Thương mại điện tử - lợi ích lớn cần được khai thác
PTĐT- Sự phát triển của thương mại điện tử (TMĐT) trong những năm gần đây đã góp phần làm thuận lợi hóa các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đã đem lại những lợi ích to lớn cho doanh nghiệp...

Thương mại điện tử - lợi ích lớn cần được khai thác

PTĐT- Sự phát triển của thương mại điện tử (TMĐT) trong những năm gần đây đã góp phần làm thuận lợi hóa các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đã đem lại những lợi ích to lớn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên bình diện chung cho thấy, vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa thấy hết hiệu quả mà TMĐT đem lại nên thiếu sự quan tâm, sự đầu tư để khai thác tối đa thế mạnh của loại hình kinh doanh này.

Việc ứng dụng thương mại điện tử trong thời gian gần đây đã có những bước phát triển khá mạnh mẽ. Tính đến năm 2016 trên địa bàn tỉnh có 4.192 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó đã có 4.046 doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử thành công với cơ quan thuế, đạt 96,52% tổng số doanh nghiệp.

- Cán bộ nghiệp vụ kế toán Công ty CP May Hùng Vương ứng dụng nộp thuế điện tử qua mạng Internet.

Mặc dù năm 2016 tỉnh ta mới bắt đầu triển khai thực hiện Kế hoạch tổng thể về phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020. Song trước đó việc ứng dụng TMĐT trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển khá mạnh mẽ. Không chỉ có các cơ quan quản lý Nhà nước mà nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đã quan tâm ứng dụng TMĐT vào hoạt động của đơn vị mình và bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực trên nhiều lĩnh vực.

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tăng cường trang bị máy tính PC, Laptop, máy tính bảng và đầu tư phần cứng, phần mềm. Nhiều doanh nghiệp đã có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin và TMĐT. Những lĩnh vực kinh doanh có tỷ lệ lao động chuyên trách cao nhất là công nghệ thông tin và truyền thông, tài chính và bất động sản, y tế, giáo dục và đào tạo...

Việc tham gia hoạt động TMĐT trên mạng xã hội của nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng với việc ứng dụng các giải pháp TMĐT trên nền tảng công nghệ di động cho thấy doanh nghiệp trong tỉnh đã nhanh nhạy bắt kịp xu hướng mới của TMĐT để phục vụ hiệu quả cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Ứng dụng TMĐT của doanh nghiệp đã có kết quả tốt, nhiều doanh nghiệp đã tổ chức triển khai ứng dụng TMĐT ở nhiều quy mô và mức độ khác nhau.

Qua TMĐT, các doanh nghiệp đã quảng bá thương hiệu sản phẩm của mình sâu rộng hơn, cả trong và ngoài nước. Theo ông Đỗ Đình Quý - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Viger: TMĐT có nhiều ưu thế nổi trội như nhanh chóng, thuận tiện, chi phí thấp, hiệu quả kinh tế cao. Đối với doanh nghiệp TMĐT có rất nhiều lợi ích, nhất là khi cần quảng bá sản phẩm, bởi sức lan tỏa rộng, chi phí thấp so với các phương tiện quảng cáo khác. Khách hàng trong và ngoài nước có thể dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu các sản phẩm của doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi mà không cần phải giao dịch trực tiếp với người bán hàng vì mọi thông tin liên quan tới sản phẩm đều được cập nhật đầy đủ qua mạng.

Theo báo cáo của sở Công thương, đến năm 2016 trên địa bàn tỉnh có 4.192 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó đã có 4.046 doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử thành công với cơ quan thuế, đạt 96,52% tổng số doanh nghiệp. Thành phố Việt Trì là một trong những đơn vị dẫn đầu về ứng dụng TMĐT với tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử tại ngân hàng thương mại đạt 95%; tổng số chứng từ nộp thuế điện tử đạt 98%, tỷ lệ số tiền nộp ngân sách Nhà nước qua hình thức điện tử đạt 99%.

