PTĐT- Trầm cảm - Kẻ sát nhân giấu mặt của xã hội hiện đại vẫn đang hàng ngày, hàng giờ đeo bám, trói buộc, dày vò thể xác và tinh thần nhiều nạn nhân
, gây nên những hệ lụy nặng nề, ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai, hạnh phúc của mỗi cá nhân, gia đình, xã hội. Đáng nói là căn bệnh này hiện nay đang có xu hướng gia tăng và trẻ hoá đối tượng…
Kỳ 1:
Chủ quan do nhận thức mơ hồ
“Có những đêm em chong đèn, căng mắt thức đến tận 4-5 giờ sáng, không dám ngủ. Cứ hễ nhắm mắt, tiếng khóc chen lời cầu xin của mẹ, tiếng mắng chửi của cha lại làm tâm trí em hoảng loạn. Em sợ lắm…”, đó là lời tâm sự ngắn ngủi mà H.P (18 tuổi) chia sẻ với tôi cách đây vài tuần. H.P từng là tấm gương sáng về học tập cho đám trẻ con xóm Diềm, xã Tiên Phú, huyện Phù Ninh. Những tưởng tương lai đang rộng mở trước mắt thì quanh em lại chỉ bao phủ một màu xám u uất. Em mắc bệnh trầm cảm! Suốt 3 năm qua, P thường tự nhốt mình trong phòng nhỏ sau mỗi giờ học. Em hay khóc một mình, cáu giận với bạn bè, cùng với đó là những giấc ngủ chập chờn chỉ 2-3 tiếng/ngày. Sự sa sút trong tinh thần và thể chất khiến em ngày một tiều tụy. Có lẽ sẽ không ai bận tâm đến những thay đổi tiêu cực trong em cho đến ngày P dùng dao cứa cổ tay tự tử. Em nhập viện trong tình trạng trầm cảm ở giai đoạn nặng. Sau nhiều lần gắng gượng chia sẻ, bác sĩ điều trị cho rằng nguyên nhân H.P bị trầm cảm là do sự ám ảnh, bất lực trước những xung đột, cãi vã khéo dài của cha mẹ, áp lực từ học tập và sự tổn thương khi thiếu đi những quan tâm thường nhật của gia đình.
Khác với H.P, tôi gặp B.S (43 tuổi) khi anh đang điều trị trầm cảm tại Bệnh viện Tâm Thần Phú Thọ (thị xã Phú Thọ). Theo lời kể của cậu ruột, B.S vốn là người hoạt bát, thông minh. Anh vốn là thạc sĩ công nghệ thông tin và vận động viên bơi lội giỏi. Năm 2004, biến cố gia đình ập đến khi người cha anh luôn tự hào, tôn kính đột ngột qua đời vì căn bệnh ung thư. Cùng với đó những sức ép từ công việc khiến anh rơi vào trạng thái trầm cảm mà chính bản thân anh cũng không ngờ tới. Những suy nghĩ tiêu cực, bi quan về cuộc sống tràn ngập trong tư duy, anh bắt đầu chán nản, khó tập trung, giao tiếp kém linh hoạt… Thời gian sau đó B.S nghỉ việc và dần xa lánh mọi người. Hằng ngày anh chỉ quẩn quanh trong nhà, nói chuyện một mình, thường xuyên chán ăn, mất ngủ, ngay cả vệ sinh cá nhân anh cũng dần không còn ý thức. Dù lo lắng trước những biểu hiện bất thường của B.S, nhưng vì thương con và nghĩ con mắc bệnh tâm thần, sợ xã hội khinh thường, miệt thị, mẹ S đã “tự làm bác sĩ” cho con bằng cách tìm hiểu những bài thuốc đông y, những mẹo chữa bệnh dân gian...Cứ thế, trầm cảm “đeo bám” B.S suốt 15 năm qua, anh nhập viện trong tình trạng cơ thể suy nhược trầm trọng, tâm lý bất ổn và dần mất đi nhận thức.
Trầm cảm đã và đang âm thầm “gặm nhấm”tâm hồn của mỗi con người. Trớ trêu thay, khi căn bệnh ngày càng trở nên phổ biến, việc quan tâm đến sức khỏe tâm thần lại chưa thực sự được xã hội nhìn nhận đúng mức để rồi hệ lụy nghiêm trọng xảy ra là điều không tránh khỏi. Ông Lê Tiến Mạnh, Phó Giám Đốc Bệnh Viện Tâm thần Phú Thọ cho biết: “Mỗi năm bệnh viện tiếp nhận điều trị nội trú cho khoảng 600 bệnh nhân trầm cảm và con số này vẫn đang tiếp tục tăng. Hầu hết những bệnh nhân khi tìm gặp bác sĩ đều trong giai đoạn trầm cảm nặng, đang có ý định hoặc đã từng tự tự. Trong đó, phụ nữ chiếm khoảng ¾ số bệnh nhân trầm cảm và 90% nguyên nhân chẩn đoán bệnh đều xuất phát từ áp lực cuộc sống, gia đình và xã hội”. Sang chấn tâm lý là một trong những căn nguyên hàng đầu gây ra trầm cảm, hoặc hình thành do sự căng thẳng trong công việc, sức ép từ các mối quan hệ gia đình, con cái, áp lực học tập,…thiếu hụt sự quan tâm, động viên, chia sẻ của người thân đã dồn nén tinh thần, làm hao mòn thể chất dẫn đến rối loạn trầm cảm.
Trong số 3.437 hồ sơ bệnh nhân mắc các bệnh về tâm thần, có tới 2.645 số bệnh án về trầm cảm (kết quả thống kê Chương trình Mục tiêu Y tế-Dân số, Dự án Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng và trẻ em năm 2018 khảo sát tại 199 xã trên toàn tỉnh Phú Thọ) và chỉ tính riêng trong 8 tháng năm 2019, số hồ sơ bệnh nhân trầm cảm đã lên tới 2.041 bệnh án. Hầu hết những người mắc bệnh trầm cảm đều nằm trong độ tuổi lao động (từ 18-60 tuổi) trong đó, trầm cảm giai đoạn nặng xảy ra nhiều nhất trong độ tuổi 40-50 và có dấu hiệu gia tăng ở độ tuổi 18-30.
Không chỉ khu vực trung tâm, nhiều huyện vùng cao trên địa bàn tỉnh, tỉ lệ người dân mắc bệnh rối loạn trầm cảm cũng tăng đáng kể. Bởi lẽ, đây là những khu vực tập trung đại đa số đồng bao dân tộc thiểu số, trình độ văn hóa, dân chí hạn chế, tệ nạn xã hội xảy ra nhiều, y tế cơ sở còn yếu về chuyên môn nghiệp vụ (Chuyên khoa Tâm thần), thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị. Việc tiếp cận phương tiện thông tin đại chúng chưa phổ biến, người dân không có điều kiện tìm hiểu và sớm phát hiện căn nguyên của bệnh để chữa trị kịp thời.
Những tư duy sai lệch, nhận thức mơ hồ, chủ quan về trầm cảm cùng sự thờ ơ của gia đình, cộng đồng, sức ép từ cuộc sống xã hội hiện đại là tác nhân, môi trường thuận lợi cho bệnh trầm cảm phát triển. Do đó, để ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bệnh trầm cảm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng phải cần đến tinh thần chủ động, trách nhiệm cao của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng xã hội.
Mai Bích