Lực lượng dân quân xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì kiểm tra phao cứu sinh phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, sẵn sàng ứng phó với thiên tai.
PTĐT - Những năm gần đây, tình hình thiên tai ở Việt Nam diễn biến ngày càng phức tạp, cực đoan, bất thường, gây tổn thất nặng nề về người, tài sản, ảnh hưởng đến môi trường, đời sống, sản xuất của nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước. Ngày 24/3/2020 Ban Bí thư Trung ương đã ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Để cụ thể hóa và đưa Chỉ thị 42 đi vào cuộc sống, UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 2885/KH-UBND ngày 3/7/2020, theo đó quán triệt đầy đủ, sâu sắc nội dung Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư, nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, các ngành, cán bộ và nhân dân trong chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị xã hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để giảm nhẹ thiệt hại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trước xu thế biến đổi khí hậu phức tạp, thiệt hại ngày càng nghiêm trọng.
Trong 8 tháng đầu năm nay, trong tỉnh đã xảy ra 16 đợt mưa giông làm 1 người chết, 20 người bị thương; sập đổ 62 ngôi nhà; hư hỏng tốc mái 8.021 ngôi nhà, 87 điểm trường, 214 phòng học, phòng công vụ, 42 công trình văn hóa; ngập đổ gần 2.000ha lúa, hơn 1.600ha hoa màu cây ăn quả, 860ha rừng; làm chết gần 7.000 con gia súc, gia cầm. Mưa bão còn làm hư hỏng nhiều công trình hạ tầng khác như đê bao, cầu, tràn, kênh mương thủy lợi, cột thu phát sóng… Tổng giá trị thiệt hại hơn 128 tỷ đồng. Ông Trần Văn Quỳnh- Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT) cho biết: Với đặc thù tỉnh trung du miền núi, Phú Thọ thường xuyên chịu nhiều tác động bởi các hình thái thiên tai: Bão, lũ, lốc xoáy, sạt lở đất, ngập lụt... do đó công tác phòng, chống thiên tai luôn được các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện, đảm bảo đúng phương châm “4 tại chỗ”.
Trên địa bàn tỉnh, hệ thống sông ngòi phân bố tương đối dày (mật độ trung bình 2km sông ngòi/1km2), trong khi mật độ dân cư bình quân 449 người/km2. Ngoài các dòng sông lớn như: Sông Thao, sông Lô, sông Đà còn có nhiều sông nhỏ, ngòi lớn; 508,7km đê, gần 114km kè; 365 công trình hồ, đập… Căn cứ vào tình hình thực tế, hàng năm các địa phương đều chủ động xây dựng các phương án, kịch bản phòng, tránh, ứng phó với mưa lũ lớn, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt để diễn tập và triển khai thực hiện; tăng cường công tác quản lý đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy lợi; bảo vệ trọng điểm đê, kè; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư, hậu cần tại chỗ sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Bên cạnh đó, các ngành, các cấp còn chủ động phương án bảo vệ công trình thủy lợi và sơ tán dân vùng hạ du trong khu vực 10 hồ chứa lớn tại các huyện: Yên Lập, Hạ Hòa, Cẩm Khê, Thanh Sơn, Thanh Thủy, Tân Sơn. Năm nay cùng với công tác tuyên truyền thực hiện Chỉ thị 42 trên quan điểm “phòng tránh là chính, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương hiệu quả”, các địa phương sau khi tổ chức xong Đại hội Đảng bộ cơ sở, cấp trên cơ sở đã tiến hành kiện toàn Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và TKCN các cấp, phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của từng thành viên, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Là huyện miền núi thường xuyên chịu tác động, ảnh hưởng bởi thiên tai, Thanh Sơn đã bám sát Chỉ thị 42 của Ban Bí thư và Kế hoạch 2885/KH-UBND của UBND tỉnh, xây dựng 5 kịch bản ứng phó với 5 tình huống cụ thể, đó là: Lốc, sét, mưa đá, bão, siêu bão; lũ, lũ quét, ngập lụt, úng ngập; sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy; hạn hán; rét đậm, rét hại, sương muối, sương mù. Đồng thời củng cố, kiện toàn lại Ban chỉ huy PCTT,TKCN các cấp; tiến hành kiểm tra, rà soát các công trình phòng, chống thiên tai, hồ chứa nước, công trình di dân tái định cư; bổ sung nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó thiên tai; phương án sơ tán dân khi xảy ra lũ quét, lũ ống, ngập lụt… theo đúng tinh thần “4 tại chỗ” (chỉ huy, lực lượng, phương tiện, vật tư tại chỗ). Công tác thông tin, cảnh báo, dự báo thiên tai được tăng cường thường xuyên, liên tục trên các phương tiện truyền thông. Nhờ chủ động làm tốt công tác cảnh báo, phòng ngừa nên từ đầu năm đến nay, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi các đợt mưa giông, lốc xoáy song trên địa bàn huyện không có thiệt hại về người, ước tính thiệt hại về tài sản khoảng 2 tỷ đồng; công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả sau mưa giông, lốc được kịp thời, giảm thiểu tối đa tổn thất, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, nhanh chóng phục hồi sản xuất.
Hiện nay không chỉ Thanh Sơn, hầu hết các huyện, thành, thị trong tỉnh như: Hạ Hòa, Cẩm Khê, Thanh Ba, TP Việt Trì, TX Phú Thọ… đều quán triệt và tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị 42 của Ban Bí thư Trung ương, đặc biệt ở cấp xã chú trọng xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đội xung kích phòng, chống thiên tai theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2020 của Chính phủ, củng cố lực lượng tuần tra canh gác, bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ, lực lượng ứng phó tự nguyện của cộng đồng.
Có thể khẳng định: Đưa Chỉ thị 42 vào cuộc sống bằng sự chủ động tích cực ngay từ cơ sở, từ giờ đầu khi thiên tai xảy ra chính là phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội giúp nâng cao khả năng ứng phó, làm giảm thiệt hại, góp phần đưa địa phương, đất nước phát triển bền vững.
Mai Phương