Hát Xoan là một loại hình dân ca lễ nghi - phong tục độc đáo của vùng Đất Tổ và được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể, đại diện của nhân loại. Vì thế, suốt những năm qua, ngành GD&ĐT đã tích cực đưa Di sản Hát Xoan vào giới thiệu, giảng dạy trong trường học để cùng với các cấp, các ngành bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản, khơi dậy tình yêu trong thế hệ trẻ, tạo lực lượng kế cận.
Biểu diễn Hát Xoan của học sinh Trường THCS Hùng Lô, TP Việt Trì tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập trường.
Là một trong những trường đi đầu trong việc tổ chức truyền dạy, trải nghiệm và trình diễn về Hát Xoan, Trường Tiểu học Gia Cẩm, thành phố Việt Trì có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện bằng việc xây dựng kế hoạch giảng dạy ngay từ đầu năm học; ngoài việc dạy hát trong giờ âm nhạc, trường còn đưa vào hoạt động ngoại khóa, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Đồng thời, nhà trường thành lập CLB Hát Xoan toàn trường với sự tham gia của 100% học sinh... Nhờ đó tạo nên không khí hào hứng, thu hút cho học sinh. Trong các chương trình, sự kiện chính trị, văn hóa lớn của thành phố, của tỉnh như: Chào Xuân, Đại hội thể dục thể thao... Hay gần đây nhất là sự kiện “Ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV” do tỉnh Phú Thọ đăng cai tổ chức diễn ra tại thành phố Việt Trì, nhà trường đều có tiết mục Hát Xoan tham gia. Qua đó, giúp học sinh hiểu giá trị cũng như việc gìn giữ loại hình di sản này.
Cũng như Trường Tiểu học Gia Cẩm, Trường THCS Hùng Lô, thành phố Việt Trì đã đưa Hát Xoan vào các hoạt động ngoại khóa của trường, hoạt động ngoài giờ lên lớp. Trường đã tích hợp vào nội dung các tiết dạy như: Địa lý (dạy về vùng, miền), lịch sử địa phương, Ngữ văn, Âm nhạc; tổ chức cho học sinh các khối lớp tham quan thực tế tại các làng Xoan cổ. Thầy giáo Đặng Quang Trung -Hiệu Trưởng nhà trường cho biết: “Trường thành lập CLB Hát Xoan, thành viên là những hạt nhân văn nghệ của các lớp. CLB đã tham gia các buổi giao lưu văn nghệ, các dịp kỷ niệm của trường và địa phương. Với cách thức như vậy, đến nay, học sinh đã tiếp cận và say mê hát Xoan”.
Học sinh Trường TH Kim Đức, TP Việt Trì trình diễn Hát Xoan tại Hồ công viên Văn Lang.
Để bảo tồn, gìn giữ giá trị Di sản Hát Xoan, Sở GD&ĐT phối hợp với ngành VH-TT&DL tổ chức tập huấn, trang bị, củng cố cho đội ngũ giáo viên âm nhạc có những kiến thức về các làn điệu Hát Xoan. Nhờ đó, giáo viên am hiểu các làn điệu dân ca Xoan, tham mưu cho Ban Giám hiệu nhà trường xây dựng kế hoạch phổ biến các làn điệu tới học sinh toàn trường. Nhiều trường đã chủ động tổ chức các buổi ngoại khóa tìm hiểu về Xoan, tổ chức thi Hát Xoan giữa các khối lớp... Vì vậy, đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh cơ bản hiểu về sự ra đời của Hát Xoan, hát được một số bài Xoan hội, Xoan cổ, nâng cao nhận thức, hiểu biết về ý nghĩa của việc bảo tồn, giữ gìn phát huy những giá trị của Hát Xoan.
Các nhà trường cũng thảo luận để lựa chọn những bài hát có giai điệu đơn giản, lời ca mộc mạc, dễ nhớ để các em dễ tiếp thu nhất như: Trồng bông luống đậu; Đường đi trên suối dưới gầm; Hát bỏ bộ; Bắc cầu; Xe chỉ vá may, trèo cây lên bưởi hái hoa… Việc đưa Hát Xoan vào trường học là một trong những nội dung giáo dục quan trọng để loại hình di sản này không bị mai một, giữ được nét đẹp truyền thống, bản sắc của con người vùng Đất Tổ. Đó thực sự là tín hiệu vui trong việc bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa quý báu của nhân loại trong thế hệ trẻ.
Anh Thơ