Hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi ở Thanh Ba
baophutho.vn Những năm qua, nhờ được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), hàng nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đối tượng chính sách ở Thanh Ba đã đầu tư sản xuất, mở rộng mô hình chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế ngay tại quê hương. a

Hiệu quả nguồn vốnvay ưu đãi ở Thanh Ba

Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện hướng dẫn hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.

Những năm qua, nhờ được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), hàng nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đối tượng chính sách ở Thanh Ba đã đầu tư sản xuất, mở rộng mô hình chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế ngay tại quê hương.

Cách đây hơn chục năm, gia đình anh Nguyễn Xuân Đạt ở khu 1, xã Ninh Dân thuộc diện hộ nghèo, được sự giúp đỡ của hội, đoàn thể xã cùng tổ tiết kiệm và vay vốn, gia đình anh được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH. Ban đầu vay với số tiền 30 triệu đồng, anh đầu tư chuồng trại chăn nuôi, qua từng năm tích lũy kinh nghiệm, mô hình chăn nuôi có hiệu quả, gia đình được tạo điều kiện nâng hạn mức vay lên 100 triệu đồng để mở rộng mô hình. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp gia đình anh Đạt thoát nghèo, có điều kiện xây ngôi nhà khang trang, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Không chỉ riêng gia đình anh Đạt, những năm qua, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Thanh Ba đã được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, lãi suất thấp từ Ngân hàng CSXH để đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi, phát triển thương mại, dịch vụ hay đầu tư cho con cái học hành… Với 15 chương trình cho vay đang triển khai, từ đầu năm, Ngân hàng CSXH huyện đã giúp đỡ trên 2.500 hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, nâng tổng số khách hàng lên gần 11.000 lượt với tổng dư nợ đạt gần 395 tỉ đồng. Trong đó một số chương trình có dư nợ cao như cho vay ưu đãi hộ nghèo trên 1.700 hộ dư nợ hơn 86 tỉ đồng, chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh khó khăn trên 1.800 hộ dư nợ hơn 80 tỉ đồng, chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường có gần 4.000 hộ dư nợ trên 68 tỉ đồng…

Thực tế cho thấy, nhu cầu sử dụng vốn của người dân nông thôn hiện nay là rất lớn, do đó, để vốn vay sử dụng có hiệu quả, Ngân hàng đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách mới của Chính phủ, của tỉnh và địa phương; thực hiện niêm yết công khai đầy đủ các chính sách tín dụng ưu đãi về cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách tại các điểm giao dịch tại trụ sở UBND xã, thị trấn. Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH thường xuyên rà soát chất lượng hoạt động của hơn 300 tổ tiết kiệm và vay vốn, kiểm tra việc bình xét cho vay đúng đối tượng, mục đích sử dụng vốn, đảm bảo công khai, minh bạch; đôn đốc, giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng quy định. Song song đó, Ngân hàng còn hỗ trợ về mặt khoa học - kỹ thuật thông qua việc phối hợp với ngành, đoàn thể mở các lớp tập huấn ngắn hạn về kiến thức trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ vậy, nguồn vốn vay ủy thác của Ngân hàng CSXH đã góp phần giúp hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách có điều kiện phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.

Bà Phạm Thị Bích Hậu - Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thanh Ba cho biết: “Với vai trò là “điểm tựa” cho khách hàng, ngay từ đầu năm, Ngân hàng đã thực hiện nhiều giải pháp để đưa nguồn vốn đến phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế của người dân. Trước những diễn biến khó lường của dịch COVID-19, Ngân hàng đã trang bị các thiết bị, dụng cụ hỗ trợ phòng, chống dịch cho cán bộ, nhân viên và khách hàng đến giao dịch đảm bảo an toàn. Qua kiểm tra, giám sát, hầu hết các hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích, đầu tư mở rộng mô hình kinh tế, xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh môi trường và đầu tư cho việc học tập của con em”.

Cao Hương

Cao Hương