Bình ổn thị trường dịp cuối năm
baophutho.vn Vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, lượng hàng hoá tiêu thụ thường có xu hướng tăng. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, các lực lượng chức năng của tỉnh đã và đang tăng cường các hoạt động, kiểm tra, kiểm soát, triển khai các giải pháp bình ổn thị trường.

Bình ổn thị trường dịp cuối năm

Vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, lượng hàng hoá tiêu thụ thường có xu hướng tăng. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, các lực lượng chức năng của tỉnh đã và đang tăng cường các hoạt động, kiểm tra, kiểm soát, triển khai các giải pháp bình ổn thị trường.

Bình ổn thị trường dịp cuối năm

Nhiều mặt hàng thiết yếu được bày bán phục vụ nhu cầu người tiêu dùng ở siêu thị Co.op mart Việt Trì.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Sở Công thương đã xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu, bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, tạo nguồn hàng dồi dào có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) với giá ổn định, hợp lý, phục vụ đời sống người dân. Mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa đến những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, khu công nghiệp, khu chế xuất; mở rộng điểm bán hàng bình ổn tại 13 huyện, thành, thị. Đồng thời triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm thay đổi dần tâm lý, thói quen sử dụng hàng ngoại của người tiêu dùng”.

Bình ổn thị trường dịp cuối nămvà siêu thị Big C

Nhóm bình ổn gồm bảy mặt hàng là: Gạo tẻ, dầu ăn, đường kính, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, thực phẩm qua chế biến, thịt lợn, thịt gia cầm. Số lượng hàng hóa dự trữ để thực hiện bình ổn dựa trên nhu cầu tiêu thụ của 1.620 nghìn người dân trên địa bàn tỉnh. Hai nguồn hàng chính là thịt lợn, thịt gia cầm có tại các trang trại chăn nuôi trong tỉnh. Các mặt hàng như: Gạo, dầu ăn, đường kính, sữa, thực phẩm qua chế biến do các doanh nghiệp bán hàng bình ổn giá được làm đại lý cấp I. Tổng tiền vốn dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường là 910 tỉ đồng. Sở Công thương giao kế hoạch cho một số doanh nghiệp, trang trại, hộ chăn nuôi chiếm thị phần lớn trên địa bàn thực hiện chương trình với trị giá hàng hóa dự trữ 76,5 tỉ đồng. Dự tính các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn toàn tỉnh đã chủ động dự trữ bảy mặt hàng thiết yếu theo nhu cầu của thị trường với trị giá 833,5 tỉ đồng. Trong đó 300 tấn gạo tẻ, 150.000 lít dầu ăn, 300 tấn đường kính, 30 tấn sữa bột, 100.000 lít sữa tươi, 240 tấn thực phẩm chế biến và 200 tấn lợn hơi, 200 tấn gia cầm.

Bình ổn thị trường dịp cuối năm

Đa dạng hàng hóa phục vụ Tết cho nhân dân tại cửa hàng tiện ích xã Xuân Thủy, huyện Thanh Thủy

Tất cả các mặt hàng trên sẽ được cung ứng cho các đơn vị bán lẻ tại 13 huyện, thành, thị trong tỉnh, mỗi huyện, thị từ một đến hai điểm, riêng thành phố Việt Trì từ 20 đến 25 điểm, tổng cộng có khoảng 50 điểm bán hàng bình ổn giá trên toàn tỉnh. Điểm bán bình ổn sẽ được đặt tại các khu vực đông người lao động có thu nhập thấp như khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Nhằm chủ động nguồn hàng, hạn chế biến động về giá đối với bảy mặt hàng thiết yếu, các đơn vị bán hàng bình ổn, tổ chức đàm phán ký kết hợp đồng kinh tế để đảm bảo đầy đủ nguồn hàng hóa, chất lượng, giá cả ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Riêng trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm trong tỉnh ký kết thành chuỗi liên kết chăn nuôi đảm bảo đủ số lượng cung cấp cho thị trường. Kho chứa hàng đảm bảo VSATTP, hàng hóa dự trữ trong kho bảo đảm chất lượng khi bán ra thị trường. Các đơn vị bán hàng bình ổn giá tập trung phát triển mạng lưới ở các chợ dân sinh, khu dân cư... theo mô hình hợp tác liên kết. Tổ chức các chuyến hàng lưu động, đưa hàng bình ổn giá về nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất. Tập trung các điểm bán cố định trong các chợ trung tâm, siêu thị, cửa hàng tiện lợi và điểm bán trong mạng lưới bán hàng của các doanh nghiệp tham gia bình ổn.

Sở Công thương sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành theo dõi diễn biến thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu; đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đôn đốc các doanh nghiệp trên địa bàn triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng hệ thống phân phối hàng hóa đến các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa phục vụ các đối tượng khó khăn, đối tượng có thu nhập thấp. Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về ATTP, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi về đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn.

Thúy Hằng

Thúy Hằng