Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bùi Minh Châu chủ trì tại điểm cầu Phú Thọ
Ngày 7/1, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khoá XV tiến hành thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng chí Bùi Minh Châu - Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì tại điểm cầu Phú Thọ.
Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ trình Quốc hội đề nghị một gói chính sách tài khoá, tiền tệ trị giá gần 350 nghìn tỉ đồng để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó riêng chính sách tài khoá là 291 nghìn tỉ đồng. Chính phủ đề nghị cho phép tăng bội chi ngân sách Nhà nước để có nguồn thực hiện chương trình với tổng số tiền 240 nghìn tỉ đồng trong hai năm 2022-2023.
Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ sự đồng tình với đề xuất của Chính phủ và đề xuất các giải pháp để chính sách được thực thi hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong công tác phòng chống dịch COVID-19, đại biểu đề nghị chi nguồn lực thoả đáng cho nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất, bổ sung nhân lực cho ngành y tế, nhất là tuyến y tế cơ sở, tăng thêm thu nhập cho nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch. Để phục hồi và phát triển, theo các đại biểu, vấn đề quan trọng nhất là ổn định thị trường lao động và đề nghị chính sách tài khoá, tiền tệ cần quan tâm đến hỗ trợ người lao động; đề nghị tăng gói kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, áp dụng với cả lao động chính thức và phi chính thức; dành khoản kinh phí thỏa đáng, phù hợp để xây dựng nhà ở cho công nhân và hỗ trợ tiền xét nghiệm, đi lại, tư vấn việc làm khi người lao động quay trở lại làm việc. Về chính sách thuế, đại biểu cho rằng, việc tiếp tục miễn giảm thuế, phí, lệ phí 64 nghìn tỉ đồng là phù hợp, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tái kích hoạt, kích thích nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tuy nhiên cần có quy định cụ thể về đối tượng áp dụng.
Tham gia phát biểu trực tuyến, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thành Nam cơ bản thống nhất với năm nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã đề ra như tờ trình của Chính phủ, đặc biệt là những nhiệm vụ, giải pháp tổng thể mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để tạo tiền đề cho các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại trạng thái bình thường mới.
Trong đó, đề nghị tập trung sớm triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng chín trung tâm kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh cấp vùng, để nâng cao năng lực phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, nghiên cứu về y tế dự phòng nâng cao năng lực y tế các vùng trong cả nước,trước những nguy cơ biến chủng mới của virus SARS-CoV-2; không giảm biên chế với đội ngũ y tế hiện tại mà cần có chính sách phù hợp hơn để đội ngũ yên tâm công tác. Vì trong hạn chế của y tế tuyến cơ sở có việc thiếu cán bộ y tế nên không đáp ứng yêu cầu chống dịch, việc này có nguyên nhân sâu xa từ việc trước đây chúng ta thực hiện chính sách tinh giảm biên chế 10%, đặc biệt là việc tinh giảm những đơn vị sự nghiệp công lập trong đó có ngành y tế và giáo dục…
Về đầu tư kết cấu hạ tầng để khơi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nhất trí cao với tờ trình của Chính phủ, bố trí trên 103 nghìn tỉ đồng để thực hiện những dự án hạ tầng giao thông quan trọng, cấp bách mà khi thực hiện xong là cú hích để phát triển kinh tế - xã hội các vùng, miền và địa phương trong cả nước như: Đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025; đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang và một số tuyến đường quan trọng khác theo Báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên, không nên giao cho địa phương giải phóng mặt bằng, ví dụ như cao tốc Bắc - Nam phía đông ngân sách nhà nước đảm bảo 100% cả việc giải phóng mặt bằng, trong khi tuyến cao tốc Tuyên Quang - Lào Cai đoạn chạy qua tỉnh Phú Thọ và Tuyên Quang lại giao cho hai tỉnh một phần kinh phí để giải phóng mặt bằng là không đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, trong khi các địa phương này khó khăn trong thu, cân đối ngân sách. Gây bất bình đẳng giữa các địa phương khác khi các tuyến đường cao tốc đi qua.
Đồng chí đề nghị Quốc hội bổ sung vào chương trình phục hồi kinh tế lần này để hoàn thành tuyến đường Hồ Chí Minh bởi mức độ quan trọng tầm Quốc gia, tạo sự liên thông ở khu vực phía Tây Tổ quốc và sự liên hệ chặt chẽ ba miền Bắc-Trung-Nam thành hệ thống cơ sở hạ tầng để khai thác và phát triển một vùng đất đai rộng lớn, giàu tiềm năng ở phía Tây Tổ quốc; điều chỉnh lại cơ cấu kinh tế, phân bố lại dân cư và lực lượng lao động trong phạm vi cả nước, góp phần tích cực vào chương trình xoá đói, giảm nghèo; liên kết các vùng trọng điểm kinh tế, các cửa khẩu, các cảng biển trên toàn quốc và các nước trong khu vực, đáp ứng xu thế hội nhập của nền kinh tế đất nước góp phần bảo đảm phòng thủ biên giới, ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng và ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Dự án đường Hồ Chí Minh đã được Quốc hội khóa 11 thông qua chủ trương đầu tư năm 2004, dài 3.183km, có điểm đầu tại Pác Bó (Cao Bằng), điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau), tuyến chính dài 2.499 km, nhánh phía Tây dài 684km và được điều chỉnh theo Nghị quyết số 66 của Quốc hội khóa 13 theo phân kỳ đầu tư thì đến năm 2020 hoàn thành các dự án thành phần để nối thông toàn tuyến với quy mô hai làn xe với chiều dài khoảng 2.744km (không bao gồm các đoạn đi trùng đã và đang được đầu tư bằng các dự án khác). Sau năm 2020 nâng cấp các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Nhưng theo báo cáo ngày 24/11/2021 của Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, đến thời điểm này, tổng chiều dài của dự án đường Hồ Chí Minh đã đầu tư hoàn thành 2.362 km/2.744 km đạt 86,1% chiều dài. Số km còn lại tiếp tục đang triển khai đầu tư 211 km bằng ngân sách nhà nước và đã được đưa vào đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, dự kiến hoàn thành trong các năm 2022-2025. Tuy nhiên, còn lại 171km gồm: Dự án Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn dài 28,5km; dự án Cổ Tiết - Chợ Bến dài 87,5km; dự án Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận dài 55km với tổng kinh phí để hoàn thành ba đoạn tuyến còn lại này hơn 10 nghìn tỉ đồng nhưng chưa được bố trí ngân sách Nhà nước để thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025. Đây là công trình quan trọng quốc gia, có y nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và lịch sử văn hoá sâu sắc, tuy nhiên đã qua bốn khoá từ Quốc hội khoá XI đến Quốc hội khoá XV nhưng chưa hoàn thành. Do vậy trách nhiệm Quốc hội khoá XV phải kế thừa, trách nhiệm thực hiện ngay.
Trong phiên thảo luận trực tuyến chiều cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ
Lê Hoàng