước trên con đường đi tới tương lai; gợi niềm tin của tác giả vào một ngày mai tươi đẹp của quê hương, đất nước.
-> Giọng thơ vừa tha thiết, vừa trang trọng đã gói trọn niềm yêu mến, tự hào, tin tưởng của nhà thơ về đất nước.
c. Đánh giá - Tổng hợp
- Thể thơ năm chữ gần với điệu dân ca, âm hưởng tha thiết, điệu thơ như điệu của tâm hồn, cách gieo vần linh hoạt, biến hóa tạo chất nhạc liền mạch của dòng cảm xúc.
- Cảm xúc chân thành, sâu lắng, tha thiết, nhịp thơ phổ biến là nhịp 3/2 và 2/3 khiến bài thơ sâu lắng như một lời tâm tình phù hợp với cảm xúc của tác giả.
- Sử dụng các phép tu từ như ẩn dụ, so sánh, điệp ngữ… đặc sắc khiến câu thơ lắng đọng cảm xúc.
d. Kết luận
- Hai khổ thơ đã mở ra vẻ đẹp mùa xuân của đất nước của cách mạng. Mùa xuân trên trận địa và mùa xuân trên cánh đồng, mùa xuân được làm nên bởi con người Việt Nam bình dị mà vĩ đại. Tất cả đã góp phần dệt nên một màu toàn thắng cho mùa xuân lớn của đất nước, của dân tộc.
- Qua đó, tác giả gửi gắm niềm tin tưởng, tự hào vào thế đi lên và tương lai tươi sáng của đất nước.
Trà-Trang