Các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh như VNPT, Viettel, Mobifone, FPT cũng đã sử dụng hiệu quả nhiều ứng dụng trong TMĐT như: Thanh toán cước điện thoại, tra cứu danh bạ trực tuyến, thanh toán các dịch vụ giá trị gia tăng… Công ty Điện lực Phú Thọ triển khai các hình thức thanh toán tiền điện như: Thanh toán tại quầy giao dịch của Điện lực bằng thẻ thông tin khách hàng, trích nợ tài khoản tự động, Bank-plus, Internet Banking... Năm 2016, các doanh nghiệp sử dụng chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số cũng tăng lên đáng kể. Các dịch vụ thuế điện tử và hải quan điện tử cùng nhiều dịch vụ công trực tuyến khác đã triển khai rộng rãi tới doanh nghiệp trên phạm vi toàn tỉnh.

Để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và ứng dụng TMĐT một cách có hiệu quả, Sở Thông tin và Truyền thông đã đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp qua Hệ thống một cửa điện tử tích hợp cổng dịch vụ công trực tuyến. Sở đã cung cấp 2.343 dịch vụ công trực tuyến trên hệ thống, trong đó dịch vụ công mức 1 và mức 2 là 1.841 thủ tục, dịch vụ công mức 3 và mức 4 là 502 thủ tục.

Hệ thống này đã góp phần giải quyết các hồ sơ thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp trong các lĩnh vực thông qua việc tiếp nhận, xử lý, trả kết quả...; công khai quá trình giải quyết các thủ tục hành chính, cho phép người dân và doanh nghiệp có thể tra cứu tiến độ giải quyết thông qua mạng Internet, qua tin nhắn điện thoại… hỗ trợ các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị hệ thống tên miền cấp 4 miễn phí theo tên miền của tỉnh nhằm cung cấp những thông tin chính thống của các cơ quan quản lý Nhà nước trên mạng.

Sở Công thương cùng với các cơ quan chức năng, địa phương trong tỉnh tập trung tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về TMĐT tới các đối tượng doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức, cán bộ Nhà nước; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng phát triển TMĐT, xây dựng và nâng cấp Website; cung cấp trực tuyến các dịch vụ công liên quan đến hoạt động SXKD; biên soạn và phát hành sổ tay TMĐT phục vụ công tác phát triển TMĐT nhằm giúp cán bộ quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp, người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh hiểu biết được vai trò, lợi ích của TMĐT, nắm bắt các kỹ năng thực hiện hoạt động TMĐT, tuân thủ đúng quy định của pháp luật về TMĐT...

Đối với tỉnh ta, TMĐT đã và đang bắt đầu được ứng dụng rộng rãi trong các cơ quan quản lý nhà nước và trong các doanh nghiệp. Song trên thực tế cho thấy, hoạt động này vẫn còn khá nhiều hạn chế bởi nhận thức của các cơ quan, doanh nghiệp, cũng như mức độ ứng dụng TMĐT chưa cao. Nhiều đơn vị vẫn còn khá lúng túng trong việc triển khai và chưa mạnh dạn đầu tư phát triển mạnh lĩnh vực này.

Hiện trên địa bàn tỉnh gần như chưa có một mô hình TMĐT thực sự tiêu biểu để cho doanh nghiệp tìm hiểu, học tập và áp dụng một cách hiệu quả. Hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông của tỉnh hiện nay khá tốt, song việc đầu tư cơ sở vật chất và nguồn nhân lực cho công nghệ thông tin của hầu hết các doanh nghiệp vẫn còn rất khiêm tốn. Do thói quen sử dụng mô hình thương mại truyền thống và chưa nắm bắt hết lợi ích mà TMĐT mang lại nên đa số doanh nghiệp vẫn còn băn khoăn, chậm trễ trong quá trình phối hợp triển khai ứng dụng TMĐT.

Để khắc phục những hạn chế và phát huy những điểm mạnh trong việc phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh, thời gian tới các cơ quan liên quan cần tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp có định hướng xây dựng và quản trị website TMĐT phù hợp với mô hình, sản phẩm, triển khai quy trình bán hàng trực tuyến, quy trình kinh doanh theo mô hình tiên tiến trên thế giới, cách thức tích hợp công cụ thanh toán trực tuyến, cách thức quảng bá, marketing hiệu quả cho website, nghiên cứu xây dựng mô hình ứng dụng TMĐT cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng của công nghệ thông tin và TMĐT đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Đức Minh

Đức Minh