Cây cột điện chằng chịt dây chính là “nguồn cấp điện” cho 30 hộ dân
PTĐT- Vượt hơn 50km đường dốc quanh co chúng tôi đến xã Vinh Tiền- xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Tân Sơn, nơi 90% dân số là đồng bào Dao sinh sống. Hơn 1.000 hộ dân với 8 khu dân cư, Vinh Tiền hiện nay còn nhiều khó khăn thiếu thốn về điện nước…
“Đói” điện...
Đến khu Mận Gạo - trung tâm của xã, người dân ở đây chỉ cho chúng tôi cây cột điện trong vườn nhà, với cả lố công tơ, dây điện chằng chịt như mắc cửi. Những dây cứ thế chồng chéo lên nhau nhưng đó lại là chiếc “phao cứu sinh” vững chắc nhất cho hơn 30 hộ dân vùng này, bởi đó là cây cột điện bằng bê tông. Nhớ lại những ngày tháng trước đây khi điện về, bà con trong khu vui mừng khôn xiết vì kết thúc được chuỗi ngày tăm tối, thế nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì những trận mưa bão đã đốn ngã hai cột điện hạ thế dẫn đến tình trạng một cột điện nhiều hộ dân chung nhau. Các gia đình tự mua dây, kéo điện từ cột chính về nhà để có điện sinh hoạt, có nhà “đầu tư” đường dây dài tới 200m. Dây điện nhì nhằng, khó phát hiện đoạn hỏng, gây khó khăn trong việc tìm kiếm sửa chữa, hiện tượng quá tải điện là chuyện cơm bữa đối với các hộ dân.
Cách 800m tính từ điểm cuối của cột điện hạ thế, trên con đường dẫn vào xóm Bương Lê là những cột điện bằng tre, bương, dây điện cứ thế mà võng xuống như những cánh cung. Bên đường, cột điện chất chồng lên nhau, nằm “im lìm” chờ ngày “được thực hiện nhiệm vụ”. Những gia đình ở gần cột hạ thế thì nguồn điện ổn định, càng vào sâu bên trong điện càng yếu dần. Cụ Đinh Thị Luận cho biết: Cứ 4h chiều là gia đình đã phải nấu cơm tối. Nấu sớm như vậy nhưng tôi vẫn phải tắt hết các thiết bị điện khác để điện không bị quá tải.
Tiếp tục cuộc hành trình, men theo con đường đất, thực chất là lối đi nhỏ, đường đá gồ ghề, đầy những ổ gà, rãnh nước chúng tôi đến xóm cuối cùng của khu Mận Gạo. Đây là nơi trú ngụ của bốn gia đình nằm trong diện “nay đây mai đó” về xây dựng khu mới theo vận động của chính quyền địa phương. Bốn căn nhà sàn lụp sụp, chó sủa rinh ran mà không thấy có ai ở nhà, chắc hẳn vì chúng tôi đến vào giờ “hành chính”, người lớn đi làm, trẻ nhỏ đi học. Thấy ngoài thềm có bóng compact còn sáng đèn, như đọc được suy nghĩ của chúng tôi, anh Lê Đức Trọng cán bộ văn hóa xã “thanh minh”: Những gia đình ở đây sử dụng “điện suối”, nên cứ để như vậy. Trong lúc chờ gia chủ đi làm đồng, làm rừng về, anh Trọng dẫn chúng tôi ra con suối, nơi khởi nguồn, thắp sáng những căn nhà nơi đây. Chỉ với một máy điện cũ, một “bể chứa” tự tạo nơi con suối nhỏ là nơi mang lại ánh sáng cho họ.
Từ suối quay ra chúng tôi gặp anh Lê Văn Thiệu, một trong những chủ hộ xóm “tái định cư”. Tiếp chúng tôi với gương mặt còn lấm lem bùn đất, quần xắn móng heo nhưng với nụ cười hồn hậu, anh Thiệu cho biết họ chuyển đến đây “an cư lạc nghiệp” từ những năm 1999- 2000 và cứ sống trong cảnh không điện tối tăm, biệt lập với thế giới bên ngoài. Năm 2016, gom góp mãi, anh chị mua được máy phát điện cũ, ngăn nước ở suối kiếm “nguồn sáng” cho lũ trẻ học hành.
