Sáng mãi truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”
PTO- Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc "Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa", ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp (năm 1947)...

Sáng mãi truyền thống "Uống nước nhớ nguồn"

PTO- Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa”, ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp (năm 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chọn ngày 27-7 là ngày Thương binh - Liệt sĩ, nhằm tôn vinh và tỏ lòng biết ơn đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công. Hồ Chủ tịch đã nói: “Thương binh, bệnh binh, gia đình bộ đội, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc. Bởi vậy bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, thương yêu và giúp đỡ họ”. Thấm nhuần tư tưởng của Bác trong chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, trải qua từng thời kỳ cách mạng và phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước ta luôn đặt chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng là một trong những chính sách lớn, phù hợp với tình hình cách mạng trong mỗi giai đoạn nhất định.

Đồng chí Hoàng Dân Mạc - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đoàn đại biểu tỉnh thắp hương tại các phần mộ liệt sĩ quê Phú Thọ và Vĩnh Phúc tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn nhân dịp kỷ niệm 69 năm ngày thương binh, liệt sĩ. Ảnh: Hùng Cường

Các chính sách này không ngừng phát triển, đổi mới, hoàn thiện, ngày càng đầy đủ hơn, chu đáo hơn và đã đi vào cuộc sống, tạo nên sự đồng thuận giữa ý Đảng và lòng dân.

Xác định việc thực hiện chính sách xã hội là một việc làm hết sức có ý nghĩa thể hiện tình cảm, đạo lý, nghĩa vụ và trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân đối với gia đình chính sách, người có công, thời gian qua, cùng với nhân dân cả nước, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt và thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa tri ân các anh hùng liệt sĩ, chăm lo cho đối tượng chính sách, người có công, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống, giải quyết chế độ chính sách cho các đối tượng theo quy định của nhà nước đồng thời huy động các nguồn lực xã hội hoá để xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa, tiến hành tôn tạo tu sửa nghĩa trang liệt sĩ và các công trình ghi công anh hùng liệt sĩ, người có công, tổ chức dâng hương viếng các anh hùng liệt sĩ; thăm, tặng quà đối tượng chính sách nhân các dịp lễ tết, ngày kỷ niệm…

Đến nay, hầu hết các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh đều có mức sống khá hoặc cao hơn mức trung bình của các hộ dân trong khu vực. Các đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn đều nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức cơ quan, các doanh nghiệp và nhân dân khu phố trong việc cải tạo xây mới nhà ở, cho con đi học, giải quyết việc làm, đầu tư phát triển kinh tế để ổn định cuộc sống. Năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, từ nguồn Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" của 3 cấp, sự đóng góp của các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, của cộng đồng dân cư, gia đình và các nhà hảo tâm, tỉnh đã tiến hành: Xây dựng 20 nhà tình nghĩa, trị giá: 918 triệu đồng; sửa chữa 143 nhà tình nghĩa, trị giá: 447,7 triệu đồng; tặng 57 sổ tiết kiệm tình nghĩa, trị giá: 78,7 triệu đồng; hỗ trợ 3.254 ngày công lao động để tu sửa nghĩa trang, nhà bia ghi tên liệt sĩ và giúp đỡ các gia đình chính sách sửa chữa, xây dựng nhà tình nghĩa, trị giá 381,450 triệu đồng; hỗ trợ khác cho người có công trị giá: 178,550 triệu đồng; tổ chức xây dựng, sửa chữa mộ, tôn tạo nghĩa trang, đài tưởng niệm và các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn tỉnh trị giá 15.013,03 triệu đồng, (trong đó Trung ương hỗ trợ: 13.500 triệu đồng). Các cơ quan, đơn vị đã tổ chức khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho hàng trăm lượt đối tượng chính sách người có công… Đáp lại sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, các gia đình chính sách đều chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, tham gia tốt các phong trào do địa phương phát động, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Kỷ niệm 69 năm ngày thương binh liệt sĩ, các địa phương trong tỉnh càng có nhiều hơn những hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Nhằm ghi nhớ và tôn vinh công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc, trong những ngày tháng 7 tri ân năm nay, đoàn đại biểu tỉnh do các đồng chí lãnh đạo tỉnh dẫn đầu đã đến dâng hương viếng các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia, các nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công các anh hùng liệt sĩ trong và ngoài tỉnh; bày tỏ lòng tri ân trước sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ, đảng bộ chính quyền nhân dân tỉnh Phú Thọ nguyện đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng quê hương Phú Thọ ngày càng giàu đẹp, văn minh; quan tâm giáo dục cho mọi người dân đặc biệt là thế hệ trẻ phát huy truyền thống yêu nước tinh thần cách mạng của cha ông và đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, tích cực làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa… Cũng trong dịp này, toàn tỉnh đã diễn ra các hoạt động dâng hương, tổ chức thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại các phần mộ liệt sĩ, các nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ; thăm, tặng quà các Mẹ VNAH, các thương bệnh binh, đối tượng chính sách, các đơn vị chăm sóc người có công.

Những mất mát hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, gia đình chính sách và người có công trong cuộc kháng chiến vì nền độc lập tự do của dân tộc vẫn luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân khắc ghi, tri ân. Để công tác đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới đạt kết quả cao hơn nữa, cấp ủy đảng và chính quyền các cấp trong tỉnh tiếp tục tổ chức quản lý và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng. Phối hợp giải quyết dứt điểm chế độ, chính sách đối với người có công theo quy định hiện hành và các văn bản hướng dẫn của các bộ, ban, ngành Trung ương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đối với phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Cải tiến lề lối làm việc, đổi mới tổ chức bộ máy làm công tác ưu đãi xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đạo đức phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn. Nâng cao chất lượng việc chăm sóc và nâng cao đời sống mọi mặt cho người có công và gia đình họ thông qua các chương trình hỗ trợ về sản xuất, về nhà ở, dạy nghề và tạo việc làm cho đối tượng, đặc biệt là không để hộ gia đình chính sách khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để những gia đình có công với cách mạng có điều kiện và cuộc sống tốt hơn. Thực hiện tốt việc quản lý chăm sóc, tu sửa, nâng cấp các mộ, nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia ghi liệt sĩ. Tiếp tục duy trì và phát triển, nâng cao chất lượng phong trào xây dựng đơn vị xã, phường, thị trấn, làm tốt công tác ưu đãi người có công theo các tiêu chuẩn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với chất lượng ngày càng cao hơn. Đặc biệt là đề cao vai trò gương mẫu, tích cực, ý chí tự lực tự cường, vươn lên trong cuộc sống của người có công. Động viên, khích lệ đối với con em người có công nỗ lực vươn lên trong học tập, sáng tạo trong lao động, sản xuất...

Bùi Đức Nhẫn