Người dân xã Đồng Thịnh, huyện Yên Lập tích cực xây dựng NTM, giữ gìn và bảo vệ môi trường nông thôn.
PTĐT-Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương, huyện Yên Lập đã và đang tích cực đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), từng bước nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, hướng đến mục tiêu phát triển một cách mạnh mẽ và toàn diện nông nghiệp, nông thôn.
Với mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM nhằm đảm bảo khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, phù hợp với định hướng phát triển của vùng, Yên Lập xác định phát triển chăn nuôi trâu bò, kinh tế đồi rừng, cây chè, sản xuất nông lâm nghiệp - thủy sản (NLN - TS)… là hướng đi trọng tâm. Theo ông Bùi Tiến Vỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện, thời gian qua huyện xác định xây dựng NTM sẽ thành công và bền vững hơn khi thực hiện tốt việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó mục tiêu cốt lõi là nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập của người dân; xây dựng cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ… Để triển khai các Nghị quyết của Huyện ủy, HĐND huyện, hàng năm UBND huyện đã ban hành các quyết định và kế hoạch để triển khai thực hiện; các cơ chế chính sách để hỗ trợ thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp trên địa bàn; huy động các nguồn lực tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất; ban hành các chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, tiếp nhận và thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ của tỉnh như hỗ trợ sản xuất lương thực, phát triển thủy sản…
UBND huyện đã chỉ đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với các ban, ngành liên quan triển khai thực hiện việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gắn với xây dựng NTM bền vững; thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp vừa đảm bảo phù hợp theo cơ chế thị trường, vừa đảm bảo các mục tiêu cơ bản về phúc lợi cho nông dân và người tiêu dùng; nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất; có cơ chế hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho sự tham gia của các thành phần kinh tế, nòng cốt là doanh nghiệp và hợp tác xã. Huyện đã tập trung khai thác và tận dụng tiềm năng, lợi thế trong nông nghiệp; xây dựng và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp; kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm có lợi thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng là hướng đi quan trọng, huyện đã chỉ đạo chuyển đổi cho phù hợp với lợi thế của từng vùng, kết hợp mở rộng quy mô cây trồng chủ lực, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; xác định các cây trồng chủ lực như lúa, ngô, chè, cây ăn quả, cây lâm nghiệp... theo hướng thâm canh, lựa chọn các loại giống cho năng suất, sản lượng cao vào gieo trồng. Kết quả, năm 2017, tổng giá trị tăng thêm đạt gần 1.200 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng ngành NLN - TS đạt 8,5%, vượt mục tiêu từ 4,68%/năm; cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện còn 51,82%. Tổng sản lượng lương thực hàng năm của huyện hiện nay đạt và vượt mục tiêu, kế hoạch đề ra và kết quả năm sau cao hơn năm trước.
Tập trung, phát triển nhóm cây trồng chủ lực phù hợp với điều kiện sinh thái, bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung với các cây trồng có tiềm năng thế mạnh như lúa đặc sản (nếp Gà Gáy), lúa chất lượng cao, trồng cây ăn quả có múi (cây bưởi Diễn), cho thu nhập từ 100-150 triệu đồng/ha/năm; quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao để sản xuất hàng hóa tăng thu nhập trên diện tích đất canh tác; phát triển cây lâm nghiệp phù hợp với đặc điểm sinh thái của từng tiểu vùng, từng loại đất, do đó rừng trồng phát triển tốt với năng suất đạt 85 - 100m 3 /ha/chu kỳ khai thác.
Về chăn nuôi huyện đã hình thành một số vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn như chăn nuôi: Lợn tại các xã Ngọc Lập, Phúc Khánh, Hưng Long, Xuân Thủy, Xuân Viên và thị trấn Yên Lập; trâu tại các xã Mỹ Lung, Mỹ Lương, Lương Sơn, Xuân An, Phúc Khánh; bò tại các xã Minh Hòa, Đồng Lạc, Đồng Thịnh, Phúc Khánh, Ngọc Lập, Ngọc Đồng... Về phát triển đàn gia cầm, toàn huyện có trên 14.600 hộ chăn nuôi với tổng đàn hơn 800.000 con, trong đó sử dụng đệm lót sinh học chiếm 29,2%/tổng đàn, chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp chiếm khoảng 40%/tổng đàn… Với gần 610ha nuôi trồng thủy sản, huyện có trên 1.500 hộ đầu tư thâm canh, sản lượng khai thác hơn 1.400 tấn mỗi năm, đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi để đáp ứng nhu cầu thị trường, giảm thiểu rủi ro, trong đó các đối tượng chủ lực như cá rô phi đơn tính, cá chép lai, trắm cỏ, trôi, mè… và một số đối tượng nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao như cá lăng, cá diêu hồng.
Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với Chương trình xây dựng NTM đã giúp huyện đạt được những kết quả đáng khích lệ. Năm 2017, toàn huyện đạt 195/304 tiêu chí, đạt tỷ lệ 64,1%, bình quân 12,1 tiêu chí/xã; đạt 591/784 chỉ tiêu, bằng 75,3%; có 1 xã đạt chuẩn NTM (xã Hưng Long), có 3 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 11 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, 1 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí.
Năm 2018, huyện tập trung nguồn lực vào các tiêu chí gần đạt, giữ vững các tiêu chí đã đạt, hoàn thành các tiêu chí không cần nguồn vốn đầu tư từ ngân sách; triển khai sâu rộng Quyết định số 1600/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020 và các văn bản hướng dẫn của tỉnh về bộ tiêu chí xây dựng NTM; toàn huyện có 13/15 xã đăng ký xây dựng 15 khu dân cư đạt chuẩn NTM, phấn đấu mỗi xã có 1 đến 2 khu dân cư đạt chuẩn; giữ vững các tiêu chí đã đạt, toàn huyện đạt trên 230 tiêu chí, bình quân mỗi xã đạt 12,4 tiêu chí/xã. Huyện tiếp tục đầu tư để có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM là Ngọc Lập và Nga Hoàng, phấn đấu đến năm 2020, toàn huyện có thêm 3 xã về đích NTM, 3 xã cơ bản đạt chuẩn NTM trở lên, không có xã dưới 10 tiêu chí.
Ngọc Lam