Hoạt động ngân hàng: Những dấu hiệu khởi sắc
PTO- Những tháng đầu năm, tình hình kinh tế xã hội của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực: Tổng giá trị sản phẩm (GDP) trong tỉnh tăng 5,6%; giá trị tăng thêm của ngành nông, lâm nghiệp...

Hoạt động ngân hàng: Những dấu hiệu khởi sắc

PTO- Những tháng đầu năm, tình hình kinh tế xã hội của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực: Tổng giá trị sản phẩm (GDP) trong tỉnh tăng 5,6%; giá trị tăng thêm của ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 5,5%; công nghiệp xây dựng tăng 5,2%; dịch vụ tăng 6%; giá trị xuất khẩu tăng 8,7%; an sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đóng góp vào thành công đó có vai trò không nhỏ của ngành Ngân hàng. Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng trên địa bàn đã chủ động triển khai nhiều giải pháp tích cực thúc đẩy hoạt động tiền tệ, tín dụng khá hiệu quả. Nhờ đó, dù tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, nhưng hoạt động ngân hàng trong 6 tháng qua đã bắt đầu có những dấu hiệu khởi sắc.

Do hoạt động của các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, thị trường vàng và ngoại tệ những tháng đầu năm tiếp tục cho thấy sự bất ổn nên gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn được coi là kênh đầu tư an toàn được đông đảo người dân lựa chọn. Dù lãi suất cơ bản tiếp tục được điều chỉnh giảm nhưng tốc độ huy động vốn 6 tháng qua vẫn tăng đều và tăng cao vì thế. Hết tháng 5, tổng nguồn vốn huy động của hệ thống các ngân hàng và tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt hơn 19.000 tỷ đồng, tăng 8,5% so với đầu năm và 28,6% so với cùng kỳ. Ước đến hết tháng 6, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 19.500 tỷ đồng, tăng tới 30,6% so với cùng kỳ năm trước và đạt tới 94,3% kế hoạch của cả năm 2013. Với tốc độ tăng trưởng vốn cao, lần đầu tiên tỷ trọng vốn huy động tại chỗ có khả năng sẽ chiếm tới trên 90% tổng dư nợ. Điều này vừa có thể giúp các tổ chức tín dụng trong tỉnh chủ động hơn với các kế hoạch đầu tư nguồn vốn, đồng thời cũng tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh khi hạn chế được thấp nhất việc sử dụng vốn vay giá cao vào đầu tư tín dụng. Đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng đối với các ngân hàng và tổ chức tín dụng, bởi hoạt động ở một địa bàn khó khăn như tỉnh ta thì việc tự cân đối nguồn vốn không phải là mục tiêu dễ thực hiện đối với toàn ngành ngân hàng.

Theo chi nhánh NHNN tỉnh, tổng dư nợ cho vay đến 30/6 trên toàn địa bàn ước đạt 20.780 tỷ đồng, tăng khoảng 0,7% so với đầu năm và tăng xấp xỉ 15% so với cùng kỳ năm trước. Biết rằng cùng thời điểm này năm ngoái, tổng dư nợ trên địa bàn đã giảm sâu tới hơn 10% và phải sang đến tháng 9 thì số dư cho vay mới bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng chậm, mới thấy được những nỗ lực nhằm cải thiện tình hình đầu tư tín dụng của ngành ngân hàng trong những tháng đầu năm để đạt được con số tăng trưởng 0,7% phải vất vả đến thế nào. Thực tế đến cuối tháng 5, số dư cho vay của toàn ngành ngân hàng vẫn giảm gần 1,7% so với đầu năm, nhưng cũng đã tăng được hơn 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Trước thực trạng tình hình kinh tế - xã hội trong tỉnh tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, tình trạng sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp bị đình trệ, dẫn đến khả năng hấp thụ vốn kém, tổng cầu suy giảm, mà tốc độ đầu tư tín dụng vẫn duy trì và phát triển khá tốt chính là dấu hiệu khởi sắc của ngành ngân hàng, đồng thời cũng cho thấy những tín hiệu phục hồi của nền kinh tế. Trong 5 tháng đầu năm, dư nợ cho vay các ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản đã tăng được 7% so với đầu năm và gần 24% so với cùng kỳ năm trước; cho vay thương mại dịch vụ giảm 5,3% so với đầu năm nhưng lại tăng tới 10,5% so với cùng kỳ; cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn chỉ tăng 1,1% so với đầu năm nhưng lại tăng tới 37,7% so với cùng kỳ. Như vậy với số dư cho vay ước thực hiện đạt đến cuối tháng 6, ngành ngân hàng đã hoàn thành được gần 90% kế hoạch của cả năm 2013. Điều đó cho thấy tăng trưởng dư nợ là một mục tiêu rất khó khăn đã được các ngân hàng và tổ chức tín dụng “tiên liệu” ngay từ khi lập kế hoạch thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, với những dấu hiệu khởi sắc, hy vọng những tháng cuối năm các ngân hàng đẩy mạnh hơn đầu tư vốn cho nền kinh tế địa phương nhanh phục hồi.

Để thực hiện thành công kế hoạch, ngay từ đầu năm, Ban cán sự Đảng Ngân hàng tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách tiền tệ nhằm đảm bảo hoạt động hiệu quả, an toàn. Chi nhánh NHNN tỉnh chỉ đạo các đơn vị trong ngành tập trung giảm lãi suất cho vay, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ và gia hạn nợ giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn giúp các doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay, nhất là nguồn vốn của các chương trình, sản phẩm tín dụng đang được triển khai; chỉ đạo các đơn vị tập trung vốn cho 5 nhóm đối tượng được ưu tiên là: Nông nghiệp, nông thôn; sản xuất hàng xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp công nghệ cao. Trong những tháng cuối năm, Chi nhánh NHNN tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng trong tỉnh thực hiện nghiêm những quy định về lãi suất huy động và cho vay; xem xét, cơ cấu tạo điều kiện hỗ trợ đối với các doanh nghiệp khó khăn thuộc lĩnh vực sản xuất hàng hóa; rút ngắn thời hạn thẩm định hồ sơ cho vay ngắn hạn. Trên cơ sở đề án xử lý nợ xấu của NHNN, các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng xây dựng kế hoạch triển khai xử lý nợ xấu; tăng cường kiểm tra việc sử dụng vốn vay và tài sản đảm bảo tiền vay, tiến hành kiểm tra, đánh giá lại tài sản đảm bảo tiền vay.

Kim Thư