Khó khăn về điện còn ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền vận động, xây dựng các thiết chế văn hóa, điện yếu nhiều gia đình có tivi cũng không xem được, bên cạnh đó cơ giới hóa trong sản xuất không phát huy hiệu quả, nhiều gia đình có máy dê lúa bằng điện nhưng rồi lại phải “cất trữ”. Những khó khăn thiếu thốn nơi đây đã phần nào khiến cuộc sống của người dân trì trệ, chậm phát triển, dẫn đến đời sống văn hóa, dân trí còn thấp.
…Khan nước
Không chỉ khó khăn về điện thắp sáng, Vinh Tiền hiện nay có 5/8 khu không có nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Ngoài việc trông chờ vào nguồn nước mưa, một số hộ dân ở đây đào giếng, còn lại đều phải dẫn nước từ các khe suối trên đầu nguồn về sử dụng. Nhà nào “khá giả” thì sử dụng đường ống cao su còn đa phần sử dụng ống nứa, bương dẫn nước. Việc làm này vừa không đảm bảo vệ sinh, lại dễ bị hư hỏng.
Không có điều kiện xây bể chứa, nước dẫn từ suối về được người dân chứa trong các chậu, thùng hoặc để nước chảy tràn cả ngày
Theo con đường đất đỏ gồ ghề, đôi lần lên dốc, xuống dốc mới đến được xóm Mới, càng về chiều xóm càng trầm lặng, những đứa trẻ chăn trâu thấy người lạ cứ thế đưa ánh mắt ngơ ngác nhìn. Những đàn trâu, bò lững thững ra về, tiếng lục lạc ở cổ như hòa tấu lên một bản nhạc giữa núi rừng heo hút, xé tan không gian trầm lặng nơi đây.
Xóm mới nên ít dân, nhà cách xa nhau cả một quả đồi. Chị Triệu Thị Thực than thở với chúng tôi về nỗi khổ thiếu nước sinh hoạt. Vì không có tiền xây bể chứa nên thành ra nước dẫn về vừa để sinh hoạt vừa để tưới ruộng đồng. Nói rồi chị chỉ tay về phía rừng cây ngút ngàn phía sau nhà: “Nhà tôi phải dẫn nước từ trên đó về, mỗi lần đường ống hỏng phải đi mò tìm sửa, cũng vất vả lắm. Nước thì cứ để chảy tràn cả ngày thôi”.
Ở đây, người ta gọi là nước lần, nước mó. Chúng tôi thấy những nhọc nhằn, vất vả trong ánh mặt, trên gương mặt khắc khổ của những bà con trong những lời kể của họ. Khi mùa mưa lũ ùa về, dân làng lại thấp thỏm không ngủ được vì lo. Lo mưa lũ làm hỏng ống dẫn nước, cuốn trôi ống đi. Không biết bao lần ống rò rỉ phải “vá lại”, rồi đi tìm từng đoạn ống bị cuốn trôi để nối lại.
Ngoài một số hộ được hỗ trợ thùng chứa nước, còn lại không phải gia đình nào cũng có điều kiện để mua thùng chứa, hay xây bể. Tận dụng hết những vật dụng trong nhà để làm đồ chứa như chậu, xô còn không cứ thế để nước tràn đi. Nhiều người dân nơi đây, dù đã ở cái dốc bên kia của cuộc đời vẫn luôn đau đáu nỗi lo về nước, về những lần “xuyên rừng” lên đầu nguồn tìm con nước.
Ông Hà Văn Doãn- Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Những năm qua, mặc dù đã được sự quan tâm đầu tư của các cấp, tình hình kinh tế và đời sống văn hóa xã hội của người dân trong xã đã được nâng lên, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo tại xã còn cao, chiếm hơn 50% nên địa phương khó huy động nguồn lực từ nhân dân trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, Vinh Tiền hiện mới chỉ đạt 4/19 “tiêu chí”.
Rời khỏi Vinh Tiền khi mặt trời đã xuống núi, cái mờ mờ của không gian giữa bạt ngàn cây cối, những sườn núi và cả những khúc cua khiến chúng tôi thêm nặng lòng với những vất vả, thiếu thốn của bà con nơi đây.
Lệ Oanh - Thu Hương