PTO- Là huyện miền núi, những năm qua Yên Lập đã được đầu tư xây dựng nhiều công trình nước sạch tự chảy phục vụ cho người dân các xóm, bản vùng cao. Tuy nhiên niềm vui của người dân được thụ hưởng chương trình chưa được bao lâu thì các công trình đã bị xuống cấp, nhiều công trình đã ngừng hoạt động.
![]() |
Nhiều hộ dân ở thôn Ói Lốc đã phải tự góp tiền mua ống dẫn nước từ bể chứa đầu nguồn về sử dụng. |
Năm 2002, xã Thượng Long được đầu tư xây dựng hai công trình nước sinh hoạt tự chảy, một tại thôn Ói Lốc với giá trị công trình 350 triệu đồng cho 250 hộ dân sử dụng và một công trình tại thôn Đồng Hù với giá trị công trình 1 tỷ đồng quy mô 290 hộ dân. Năm 2003, 2 công trình được bàn giao, đưa vào sử dụng. Lần đầu tiên nhìn thấy nước sạch được dẫn về tận nhà, người dân hai thôn Ói Lốc và Đồng Hù vui trào nước mắt bởi từ giờ trở đi không còn phải đi bộ vài cây số vào các khe suối gùi nước về nhà. Thế nhưng niềm vui của người dân mới được vài năm thì nước sạch ngừng chảy do hỏng bể lọc, bể chứa và đường ống dẫn nước từ đầu nguồn về khu xử lý. Anh Triệu Phú Vi, nhà ở gần khu bể lọc công trình nước tự chảy thôn Ói Lốc cho biết: Có nước sạch gia đình tôi yên tâm phát triển kinh tế. Tuy nhiên công trình chỉ hoạt động được vài năm thì hỏng, nước không về được bể chứa của các gia đình người dân đã nhiều năm rồi, giờ thì đồng hồ đo nước đã được người dân tháo ra treo trên gác bếp.
Buộc hai can nước xin từ nhà trưởng khu vào xe máy, anh Triệu Như Thông nhà ở khu Ói Lốc bức xúc: Công trình nước tự chảy hỏng đã lâu nhưng mãi chẳng thấy ai đến sửa chữa, chỉ khổ cho chúng tôi hàng ngày phải đi xin nước về dùng.
Ông Hoàng Tiến Quý, Bí thư đảng ủy xã Thượng Long cho biết: Từ năm 2002 đến 2004, xã được đầu tư xây dựng 3 công trình nước sạch tự chảy phục vụ nước sạch cho 630 hộ dân ở các thôn Liên Sơn, Đồng Hù và Ói Lốc. Do thời gian các công trình có bị hư hỏng, hai công trình ở Liên Sơn và Đồng Hù đã được sửa chữa cung cấp đủ nước cho người dân tuy nhiên công trình nước sạch tự chảy ở thôn Ói Lốc vẫn chưa được sửa chữa, người dân trong thôn phải tự tìm nguồn nước để sinh hoạt.
Không riêng gì xã Thượng Long, phần lớn các xã được thụ hưởng chương trình nước sạch tự chảy đều rơi vào tình trạng có nước được một thời gian rồi ngừng hẳn. Ông Triệu Văn Liên, Chủ tịch UBND xã Nga Hoàng cho biết: Xã được đầu tư xây dựng 2 công trình nước tự chảy nhưng đến nay hiệu quả sử dụng kém, một công trình mới được sửa chữa lại chỉ đáp ứng được nhu cầu sử dụng của 30 hộ dân còn lại một công trình đã “đắp chiếu” nhiều năm. Hay như công trình ở xóm Mơ thị trấn Yên Lập sau vài năm đi vào hoạt động, nguồn nước đã bị cạn kiệt, đập đầu nguồn bị rò rỉ, thấm nước, đường ống thép đầu nguồn bị tháo trộm nên người dân không còn được hưởng niềm vui sử dụng nước sạch.
Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp huyện Yên Lập, toàn huyện hiện có 25 công trình nước sạch tự chảy ở 13 xã, thị trấn trong huyện đã ngừng hoạt động cần được sửa chữa phục hồi và kiện toàn lại đơn vị quản lý vận hành. Nguyên nhân ngừng hoạt động chủ yếu do đường ống đầu nguồn bị lũ cuốn trôi, nhiều đoạn ống bị bục vỡ, hỏng bể lọc bể chứa, van khu xử lý bị hỏng, bể lọc bị tắc, bể chứa bị xuống cấp rò rỉ nước…Có những công trình xây xong chưa kịp bàn giao đã cạn nguồn nước như công trình cấp nước tự chảy ở xóm Mít thị trấn Yên Lập. Hay như công trình cấp nước tự chảy ở khu Lèn xã Đồng Thịnh phải “đắp chiếu” là do van đầu nguồn bị hỏng, tuyến ống dẫn nước đầu nguồn vào các khu xử lý đều bị hỏng. Hai công trình cấp nước tự chảy xã Ngọc Lập ở khu Đá Bàn 2 và Đá Bàn 1 đều bị hỏng đường ống nên không có nước về bể lọc. Ở công trình cấp nước tự chảy thôn Đồng An xã Mỹ Lương nước không dẫn về các hộ dân được là do nhiều đoạn ống bị hỏng, vỡ mối nối làm thất thoát nước…Ngoài các yếu tố tác động từ thiên nhiên phải kể đến ý thức của người dân chưa cao. Không chịu đóng góp để vận hành sửa chữa khi công trình bị hư hỏng, nhiều người còn đục đường ống dẫn nước ra ruộng rồi quên không lắp lại dẫn đến nguồn nước cạn kiệt. Ông Phùng Mạnh Đạt, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thượng Long cho biết: Ở các khu được thụ hưởng chương trình nước sạch tự chảy, xã giao cho khu tự điều hành và ra quy chế hoạt động. Mỗi khu thành lập một tổ vận hành quản lý và thu phí từ 200 -300 đồng/m3 để lấy tiền đó chi cho công tác quản lý sửa chữa nhưng hầu hết dân không đóng tiền nên khi hư hỏng không có kinh phí để sửa chữa.
Để khắc phục các công trình nước tự chảy bị hư hỏng, năm 2012, bằng nguồn vốn từ chương trình 134 huyện Yên Lập đã sửa chữa 8 công trình với tổng kinh phí hơn 3,2 tỷ đồng đảm bảo đủ nguồn nước cho các hộ dân các xóm, bản động vùng cao của 6 xã là Xuân Thủy, Xuân Viên, Thượng Long, Mỹ Lương, Mỹ Lung, Phúc Khánh. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn rất nhiều hộ dân của 25 khu có công trình nước tự chảy đang “đắp chiếu” thiếu nước sinh hoạt.
Ông Đào Kim Phương, Phó phòng Nông nghiệp huyện Yên Lập cho biết: Phòng mới nhận lại các công trình nước sạch tự chảy từ BQL dự án 134. Năm 2012 đã sửa chữa và kiện toàn lại đơn vị quản lý vận hành 23 công trình ở 12 xã. Phòng đã có kế hoạch khắc phục những hư hỏng của 25 công trình đang ngừng hoạt động để đề nghị cấp trên giải quyết.
Trong khi các công trình được đầu tư xây dựng với kinh phí hàng tỷ đồng “đắp chiếu” chờ được sửa chữa thì người dân các xóm, bản được hưởng lợi đang thiếu nước sạch sử dụng. Nhiều gia đình đã phải vay mượn tiền để khoan giếng hoặc mua đường ống tìm nguồn nước từ trên suối bắc về nhà. Anh Triệu Phú Vi thôn Ói Lốc cho biết: Từ khi công trình nước ngừng chảy, 5 gia đình chúng tôi đã góp vốn mua 1000m ống nhựa về tự lắp từ bể chứa của công trình về gia đình với tổng kinh phí gần 15 triệu. Tuy nhiên số hộ có điều kiện mua dây về tự lắp quá ít mà nhu cầu cần sử dụng nước của khu thì nhiều. Chị Trịnh Thị Phương, trưởng khu Ói Lốc cho biết: Hiện khu có 108 hộ thì có gần 40 hộ phải đi xin nước về sử dụng. Vào mùa khô hạn, số hộ thiếu nước nhiều hơn, chúng tôi mong muốn các cấp các ngành khắc phục tình trạng hư hỏng của công trình nước sạch tự chảy để người dân không còn sống trong tình trạng thiếu nước như hiện nay.
Lê Thương